Thổ Nhĩ Kỳ đã chứng minh việc không từ bỏ thương vụ S-400 bằng cách tổ chức thử nghiệm hệ thống này, bất chấp sức ép của Mỹ.
Nga đã chuyển giao hệ thống S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ hai đợt trong năm 2019. Ảnh: Reuters |
Ngày 25 và 26-11, các máy bay F-16 của không quân Thổ Nhĩ Kỳ cùng nhiều máy bay khác thực hiện các chuyến bay tầm cao và tầm thấp trên bầu trời thủ đô Ankara để kiểm tra hệ thống S-400 được mua của Nga. Thượng nghị sĩ Mỹ Christopher Van Hollen gọi việc thử nghiệm S-400 là động thái vượt “lằn ranh đỏ” trong lúc Washington vẫn không ngừng gây áp lực buộc Thổ Nhĩ Kỳ phải từ bỏ thương vụ S-400 để chuyển sang mua tên lửa Patriot của cường quốc hàng đầu thế giới.
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thị trường mới nổi tại TD Securities ở London (Anh) Cristian Maggio cho rằng, với việc thử nghiệm S-400, Mỹ sắp áp đặt lệnh trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ. “Các biện pháp trừng phạt luôn hiện diện, nhưng bây giờ có lẽ sắp xảy ra”, ông Maggio nói.
Thổ Nhĩ Kỳ ký hợp đồng mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga trị giá 2,5 tỷ USD từ năm 2017. Lô hàng đầu tiên đã được giao vào tháng 7 vừa qua nhưng chưa đưa vào hoạt động. Sau chuyến công du Mỹ và gặp gỡ Tổng thống Donald Trump vào giữa tháng 11, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố không từ bỏ S-400 và nay ông cho thử nghiệm hệ thống này.
Mỹ từng cảnh báo, việc Ankara mua S-400 tạo ra mối đe dọa với an ninh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và làm quan hệ với Washington trở nên xấu đi. Mỹ đã loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình phát triển máy bay tàng hình F-35, chương trình vũ khí tốn kém nhất của Lầu Năm Góc, dù Ankara là nhà đồng sản xuất và tiêu thụ loại máy bay này. Các quan chức Lầu Năm Góc nhắc đi nhắc lại rằng, Thổ Nhĩ Kỳ không thể vừa tham gia chế tạo các bộ phận của F-35, hoặc mua máy bay này, vừa tiếp tục triển khai S-400.
Trong cuộc gặp ở Nhà Trắng vào ngày 13-11, Tổng thống Trump nói với người đồng cấp Erdogan rằng, thỏa thuận giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Nga mang lại “một số thách thức rất nghiêm trọng” cho Mỹ và yêu cầu Ngoại trưởng Mike Pompeo giải quyết bế tắc này. Tuần trước, một quan chức cấp cao thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh, có cơ hội để Thổ Nhĩ Kỳ trở lại bàn đàm phán, nhưng Ankara phải trả lại hoặc phá hủy hệ thống S-400, hoặc bằng cách nào đó từ bỏ hệ thống này. Theo quan chức này, vẫn có khả năng Washington áp dụng các biện pháp trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ theo Luật chống kẻ thù của Mỹ thông qua các lệnh trừng phạt (CAATSA).
Ngày 26-11, phát biểu với báo giới trên đường về nước sau chuyến thăm Qatar, Tổng thống Erdogan nói rằng, các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ sẽ nỗ lực giải quyết căng thẳng giữa hai nước đến tháng 4-2020 xung quanh thương vụ S-400. “Tiến trình đang diễn ra cho đến tháng 4. Các Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao của chúng tôi sẽ thực hiện những nỗ lực này”, ông Erdogan nói. Trong lúc đó, báo chí Thổ Nhĩ Kỳ dẫn lời Ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu cho biết, Ankara không hứa với bất kỳ ai về việc không cài đặt hoặc sử dụng S-400.
Theo các nhà quan sát, mối quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ xấu đi vì thương vụ S-400 và F-35 nhưng sẽ không phá vỡ liên minh chiến lược này. Hơn nữa, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không thể phớt lờ hoàn toàn một đồng minh lớn vốn có chung nhiều lợi ích trong NATO, mà phải chọn thế cân bằng phù hợp và điều này hẳn nằm trong toan tính của ông Erdogan.
Trả lời phỏng vấn hãng thông tấn RIA ngày 26-11, ông Alexander Mikheev, người đứng đầu tập đoàn xuất khẩu vũ khí nhà nước Nga Rosoboronexport bày tỏ hy vọng Moscow sẽ ký hợp đồng cung cấp thêm cho Thổ Nhĩ Kỳ hệ thống tên lửa S-400 trong 6 tháng đầu năm 2020. “Nhưng tôi muốn nhấn mạnh rằng, hợp tác kỹ thuật quân sự với Thổ Nhĩ Kỳ không dừng lại ở việc cung cấp S-400. Chúng tôi có những kế hoạch lớn phía trước”, ông Mikheev nói. |
NGUYÊN LÊ