Iran có kho tên lửa lớn nhất Trung Đông

.

Bất chấp các biện pháp trừng phạt, Iran vẫn thành công trong việc phát triển vũ khí tên lửa và đang sở hữu kho vũ khí tên lửa lớn hơn bất kỳ quốc gia Trung Đông nào khác, theo báo cáo do Bộ Quốc phòng Mỹ công bố.

Khalij Fars được xem là một trong những loại tên lửa tiên tiến của Iran, mang đầu đạn nặng 650 kg, miễn nhiễm với việc đánh chặn và được trang bị hệ thống dẫn đường chính xác cao.   Ảnh: nationalinterest.org
Khalij Fars được xem là một trong những loại tên lửa tiên tiến của Iran, mang đầu đạn nặng 650 kg, miễn nhiễm với việc đánh chặn và được trang bị hệ thống dẫn đường chính xác cao. Ảnh: nationalinterest.org

Hãng AFP dẫn tuyên bố của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ nhận định: Iran có một chương trình phát triển vũ khí, quy mô và sự tinh vi của các vũ khí tên lửa tiếp tục gia tăng, bất chấp những nỗ lực hàng thập niên qua nhằm kiềm chế sự tiến bộ của chương trình này.

Báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ còn cho hay, Iran xem tên lửa là nhu cầu chiến lược để bù đắp những hạn chế của lực lượng không quân khi quốc gia Cộng hòa Hồi giáo này vẫn đang sử dụng một số máy bay của Mỹ được chính quyền cũ thân phương Tây đặt mua trước năm 1979. “Thiếu lực lượng không quân hiện đại, Iran tập trung phát triển tên lửa đạn đạo, tăng cường khả năng tấn công tầm xa để ngăn chặn các đối thủ trong khu vực tấn công, nhất là Mỹ, Israel và Saudi Arabia”, báo cáo nêu rõ và nhận định Iran có “kho tên lửa lớn nhất Trung Đông”.

Cũng theo AFP, Iran đã phát triển hàng loạt tên lửa có thể tấn công ở khoảng cách 2.000km, tức có khả năng vươn tới Israel hoặc Saudi Arabia. Trong năm 2017, Iran cũng đã ra mắt tên lửa Khoramshahr với tầm bắn 2.000km, có thể mang nhiều đầu đạn hạt nhân. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc cho rằng, Iran chi tiêu ít hơn cho quân sự, với ngân sách chỉ 20,7 tỷ USD trong năm 2017.

Kinh tế của Iran chịu sức ép của lệnh cấm vận kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi thuận hạt nhân mà Tehran đã ký với nhóm cường quốc P5+1 (còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện - JCPOA) và tái áp đặt trừng phạt nước Cộng hòa Hồi giáo này. Chuyên gia về Iran Christian Saunders tại Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ cảnh báo về những tác động nếu dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran vào tháng 10-2020 sau 5 năm thực thi JCPOA.

Một quan chức tình báo Mỹ cho rằng, lúc đó, Iran cũng sẽ tập trung mua sắm các máy bay chiến đấu và xe tăng, khả năng cao nhất Nga và Trung Quốc là các đối tác cung cấp. Trong cuộc họp Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) tháng 8 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cảnh báo, lệnh cấm vận hết hạn sẽ “tạo ra những bất ổn mới”, chẳng hạn khơi mào cho “cuộc chạy đua vũ trang mới ở Trung Đông”. Trên Twitter, ông Pompeo viết rằng, do thỏa thuận hạt nhân Iran có những thiếu sót nên lệnh cấm vận vũ khí của LHQ đối với Tehran sẽ có hiệu lực thêm một năm nữa. Song, không có thông tin xác nhận có gia hạn thêm lệnh cấm vận hay không.

Tháng trước, Iran công bố bộ thiết bị Labeik có thể biến những tên lửa thế hệ cũ thành vũ khí dẫn đường chính xác. Bộ trưởng Quốc phòng Iran, Chuẩn tướng Amir Hatami, từng tuyên bố sẽ thúc đẩy chương trình tên lửa vì mục đích phòng thủ. Những tiến bộ này làm các chuyên gia quân sự Israel lo lắng khi họ ước tính có 150.000 tên lửa của Iran nhằm vào Nhà nước Do Thái. Israel luôn xem Iran là mối đe dọa lớn nhất ở khu vực Trung Đông, nhiều lần kêu gọi Mỹ áp đặt trừng phạt bổ sung để ngăn Tehran phát triển vũ khí, tên lửa, công nghệ hạt nhân…

Tạp chí The National Interest của Mỹ nhận định, cả Saudi Arabia cũng lo lắng về Iran. Trong vụ tấn công hai cơ sở lọc dầu của Saudi Arabia vào ngày 14-9, phiến quân Houthi ở Yemen nhận trách nhiệm, nhưng Washington và Riyadh cáo buộc Iran đứng sau vụ việc, cho rằng vũ khí tấn công được phóng đi từ Iran, hoặc từ Yemen hay Iraq với sự trợ giúp của Tehran. Sau hơn 2 tháng xảy ra vụ việc, theo Reuters, Mỹ và Saudi Arabia đều không đưa ra bằng chứng về sự liên quan của Iran. Trong lúc đó, Riyadh nhận thấy có những lỗ hổng trong phòng vệ trên không. Riyadh đã bỏ ra hàng tỷ USD để mua hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot và radar của Mỹ, nhưng quốc gia Arab này lại không ngăn chặn được máy bay không người lái và tên lửa tấn công.

Nỗi lo của Mỹ và các nước ở Trung Đông hiện nay còn là việc Iran cắt giảm cam kết trong JCPOA, gia tăng mức độ làm giàu uranium. GS. Meir Litvak, chuyên gia nghiên cứu về Iran và Trung Đông thuộc Đại học Tel Aviv (Israel) nhận định, Iran đang muốn mặc cả để các nước châu Âu cứu vãn JCPOA, đồng thời gây sức ép khiến Mỹ phải nới lỏng các lệnh trừng phạt.

VĨNH AN

;
;
.
.
.
.
.