Tuần qua, biểu tình tại Mỹ lan sang nhiều quốc gia khác và Triều Tiên mạnh mẽ công khai chỉ trích Mỹ là những vấn đề được quan tâm.
Người biểu tình tập trung tại Quảng trường Quốc hội ở London (Anh). Ảnh: AP |
Biểu tình tại Mỹ lan sang nhiều quốc gia
Đã 2 tuần kể từ khi làn sóng biểu tình liên quan đến cái chết của công dân da màu George Floyd bùng phát tại Mỹ. Đến nay, các cuộc biểu tình đã lan ra 70 thành phố ở Mỹ, cũng như nhiều nơi tại Canada và các nước châu Âu.
Một khảo sát của CBS News đã cho kết quả 58% người Mỹ được hỏi không ủng hộ cách Tổng thống Mỹ Donald Trump xử lý vấn đề liên quan đến chủng tộc. Bên cạnh đó, 57% người được hỏi cũng cho biết cảnh sát có xu hướng bạo lực hơn đối với người da màu.
Hàng nghìn người đã đổ ra các con phố tại châu Âu thể hiện ủng hộ với phong trào biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc ở Mỹ. Người biểu tình tại Anh thậm chí còn xô đổ bức tượng thương nhân buôn nô lệ thế kỷ 17 Edward Colston.
Tại Bỉ, người biểu tình trèo lên tượng Vua Leopold II, sơn dòng chữ “đáng hổ thẹn” lên bức tượng. Điều này bắt nguồn từ việc Vua Leopold II được cho có liên quan tới cái chết của 10 triệu người Congo.
Trong khi đó, hàng nghìn người cũng tập trung biểu tình tại các con phố của Barcelona (Tây Ban Nha). Nhiều trong số họ mang theo bảng với dòng chữ “Black Lives Matter” (Mạng sống của người da đen cũng ý nghĩa), “Nhân quyền cho mọi người”…
Hàng trăm người cũng đổ ra các con phố tại Rio de Janeiro biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc. Những người biểu tình không chỉ đề cập đến cái chết của công dân Mỹ Floyd mà còn phản đối việc giết hại người da màu ở các khu ổ chuột tại Rio de Janeiro.
Nhiều người cũng tham gia biểu tình ủng hộ phong trào "Black Lives Matter" của Mỹ tại quảng trường Rabin ở Tel Aviv, Israel.
Triều Tiên thể hiện bất bình với Mỹ
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un trong một cuộc gặp năm 2019. Ảnh: The New York Times |
Có một trùng hợp đặc biệt khi Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Son-gwon ngày 12-6 tuyên bố “hy vọng tìm được hòa bình với Hàn Quốc và Mỹ đã “chìm vào ác mộng tối tăm”. Thời điểm này cách đây 2 năm, Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un đã tham dự cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều đầu tiên tại Singapore. Trong buổi họp báo năm đó, Tổng thống Trump khẳng định ông là nhà lãnh đạo Mỹ đầu tiên đàm phán về giải trừ quân bị thực sự, điều mà ông dự đoán sẽ khởi động ngay lập tức.
Hai năm sau, Tổng thống Trump tuyên bố trên mạng xã hội Twitter rằng “không còn mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên”. Nhưng nhiều chuyên gia lại đánh giá rằng số vũ khí hạt nhân của Triều Tiên thậm chí còn tăng hơn so kể từ thời điểm diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều đầu tiên.
Ngày 12-6, phía Triều Tiên còn tuyên bố từ bỏ nỗ lực theo đuổi mối quan hệ ngoại giao với Nhà Trắng. Ngoại trưởng Triều Tiên nhấn mạnh Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục gia tăng lực lượng quân sự để đối trọng với “mối đe dọa Mỹ”. Triều Tiên đồng thời ngưng mọi kênh liên lạc với Hàn Quốc.
Tờ USA Today cho biết Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ chưa phản hồi về bình luận của Triều Tiên.
Trong bài phát biểu mừng năm mới vào tháng 1/2019, Chủ tịch Kim Jong-un từng cảnh cáo sẽ “tìm con đường mới” nếu Mỹ vẫn không từ bỏ trừng phạt Triều Tiên. Đến tháng 2, kết thúc Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai ở thủ đô Hà Nội, hai bên không có tuyên bố chung do những khác biệt liên quan tới mức độ Bình Nhưỡng sẵn sàng giải trừ hạt nhân và Washington nới lỏng trừng phạt đối với Bình Nhưỡng.
Kể từ đó, Triều Tiên nhiều lần bày tỏ thất vọng với Mỹ và Hàn Quốc. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in còn đích thân đến thăm Triều Tiên và nhấn mạnh rằng Chủ tịch Kim Jong-un cùng Tổng thống Trump là hai chính khách đặc biệt để đàm phán một thỏa thuận lịch sử.
Đến tháng 5-2019, Triều Tiên đã phá vỡ khoảng thời gian 18 tháng không thử vũ khí khi phóng nhiều tên lửa đạn đạo tầm ngắn. Các nhà đàm phán của hai quốc gia đã gặp gỡ ở Thụy Điển trong tháng 10-2019 nhưng chỉ xác nhận về những khác biệt.
Trong thông điệp năm mới 2020, Chủ tịch Kim Jong-un nói với người dân Triều Tiên rằng không thể mong chờ nới lỏng trừng phạt và cần chuẩn bị nền kinh tế tự lực khi khó khăn kéo dài.
Các nhà phân tích cho rằng mặc dù Triều Tiên có “thói quen” tăng căng thẳng trong những năm diễn ra bầu cử Mỹ nhưng Bình Nhưỡng luôn xác định được giới hạn.
Theo Báo Tin tức