Không phải đến bây giờ làn sóng phản đối phân biệt chủng tộc mới bùng phát mạnh mẽ ở Mỹ liên tiếp trong nhiều ngày như thế. Phong trào biểu tình “Tôi không thở được” một lần nữa đặt ra vấn đề về sự bất bình đẳng mang tính hệ thống trong xã hội Mỹ.
Một nhân viên cảnh sát ôm người biểu tình ở thành phố Atlanta, bang Georgia. Ảnh: AP |
Kết quả khám nghiệm tử thi độc lập cho biết, người đàn ông da màu George Floyd “ngạt thở do áp lực liên tục”, dẫn đến tử vong, khi bị sĩ quan cảnh sát da trắng Derek Chauvin ở thành phố Minneapolis dùng đầu gối đè lên cổ và lưng. Chuyên gia giám định pháp y được gia đình Floyd thuê cho rằng, áp lực do cảnh sát gây ra đã ngăn máu lưu thông tới não của người đàn ông da đen này. Trong lúc đó, theo nhân viên khám nghiệm của hạt Hennepin thuộc thành phố Minneapolis, nguyên nhân cái chết là “ngưng tim do hoạt động khống chế, bắt giữ, chèn ép cổ của lực lượng thực thi pháp luật” và không nhắc gì tới việc nghẹt thở.
Tuy nhiên, kết quả giám định pháp y như thế nào thì cũng không ngăn được làn sóng biểu tình đang diễn ra rầm rộ ở ít nhất 140 thành phố của nước Mỹ. Đoạn video ghi lại hình ảnh Floyd bị viên cảnh sát Chauvin kẹp cổ hơn 8 phút đến bất tỉnh và tử vong ở bệnh viện chính là bằng chứng rõ ràng nhất về sự lạm quyền của cảnh sát, về sự coi rẻ mạng sống của người da màu, làm dấy lên những cơn bạo loạn chưa từng có. Hơn 5.600 người biểu tình đã bị bắt giữ. Hãng CNN dẫn lời ông Josep Borrell, nhà ngoại giao của Liên minh châu Âu (EU) phát biểu tại cuộc họp báo ở Bỉ rằng, cái chết của Floyd là do sự lạm quyền và phải bị chỉ trích.
Trong lúc cảnh sát và người biểu tình đụng độ trên một số đường phố ở Mỹ, vẫn có những nơi các nhân viên cảnh sát thể hiện sự đoàn kết với phong trào biểu tình. Cảnh sát đã ôm những người biểu tình, cầu nguyện cùng họ và thậm chí quỳ gối để bày tỏ sự ủng hộ. “Chúng tôi ôm nhau để thể hiện sự đoàn kết. Những người sống ở New York muốn New York chấm dứt bạo lực”, Cảnh sát trưởng của Sở Cảnh sát New York Terence Monahan nói. Vị quan chức cảnh sát này muốn dùng cách chia sẻ này để kêu gọi những người xuống đường tiếp tục biểu tình hòa bình.
Nhà Trắng ra tuyên bố kêu gọi khôi phục trật tự và luật pháp trên toàn nước Mỹ, đồng thời chỉ trích những phần tử quá khích khi tiến hành các vụ biểu tình bạo loạn trong nhiều đêm liên tiếp. Còn Tổng thống Donald Trump, người đang tìm kiếm nhiệm kỳ hai, đã yêu cầu chấm dứt biểu tình. Trong bài phát biểu tại Vườn Hồng ngày 1-6 (giờ Mỹ), ông cam kết sẽ thực thi luật lệ và huy động nguồn lực quân đội để chấm dứt tình trạng bạo loạn, hôi của trên cả nước. “Chuyện xảy ra là sự hổ thẹn hoàn toàn.
Tôi sẽ gửi hàng ngàn, hàng ngàn sĩ quan thực thi pháp luật và binh lính vũ trang hạng nặng để ngăn chặn nổi loạn, cướp bóc, phá hoại, tấn công và phá hoại tài sản bừa bãi”, Tổng thống Trump nói và cho biết các biện pháp của ông sẽ phát huy hiệu quả ngay lập tức. Người đứng đầu Nhà Trắng cũng đề nghị các thống đốc bang triển khai Lực lượng Vệ binh Quốc gia “với số lượng đủ lớn để áp đảo trên các tuyến phố” cho đến khi dập tắt bạo lực.
Trong bài phát biểu, Tổng thống Mỹ cũng gửi thông điệp rằng, công lý sẽ đứng về phía George Floyd và bản thân ông là “tổng thống của luật pháp, trật tự, là đồng minh của tất cả những người biểu tình hòa bình”.
Trong lúc đó, cựu Phó Tổng thống Joe Biden, ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ cam kết sẽ giải quyết vấn đề phân biệt chủng tộc. Trên Twitter, ông Biden chỉ trích Tổng thống đương nhiệm về chủ trương xịt hơi cay vào những người biểu tình ôn hòa và bắn đạn cao su về phía họ. “Vì sức sống thực sự của đất nước, chúng ta phải đánh bại ông ấy”, ông Biden viết.
5 tháng trước ngày bầu cử, những cuộc khủng hoảng liên tiếp xảy ra là rào cản lớn đối với Tổng thống Trump. Đến lúc này, ông vẫn chưa có cách giải quyết khủng hoảng bạo lực hiệu quả, ngoài những tuyên bố đe dọa “mạnh tay” xen lẫn một chút thông điệp “xoa dịu”. Hãng AP nhận định, ông Trump ít nỗ lực làm giảm sự tức giận của người da màu, hay giải quyết sự bất bình đẳng mang tính hệ thống trong xã hội Mỹ và điều này sẽ gây phản tác dụng cho chiến dịch của ông trong việc tăng sức hấp dẫn đối với các cử tri người Mỹ gốc Phi.
Theo CNN, Tổng thống Donald Trump có thể sử dụng đạo luật Nổi dậy 1807, cho phép triển khai quân đội để đối phó với sự hỗn loạn trong nước. Đạo luật thường được viện dẫn trong các cuộc bạo loạn những năm 1950 và 1960. Năm 1992, khi tòa tuyên bố trắng án đối với 4 viên cảnh sát da trắng đánh đập công dân da màu Rodney King, các vụ biểu tình bạo loạn đã xảy ra và đạo luật nói trên cũng được sử dụng. Tuy nhiên, việc kích hoạt một đạo luật như thế không có lợi cho ông Trump khi cuộc bầu cử đang đến gần. |
PHÚC NGUYÊN