Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đến chơi golf tại câu lạc bộ của ông ở ngoại ô Washington - dấu hiệu cho thấy cuộc sống trở lại bình thường giữa đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, người Mỹ vẫn lo ngại khi nước này ghi nhận hơn 21.000 ca nhiễm mới và 1.000 ca tử vong vào ngày 23-5.
Nhiều tài xế ô-tô xếp hàng chờ xét nghiệm SARS-CoV-2 ở Annandale, Virginia (Mỹ) ngày 23-5. Ảnh: AP |
Mỹ vẫn là vùng dịch lớn nhất thế giới với hơn 1,6 triệu ca nhiễm và 97.000 ca tử vong, theo thống kê của Đại học Johns Hopkins. Song, chính phủ Mỹ thúc giục các bang mở cửa trở lại và cho rằng giai đoạn tồi tệ nhất của đại dịch Covid-19 đã qua.
Hãng AP cho biết, việc Tổng thống Donald Trump đội mũ lưỡi trai màu trắng và mặc áo phông trắng đến câu lạc bộ golf của ông ở ngoại ô Washington vào ngày 23-5 là hành động cụ thể để minh chứng rằng Mỹ đang trở lại cuộc sống bình thường. Tại bang California - nơi nhiều doanh nghiệp mở cửa và các hoạt động giải trí được nối lại, các quan chức ở Los Angeles khẳng định, họ vẫn duy trì nghiêm ngặt các biện pháp hạn chế đến ngày 4-7.
Tại bang New York, Thống đốc Andrew Cuomo cho hay, có 84 ca tử vong trong ngày 23-5 và đây là ngày có số ca tử vong thấp nhất ở bang. Hơn một tháng trước, ngày 8-4, New York ghi nhận số ca tử vong kỷ lục: 799 ca. “Đây là dấu hiệu cho thấy chúng ta đạt được tiến triển đáng kể”, ông Cuomo nói. Người đứng đầu bang New York vừa ban hành sắc lệnh cho phép nới lỏng các hạn chế về tụ tập đông người, cho phép các hoạt động tụ tập trên 10 người, nhưng yêu cầu người dân phải tuân thủ các quy định giãn cách xã hội và vệ sinh, khử trùng. Các sự kiện tôn giáo có hơn 10 người tham gia được phép tổ chức từ ngày 21-5. Tuần này, các vùng Long Island và Mid Hudson mở cửa trở lại. Riêng thành phố New York vẫn duy trì lệnh phong tỏa và có thể mở cửa vào đầu tháng 6.
Nhiều vùng ở bang New Orleans đã trở lại cuộc sống thường nhật. Một số nhà hàng, doanh nghiệp mở cửa lần đầu sau 2 tháng thực hiện lệnh phong tỏa. Song, ở khu du lịch French Quarter thuộc bang này, các cửa hàng, nhà hàng vẫn đóng cửa.
Nhiều bang đối mặt với làn sóng thứ hai
Báo The Guardian dẫn lời các chuyên gia cảnh báo, Dallas, Houston, Gold Coast thuộc bang Florida, toàn bộ bang Alabama và một số nơi khác ở miền nam nước Mỹ nhanh chóng mở cửa nhưng sẽ đối mặt với làn sóng thứ hai của dịch bệnh trong vòng 4 tuần tới.
Nhiều người Mỹ không đồng ý với nhận định của Tổng thống Trump rằng họ muốn làm việc trở lại. Theo các thăm dò, người Mỹ có công việc cần rời khỏi nhà bày tỏ lo lắng về sự lây lan của Covid-19. 60% số người được hỏi đã chia sẻ sự lo lắng nguy cơ nhiễm bệnh cho gia đình của họ. Báo The Guardian cho rằng, nhiều người Mỹ phải đi làm vì họ cần tiền, nhưng các nền kinh tế giàu có như Mỹ có thể hỗ trợ người dân của mình trong nhiều năm nếu cần thiết. Song, trở ngại trong lúc này là thiếu thiện chí chính trị để cung cấp sự hỗ trợ như thế ít nhất cho đến khi bảo đảm khống chế được đại dịch.
Trong lúc đó, báo New York Times số ra ngày 24-5 dành cả trang nhất để tưởng niệm 1.000 người đã chết vì Covid-19 trong lúc số người tử vong vì đại dịch này tại Mỹ lên hơn 97.000 ca. Trang nhất có tiêu đề “Số người tử vong ở Mỹ sắp cán mốc 100.000, sự mất mát khôn lường” và tiêu đề phụ “Họ không đơn giản chỉ là cái tên trong danh sách. Họ là một phần của chúng ta”. “Con số 1.000 này chỉ là 1% trong những người đã tử vong nhưng nó không đơn thuần chỉ là con số”, New York Times bình luận.
Phát biểu với báo giới ngày 24-5, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho rằng, Mỹ đang đẩy mối quan hệ với Bắc Kinh đến “bên bờ cuộc Chiến tranh Lạnh mới”, và khẳng định nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hợp tác với quốc tế để tìm nguồn gốc của SARS-CoV-2. “Chúng tôi thấy rằng, một số lực lượng chính trị ở Mỹ đang lấy quan hệ Mỹ và Trung Quốc làm con tin, đẩy hai nước tới bờ một cuộc Chiến tranh Lạnh mới”, hãng AFP dẫn lời ông Vương Nghị nói. Ông Vương Nghị cũng chỉ trích việc hai bang Missouri và Mississippi của Mỹ khởi kiện Bắc Kinh vì phản ứng với Covid-19. Ông cho rằng, việc khởi kiện không có cơ sở pháp lý. Các chính phủ, trong đó có Mỹ và Úc, đang kêu gọi điều tra về nguồn gốc của SARS-CoV-2. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng muốn Trung Quốc mời các chuyên gia của cơ quan này tham gia điều tra, nhưng Bắc Kinh đề xuất chỉ nên đánh giá về phản ứng toàn cầu đối với Covid-19 khi đại dịch kết thúc. |
VĨNH AN