Việc CHDCND Triều Tiên ngừng hoàn toàn đường dây nóng liên lạc với Hàn Quốc từ trưa 9-6 là động thái bất ngờ trong lúc mối quan hệ giữa hai miền có phần nồng ấm sau 2 năm thúc đẩy ngoại giao.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) gặp gỡ Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại làng đình chiến Panmunjom ngày 27-4-2018. Ảnh: Reuters |
Quyết định của CHDCND Triều Tiên nhằm phản ứng với việc các nhà hoạt động Hàn Quốc thả tờ rơi chống Bình Nhưỡng ở khu vực biên giới. Triều Tiên cáo buộc Hàn Quốc vi phạm thỏa thuận liên Triều đạt được tại hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 4-2018 khi Seoul không giải quyết tình trạng những người đào tẩu rải truyền đơn qua biên giới Triều Tiên.
Ngày 10-6, Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết, Seoul sẽ không cố gắng gọi cho Bình Nhưỡng qua đường dây liên lạc cho đến khi có thỏa thuận nối lại các đường dây này. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cam kết thực thi đầy đủ thỏa thuận quân sự được hai miền ký hồi năm 2018 nhằm giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên; đồng thời bày tỏ ủng hộ chính sách của chính phủ Hàn Quốc về phi hạt nhân hóa và tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.
Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo cho biết, các đợt diễn tập sẵn sàng chiến đấu của không quân liên quân Hàn - Mỹ và cuộc tập trận phối hợp hệ thống phòng thủ tên lửa đã diễn ra theo đúng kế hoạch. Song, ông Jeong Kyeong-doo không đề cập cụ thể về các cuộc tập trận này, chỉ biết rằng diễn tập được tiến hành ở Trung tâm Kiểm soát tác chiến tên lửa đạn đạo (AMD-cell) của quân đội Hàn Quốc và Trung tâm Kiểm soát tác chiến hệ thống đánh chặn bằng tên lửa Patriot (TMD-cell) của quân đội Mỹ đồn trú ở Hàn Quốc.
Hàng loạt diễn biến nói trên cho thấy mối quan hệ giữa Triều Tiên và Hàn Quốc không còn nồng ấm, bất chấp những nỗ lực thúc đẩy ngoại giao của Tổng thống Moon Jae-in trong 2 năm qua. Năm 2018, Tổng thống Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã gặp gỡ nhau 3 lần. Giờ đây, Triều Tiên đã hành động ngay để chứng minh cho tuyên bố của mình: Không trả lời các cuộc gọi thường nhật thông qua đường dây liên lạc từ Seoul, trong đó có đường dây nóng quân sự. Đây cũng là lần đầu tiên Triều Tiên không trả lời các cuộc gọi quân sự kể từ lúc các đường dây nóng được nối vào năm 2018, theo người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Choi Hyun-soo.
Hãng Bloomberg nhận định, việc Triều Tiên ngừng hoàn toàn đường dây nóng liên lạc với Hàn Quốc ảnh hưởng lớn đến cam kết trong chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Moon Jae-in hồi năm 2017: Ủng hộ mạnh mẽ “Chính sách Ánh dương” - chính sách đối ngoại hướng tới cải thiện quan hệ hai miền Triều Tiên, được áp dụng từ năm 1998-2008.
Chính sách đối ngoại của ông Moon với Triều Tiên được xem là gần gũi với “Chính sách Ánh dương” của các cựu Tổng thống Kim Dae-jung và Roh Moo-hyun. Đảng của ông Moon Jae-in cũng đã giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử Quốc hội hồi tháng 4 và đảng này muốn tiếp tục hàn gắn quan hệ với Triều Tiên.
Thượng nghị sĩ cấp cao, cựu lãnh đạo đảng Dân chủ Woo Won-shik nói rằng, cần làm sống lại sự hợp tác liên Triều ngay lập tức, nếu không sẽ đưa hai miền trở lại tình trạng căng thẳng như thời điểm cách đây 3 năm. Đầu năm 2020, nhà lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố sẽ đẩy mạnh phát triển chương trình hạt nhân và sắp ra mắt “vũ khí chiến lược mới”.
Phát biểu này nhằm gây áp lực để Tổng thống Mỹ Donald Trump trở lại bàn đàm phán. “Mục tiêu ngắn hạn của Triều Tiên là ngừng các hoạt động rải truyền đơn và gây sức ép với Hàn Quốc. Mục tiêu dài hạn là gây sức ép buộc Mỹ nới lỏng các biện pháp trừng phạt”, ông Shin Beom-chul, Giám đốc Trung tâm An ninh và Ngoại giao thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược quốc gia Hàn Quốc nhận định.
Hãng Bloomberg cho hay, phía Mỹ cũng thúc giục Triều Tiên trở lại ngoại giao và hợp tác. “Mỹ luôn ủng hộ tiến triển trong quan hệ liên Triều và chúng tôi thất vọng về những hành động gần đây của Triều Tiên”, một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nói.
Trong khi đó, theo nhà nghiên cứu cấp cao Cho Han-bum tại Viện Thống nhất quốc gia Hàn Quốc, tiếp theo việc cắt đường dây liên lạc, Bình Nhưỡng có thể có những hành động như phóng tên lửa, nhưng sẽ không thử tên lửa đạo đạo liên lục địa. Nguyên nhân do Bình Nhưỡng không muốn thúc đẩy Tổng thống Moon Jae-in “đi quá xa”, chẳng hạn như việc chấm dứt mối quan hệ liên Triều, và “một bước đi quá xa” như thế là điều mà quốc gia phía bắc trên bán đảo Triều Tiên không hề mong muốn.
THIÊN BÌNH