CHDCND Triều Tiên kỷ niệm 2 năm diễn ra hội nghị thượng đỉnh với Mỹ lần đầu tiên ở Singapore bằng tuyên bố Bình Nhưỡng sẽ thúc đẩy việc phát triển các vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Phát biểu cứng rắn này phủ bóng lên triển vọng nối lại đàm phán Mỹ - Triều vốn đang bế tắc.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp gỡ tại Singapore ngày 12-6-2018. Ảnh: AFP/Getty Images |
Cách đây 2 năm, ngày 12-6-2018, sau nhiều nỗ lực thúc đẩy ngoại giao, Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có cuộc gặp lịch sử lần đầu tiên ở Singapore. Lúc đó, hai ông mỉm cười bắt tay nhau trước ống kính của các nhà báo thế giới. Trên Twitter, người đứng đầu Nhà Trắng còn viết: “Không còn mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên”.
Sau sự kiện nói trên, ông Trump và ông Kim Jong-un có hai cuộc gặp khác tại Việt Nam vào tháng 2-2019 và tại khu phi quân sự liên Triều (DMZ) vào tháng 6-2019. Song, đàm phán nhằm thực hiện thỏa thuận giữa hai bên đến nay vẫn bế tắc. Nguyên nhân do những bất đồng về phạm vi phi hạt nhân hóa của Triều Tiên, việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Mỹ, sự phối hợp giữa hai bên trong việc triển khai các bước đi cụ thể. Thông điệp của Mỹ là cánh cửa đàm phán vẫn để ngỏ nếu Triều Tiên có “thiện chí”, nhưng “thiện chí” theo quan điểm của Washington là Bình Nhưỡng phải tuân thủ những cam kết trong việc loại bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân trước khi được dỡ bỏ lệnh trừng phạt.
Theo báo The Independent, Triều Tiên giờ đây kỷ niệm hội nghị thượng đỉnh lần 1 với Mỹ bằng tuyên bố: Bình Nhưỡng không thấy lợi ích gì để tiếp tục mối quan hệ giữa ông Trump và ông Kim; nước này sẽ thúc đẩy việc phát triển các vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo.
Trong tuyên bố phát trên hãng thông tấn quốc gia KCNA, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Son Gwon cáo buộc Mỹ chỉ muốn “ghi điểm” về chính trị và chỉ hứa suông. Ông Ri Son Gwon nói rằng, Bình Nhưỡng sẽ không bao giờ trao thêm cho Mỹ cơ hội nào mà không nhận được sự đáp lại thích đáng. “Trong quá khứ, tất cả hành động thực tiễn của chính phủ Mỹ không đóng góp gì cho những thành tựu chính trị. Câu hỏi đặt ra là có cần duy trì những cái bắt tay ở Singapore?”, ông Ri Son Gwon nhấn mạnh. Các hãng thông tấn còn dẫn lời nhà ngoại giao hàng đầu của Triều Tiên nói rằng, chính sách của Mỹ cho thấy Washington vẫn là mối đe dọa lâu dài đối với người dân Bình Nhưỡng. Do đó, quốc gia Đông Bắc Á này sẽ xây dựng lực lượng đáng tin cậy hơn để đương đầu với các mối đe dọa quân sự từ Washington.
Đây là những phát biểu mới nhất trong hàng loạt tuyên bố của Triều Tiên nhằm vào cả Mỹ lẫn Hàn Quốc. Vài ngày trước, Triều Tiên cắt liên lạc qua đường dây nóng với Hàn Quốc nhằm phản đối việc các nhà hoạt động thả truyền đơn chống Bình Nhưỡng qua biên giới hai miền. Ngày 11-6, Bình Nhưỡng cảnh báo Mỹ không nên can thiệp vào các vấn đề liên Triều nếu muốn cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới diễn ra suôn sẻ. Hãng AFP cho rằng, những diễn biến làm dấy lên sự hoài nghi về triển vọng nối lại đàm phán về hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên.
Các nhà ngoại giao Mỹ cho rằng, tại hội nghị thượng đỉnh ở Singapore, nhà lãnh đạo Kim Jong-un cam kết sẽ từ bỏ kho vũ khí của mình, nhưng lại không lên kế hoạch các bước thực hiện. Triều Tiên đã ngừng thử vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa có thể vươn tới lục địa Mỹ. Song, thời gian gần đây, Bình Nhưỡng dường như đã thử các tên lửa đạn đạo tầm ngắn và động thái này được cho là nhằm gây sức ép để Mỹ trở lại bàn đàm phán với quan điểm mềm mỏng hơn.
Trong lúc này, theo báo The Independent, đối với Tổng thống Trump, cuộc bầu cử mới là điều quan trọng nhất, cùng với việc ứng phó với đại dịch Covid-19 và phong trào biểu tình “Black Lives Matter”. Còn đối với Triều Tiên, nước này có thể có hành động quân sự trong những tháng tới, chẳng hạn thử tên lửa - thậm chí là tên lửa đạn đạo liên lục địa. Song, theo GS. Yang Moo-jin của Trường Đại học Triều Tiên ở Hàn Quốc, Bình Nhưỡng sẽ không có động thái gì cho đến tháng 11, thời điểm nước Mỹ có tổng thống mới.
Trong tuyên bố chung tại cuộc gặp thượng đỉnh lần 1 ở Singapore, Mỹ và Triều Tiên cam kết thiết lập quan hệ song phương thể theo nguyện vọng của người dân hai nước vì hòa bình và thịnh vượng. Theo đó, Washington sẽ bảo đảm về an ninh cho Bình Nhưỡng để đổi lấy việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên. Cuộc gặp này là “cú hích” cho hòa bình và thịnh vượng lâu dài trên bán đảo Triều Tiên và bảo đảm an ninh cho cả khu vực Đông Bắc Á. Song, khi hai nhà lãnh đạo rời Singapore, vẫn chưa rõ hai nước có cùng đi trên con đường bảo đảm hòa bình thực sự hay chỉ là lời hứa suông. Đến nay, đàm phán Mỹ - Triều vẫn bế tắc. |
BÌNH YÊN