Nhật - Hàn duy trì hiệp định thông tin tình báo

.

Hiệp định chia sẻ thông tin tình báo quân sự chung (GSOMIA) giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đã được “giải cứu” vào giờ phút cuối khi Seoul chủ trương kéo dài thỏa thuận kèm theo một số điều kiện.

Theo hãng tin Yonhap, chính phủ Hàn Quốc ngày 22-11 thông báo với Nhật Bản chủ trương dừng tuyên bố GSOMIA hết hạn. Như vậy, GSOMIA vẫn còn hiệu lực.

Hãng Yonhap cho rằng, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in có thể tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh với Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo vào tháng 12 tới. Trong ảnh: Hai nhà lãnh đạo gặp gỡ tại hội nghị G20 ở Osaka (Nhật Bản) vào tháng 6-2019. 	                                                   Ảnh: Nikkei
Hãng Yonhap cho rằng, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in có thể tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh với Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo vào tháng 12 tới. Trong ảnh: Hai nhà lãnh đạo gặp gỡ tại hội nghị G20 ở Osaka (Nhật Bản) vào tháng 6-2019. Ảnh: Nikkei

Một điều kiện then chốt được Hàn Quốc đưa ra là Seoul có thể chấm dứt GSOMIA bất kỳ lúc nào và Nhật Bản cần hiểu vấn đề này. Tại cuộc họp báo ngày 22-11, ông Kim You-geun, Phó Giám đốc Văn phòng An ninh quốc gia của Tổng thống Hàn Quốc cho biết, Seoul cũng ngừng kiện Nhật Bản lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về việc Tokyo siết chặt quy định xuất khẩu sang Hàn Quốc 3 vật liệu công nghệ cao dùng trong sản xuất chất bán dẫn và màn hình, gồm nhựa nhiệt dẻo (fluorinated polyimide), chất cản màu (resist) và hydro clorua có độ tinh khiết cao (HF). Chính phủ Nhật Bản đã đồng ý nối lại đàm phán với Hàn Quốc để giải quyết những tranh chấp về thương mại.

Ông Kim You-geun nhấn mạnh, Nhật Bản nên rút lại các động thái thương mại “bất công” và bình thường hóa quan hệ với Hàn Quốc để gia hạn GSOMIA. Hãng Yonhap cho rằng, tuyên bố của Hàn Quốc mở đường để hai nước bước vào đàm phán thực chất về các vấn đề song phương gây nhiều tranh cãi như: tranh chấp thương mại, bồi thường cho lao động thời chiến. Đồng thời, tùy theo tiến độ đàm phán, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in có thể tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh với Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo vào tháng 12 tới.

Quyết định của Hàn Quốc kéo dài GSOMIA đã đảo ngược chủ trương của Seoul trước đó là chấm dứt hợp tác về thỏa thuận vốn được ký kết với quốc gia láng giềng Nhật Bản hồi năm 2016. GSOMIA chính thức hết hạn vào 12 giờ ngày 23-11 (tức 10 giờ cùng ngày, giờ Việt Nam), nếu các cuộc đàm phán gia hạn thỏa thuận không mang lại sự đột phá. Vì vậy, việc Hàn Quốc bất ngờ muốn duy trì GSOMIA được xem là cứu cánh cho mối quan hệ hợp tác an ninh 3 bên Mỹ - Hàn - Nhật. Hãng AP gọi đây là “biểu tượng lớn của hợp tác an ninh 3 bên”.

Hãng Reuters cho biết, GSOMIA quy định việc chia sẻ dữ liệu tình báo về mối đe dọa hạt nhân từ CHDCND Triều Tiên và ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Căng thẳng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc về thương mại và các vấn đề trong thời chiến đã “phủ bóng” lên GSOMIA. Tháng 8 vừa qua, chính phủ Seoul quyết định không gia hạn hiệp định sau khi Nhật Bản công bố các quy định hạn chế xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc. Seoul cho rằng, động thái của Tokyo nhằm trả đũa quyết định của Tòa án Tối cao Hàn Quốc buộc các công ty Nhật Bản bồi thường cho các nạn nhân bị cưỡng bức lao động thời chiến. Các nhà quan sát lo lắng khi tranh cãi chính trị và thương mại Nhật - Hàn đã lan sang các vấn đề an ninh quốc gia nhạy cảm nhất ở khu vực Đông Bắc Á.

Các cuộc đàm phán giữa quan chức Nhật Bản và Hàn Quốc bên lề hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng lần thứ 6 (ADMM+) ở Bangkok (Thái Lan) hồi tuần trước cũng không thành công, làm mất cơ hội cuối cùng để hai nước tháo gỡ bất đồng và duy trì GSOMIA. Hàn Quốc lý giải rằng: “Sau khi Nhật Bản cắt giảm xuất khẩu sang Hàn Quốc với lý do lòng tin an ninh của họ bị tổn thương, chúng tôi buộc phải chấm dứt GSOMIA”. Hàn Quốc cũng khẳng định sẽ dùng Thỏa thuận chia sẻ thông tin ba bên (TISA), với Mỹ đóng vai trò trung gian, để thay thế GSOMIA.

Hầu hết các nhà phân tích của Hàn Quốc từng cho rằng, chính phủ của Tổng thống Moon Jae-in chắc chắn sẽ chấm dứt GSOMIA, mặc dù ông tuyên bố vẫn để ngỏ cánh cửa đàm phán với Tokyo. Một số nhà phân tích khác nhận định, yêu cầu của chính phủ Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khiến Hàn Quốc phải đảo ngược quyết định quan trọng. Mỹ đã nhiều lần kêu gọi Hàn Quốc duy trì GSOMIA. Việc hủy bỏ thỏa thuận có thể gây tổn hại đến an ninh của Nhật Bản, Hàn Quốc; đồng thời gia tăng rủi ro cho 28.500 binh sĩ Mỹ đang đồn trú ở Hàn Quốc.

Theo Reuters, căng thẳng Nhật - Hàn cũng “phủ bóng” lên hội nghị ngoại trưởng G20 đang nhóm họp ở thành phố Nagoya, miền trung Nhật Bản trong hai ngày 22 và 23-11.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.