Iran dần rời xa thỏa thuận hạt nhân

.

Ngày 7-11, Iran chính thức nối lại hoạt động làm giàu uranium, làm gia tăng quan ngại quốc gia này sẽ rút lui hoàn toàn khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani đến thăm một nhà máy điện hạt nhân của nước này. 	Ảnh: AP
Tổng thống Iran Hassan Rouhani đến thăm một nhà máy điện hạt nhân của nước này. Ảnh: AP

Tổ chức Năng lượng Hạt nhân Iran (AEOI) xác nhận việc Tehran bắt đầu bơm khí uranium vào các máy ly tâm tại cơ sở hạt nhân ngầm Fordow, chính thức nối lại hoạt động làm giàu uranium vào ngày 7-11. Dự kiến đến ngày 9-11, khi các thanh sát viên của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IAEA) đến khu vực cơ sở Fordow, mức làm giàu uranium sẽ đạt 4,5%. Bước đi mới nhất của Iran làm dấy lên quan ngại nước này sẽ dứt bỏ hẳn thỏa thuận hạt nhân đã ký với nhóm cường quốc P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) hồi năm 2015, còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA).

Cơ sở Fordo nằm dưới ngọn núi phía bắc thành phố Qom. Theo JCPOA, Iran nhất trí đưa Fordow thành trung tâm hạt nhân, vật lý và công nghệ. Theo đó, 1.044 máy ly tâm ở Fordo không được bơm khí uranium, mà được sử dụng cho các mục đích khác, chẳng hạn sản xuất các dạng nguyên tử đồng vị không phóng xạ với nhiều mục đích dân sự.

Theo IAEA, Fordo được bắt đầu xây dựng vào năm 2007, nhưng những hình ảnh vệ tinh cho thấy Fordo được xây dựng trong khoảng năm 2002-2004. Tuy nhiên, đến năm 2009, Iran mới xác nhận sự hiện diện của cơ sở này trong lúc đối mặt với chiến dịch gây áp lực từ các cường quốc phương Tây xung quanh chương trình hạt nhân. Phương Tây lo ngại Iran có thể phát triển vũ khí hạt nhân, song Tehran khẳng định chương trình hạt nhân chỉ phục vụ các mục đích hòa bình.

Tháng 8-2002, các cơ quan tình báo phương Tây và một nhóm đối lập Iran tiết lộ cơ sở hạt nhân khác tại thành phố Natanz. Trước khi JCPOA được ký kết, cơ sở Natanz là tâm điểm gây tranh cãi giữa Iran và Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) về chương trình hạt nhân của Tehran. LHQ lo ngại công nghệ được sử dụng sản xuất nhiên liệu cho điện hạt nhân có thể được dùng để làm giàu uranium tới mức lớn hơn nhiều, và mục tiêu là đủ để phát triển vũ khí hạt nhân. Trong khi đó, Fordo có quy mô nhỏ hơn và có thể chỉ chứa 3.000 máy ly tâm.

Mới đây, Iran ngăn cản một quan chức IAEA đến cơ sở hạt nhân ở Natanz. Động thái này cùng với việc nối lại hoạt động làm giàu uranium càng tạo ra thêm áp lực cho châu Âu khi các cường quốc của “lục địa già” phải cung cấp cho Iran cách thức bán dầu mỏ ra nước ngoài, bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ. Các quan chức Iran nhiều lần nhấn mạnh rằng, sẽ có thể đảo ngược các bước đi của nước Cộng hòa Hồi giáo này nếu châu Âu có cách giúp Tehran bán dầu. Đến nay, cơ chế thương mại đặc biệt của châu Âu vẫn chưa được thực hiện và đề xuất của Pháp về việc cấp hạn mức tín dụng 15 tỷ USD cho Iran nhằm cứu vãn JCPOA cũng chưa được xem xét. Pháp đã đề xuất khoản tiền này để bù đắp cho những thiệt hại về kinh tế mà Iran đang hứng chịu trước các lệnh trừng phạt của Mỹ. Trước đây, Tehran xuất khẩu 2,5 triệu thùng dầu/ngày nhưng hiện giảm còn 300.000 thùng/ngày và thiệt hại lên đến 120 triệu USD/ngày.

Hãng AP cho rằng, việc Iran nối lại hoạt động làm giàu uranium ở cơ sở Fordo cũng làm dấy lên nguy cơ xung đột theo quy mô rộng lớn hơn ở Trung Đông sau những tháng xảy ra hàng loạt vụ tấn công mà Tehran bị quy trách nhiệm. Israel hiện lặp lại cảnh báo sẽ không cho phép Iran sở hữu vũ khí nguyên tử. “Chúng tôi sẽ không bao giờ để Iran phát triển vũ khí hạt nhân. Đây không chỉ vì an ninh và tương lai của chúng tôi, mà còn vì tương lai của Trung Đông và thế giới”, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phát biểu tối 5-11.

Theo các nhà quan sát, việc Iran đang dần rời xa JCPOA có thể làm thỏa thuận này sụp đổ. Song, một nhà ngoại giao châu Âu nhận định, Tehran sẽ không từ bỏ JCPOA vì lợi ích của nước Cộng hòa Hồi giáo này, đồng thời châu Âu sẽ không để thỏa thuận “chết yểu”.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.