Trong khi đương đầu với đại dịch Covid-19, thế giới nói chung và giới báo chí nói riêng còn phải đương đầu với một đại dịch khác, đó là những thuyết âm mưu và thông tin sai trái, thất thiệt về dịch bệnh.
Thách thức với các nhà báo là bảo đảm bài viết về Covid-19 dựa trên sự thật, căn cứ vào khoa học chứ không phải phỏng đoán. Ảnh: Reuters |
Không phải ngẫu nhiên mà Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres cảnh báo chúng ta đang sống trong “một đại dịch của thông tin sai lệch”, và nhấn mạnh “kẻ thù của chúng ta còn là sự gia tăng đang tiếp diễn của thông tin thất thiệt”. Trong khi đó, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nói rằng, đã có một “infodemic” (viết tắt của cụm từ “information pandemic”) tức “đại dịch thông tin” và ông gọi tin giả là “căn bệnh thứ hai” tồn tại cùng Covid-19.
Mạng xã hội giúp “thổi lửa”
Ông Gordon Pennycook, nhà tâm lý học hành vi tại Đại học Regina của Canada, đồng thời là người nghiên cứu về tin giả cho rằng, quá nhiều tin giả hiện nay đang được chia sẻ thông qua mạng xã hội. Thực tế này trở thành thách thức lớn khi muốn đánh giá chính xác mức độ cụ thể của tác động và ảnh hưởng từ tin giả. Người ta có thể tính được số lượt tweet liên quan những trang tin giả, nhưng không cách nào theo dõi hết mọi trường hợp tung tin sai lệch trên facebook, nhất là khi những thông tin giả này tồn tại ở nhiều dạng khác nhau, trong đó có dạng các “meme”, tức một ý tưởng, hình ảnh, video… được lan truyền rất nhanh trên mạng internet.
Thống kê về thực trạng tin giả liên quan Covid-19 được cung cấp trong tài liệu gần đây của UNESCO cho thấy bức tranh tổng quan đáng lo ngại. Chẳng hạn, các nhà nghiên cứu tại Bruno Kessler Foundation sau khi phân tích 112 triệu thông tin đăng trên mạng xã hội bằng 64 ngôn ngữ khác nhau liên quan Covid-19 nhận thấy 40% xuất phát từ các nguồn tin không tin cậy.
Theo kết quả nghiên cứu của Viện Reuters, khoảng 1/3 người dùng mạng xã hội cho biết đã đọc những thông tin sai trái, lừa đảo về Covid-19. Một thăm dò khác của Trung tâm khảo sát Pew nhận thấy những người chủ yếu đọc tin tức trên mạng xã hội có khả năng “dính” tin giả cao hơn những người không đọc tin theo cách đó.
Trong tháng 3, báo cáo của Facebook cho biết, họ đã xác định được khoảng 40 triệu nội dung đăng tải có vấn đề liên quan Covid-19 và gắn cảnh báo kèm những nội dung đó.
Khoảng 19 triệu trong số gần 50 triệu tweet liên quan Covid-19 phân tích bằng hệ thống công nghệ trí tuệ nhân tạo Blackbird.AI được cho là “nội dung bị thao túng”. Công ty Newsguard xác định 191 trang web tại châu Âu và Bắc Mỹ đăng tải thông tin sai về Covid-19. Trong khi đó, dự án CoronaVirusFacts Alliance cũng đã chỉ ra hơn 3.500 thông tin giả hoặc lừa đảo về Covid-19 tại hơn 70 quốc gia và bằng hơn 40 ngôn ngữ khác nhau.
Thực tế, các công ty công nghệ, chủ sở hữu những nền tảng mạng xã hội lớn đều đã ra tay hành động, thậm chí với quy mô và tốc độ nhanh hơn nhiều so với các chiến dịch xóa tin giả tương tự trước đây. Ngày 16-3-2020, các công ty Facebook, Google, LinkedIn, Microsoft, Reddit, Twitter và YouTube đã phát thông cáo chung bày tỏ cam kết của họ trong cuộc chiến chống tin giả liên quan Covid-19.
Tuy nhiên, dường như mọi nỗ lực vẫn chưa đủ. Mạng lưới các nhà hoạt động online Avaaz chỉ ra còn 41% thông tin sai sự thật mà tổ chức này đã báo cáo Facebook nhưng vẫn “trôi nổi” trên nền tảng này mà không có bất cứ nhãn cảnh báo nào.
Khẳng định vai trò của báo chí chính thống
Khủng hoảng dịch bệnh cho thấy tầm quan trọng của truyền thông chính thống và việc tiếp cận những thông tin đã được kiểm chứng. Rất nhiều tờ báo lớn như Wall Street Journal, Financial Times, New York Times… đã bỏ tường tính phí (paywall) và cung cấp thông tin về Covid-19 miễn phí như một sự chia sẻ, đồng hành với bạn đọc trong giai đoạn khủng hoảng.
Báo chí chuyên nghiệp cũng đã giúp mọi người theo sát thông tin thời sự khoa học liên quan Covid-19 để phổ cập thông tin về cách phòng ngừa, cập nhật kết quả những thử nghiệm mới nhất về nghiên cứu, phát triển vắc-xin cũng như thuốc điều trị. Một ví dụ điển hình là báo chí đã vào cuộc hiệu quả, dập tắt thuyết âm mưu rộ lên ở Anh và một số khu vực khác cho rằng các trạm phát sóng mạng 5G làm lây lan SARS-CoV-2. Hàng loạt tờ báo dẫn ý kiến các nhà khoa học và chuyên gia dịch tễ, y khoa làm rõ đó chỉ là tin đồn sai trái, thậm chí có tờ báo còn chỉ ra ai đã cố tình phát tán tin đồn đó.
Chính vì sự đóng góp hiệu quả của báo chí chính thống trong đại dịch Covid-19 nên nhiều báo và trang tin tăng vọt số độc giả. Báo cáo của UNESCO cho biết, lượng truy cập web vào các tổ chức tin tức lớn đều tăng. Hai tờ báo lớn của Mỹ là New York Times và Washington Post tăng 50% lượng truy cập trang web của họ trong một tháng. Cũng như thế, lượng truy cập vào trang web của báo Financial Times tăng 250% theo năm. Riêng chuyên trang cập nhật diễn biến Covid-19 của Financial Times trở thành bài viết được xem nhiều nhất mọi thời của trang báo Financial Times phiên bản online. Số lượt truy cập duy nhất (unique visitor) vào trang web của báo The Guardian (Anh) đã tăng gần gấp đôi kể từ kỷ lục 191 triệu lượt hồi tháng 2 lên 366 triệu lượt trong tháng 3.
Khủng hoảng do đại dịch Covid-19 có thể sẽ gây ảnh hưởng lâu dài cho việc tiếp cận thông tin và tự do báo chí trên toàn thế giới. Tuy nhiên, thử thách này cũng mở ra cơ hội để thừa nhận báo chí là một phần thiết yếu trong cuộc sống và thêm cơ sở để củng cố vị thế của báo chí chính thống.
Nghiên cứu của Viện Reuters nhận thấy 60% những người được hỏi tại 6 quốc gia cho biết tin tức trên truyền thông chính thống giúp họ hiểu về đại dịch. Họ cũng tin tưởng vào thông tin do truyền thông chính thức cung cấp hơn nhiều so với những thông tin đọc được trên mạng xã hội. Tại nhiều nước trên thế giới, nghề báo đang được xem như “dịch vụ thiết yếu” và các nhà báo là “những người lao động thiết yếu”. Họ được phép tiếp tục đưa tin và không bị áp đặt các quy định hạn chế đi lại. Ở một số nơi, nghề báo thậm chí còn được gọi là một dịch vụ “khẩn cấp”, theo báo cáo của UNESCO. |
TRẦN ĐẮC LUÂN