Hàn Quốc muốn nối lại đối thoại liên Triều

.

Hàn Quốc và Triều Tiên nên ngồi lại “mặt đối mặt” để tái khẳng định sự tin tưởng lẫn nhau và thực hiện những cam kết, nghĩa là phải khởi động lại “đồng hồ đang ngừng chạy trên bán đảo Triều Tiên”. Người được đề cử giữ chức Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Lee In-young phát biểu như vậy vào ngày 23-7.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại hội nghị thượng đỉnh liên Triều ngày 27-4-2018. Ảnh: AP
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại hội nghị thượng đỉnh liên Triều ngày 27-4-2018. Ảnh: AP

Hãng Yonhap dẫn lời của ứng cử viên Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Lee In-young nhấn mạnh về tầm quan trọng của một “giải pháp khôn ngoan” nhằm tránh hủy hoại mối quan hệ liên Triều sau những diễn biến căng thẳng hồi tháng trước. Ngày 16-6, Triều Tiên đã phá hủy Văn phòng liên lạc chung với Hàn Quốc ở Kaesong. Văn phòng này đóng vai trò như đại sứ quán giữa hai nước, cung cấp kênh liên lạc trực tiếp giữa hai miền. Vụ nổ xảy ra sau khi Bình Nhưỡng chỉ trích Seoul về việc để những người Triều Tiên đào tẩu xuống miền nam thả bóng bay mang truyền đơn chống Bình Nhưỡng. Triều Tiên còn đe dọa sẽ có bước trả đũa hơn nữa. Những gì xảy ra “phủ bóng” lên triển vọng nối lại đối thoại giữa Seoul và Bình Nhưỡng, thậm chí được mô tả là bước thụt lùi sau 2 năm bán đảo Triều Tiên giảm căng thẳng.

Giờ đây, theo ông Lee In-young, mối quan hệ liên Triều nên được thúc đẩy, bất kể đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Mỹ và Triều Tiên có tiến triển như thế nào. Ông Lee In-young còn cam kết sẽ thúc đẩy “sự thay đổi mạnh mẽ” trong bước tiếp cận của Seoul đối với vấn đề Triều Tiên nếu ông đứng đầu Bộ Thống nhất Hàn Quốc. “Hàn Quốc và Triều Tiên nên ngồi lại mặt đối mặt. Với việc tái khẳng định niềm tin lẫn nhau và thực hiện các cam kết, hai nước phải khởi động lại đồng hồ đang ngừng chạy trên bán đảo Triều Tiên”, ông Lee In-young nói.

Song, một vấn đề được đặt ra là nếu Hàn Quốc và Mỹ tiến hành tập trận trở lại thì Triều Tiên chắc chắn sẽ không khoanh tay đứng nhìn. Hãng Reuters dẫn lời ông Lee In-young kêu gọi Seoul hoãn tập trận với Mỹ để đưa Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán.

Cũng theo Reuters, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in muốn đối thoại với nước láng giềng phía bắc sau những lần gặp gỡ giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un kể từ năm 2018. Những nỗ lực ngoại giao thúc đẩy tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên ngưng trệ kể từ sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai hồi tháng 2-2019. Cánh cửa đối thoại Mỹ - Triều và cả đối thoại liên Triều vẫn để ngỏ. Song, các cuộc tập trận thường niên giữa Washington và Seoul khiến Bình Nhưỡng tức giận bởi quốc gia này xem đây là hình thức diễn tập cho một cuộc tấn công.

Ông Lee In-young cho rằng, việc hoãn hoặc ít nhất là giảm quy mô cuộc tập trận, dự kiến diễn ra vào tháng 8 tới, có thể thuyết phục được Bình Nhưỡng xem xét việc đàm phán. “Nếu tập trận diễn ra theo kế hoạch, Triều Tiên sẽ phản ứng mạnh mẽ, nhưng nếu hoãn tập trận thì đây sẽ là một thông điệp mới”, ông Lee In-young trong phiên điều trần tại Quốc hội ở Seoul ngày 23-7.

Hàn Quốc và Mỹ đang bàn thảo về quy mô, phạm vi và thời gian của các cuộc tập trận. Đại dịch Covid-19 khiến hai nước không thể tiến hành các đợt diễn tập quân sự chung trong thời gian qua. Hàn Quốc hiện muốn tập trung vào việc đánh giá khả năng của Seoul đối với việc tiếp quản quyền chỉ huy tác chiến thời chiến từ Mỹ, còn Washington muốn mục tiêu cuộc tập trận là tăng cường năng lực phối hợp giữa hai bên, thay thế cho cuộc tập trận mùa xuân bị hủy bỏ vừa qua. Ngày 22-7 (giờ Washington), phát biểu tại Ủy ban Đối thoại Thượng viện Mỹ, Thứ trưởng Ngoại giao Stephen Biegun khẳng định, ông ủng hộ sự hiện diện quân sự đáng kể của Mỹ ở Hàn Quốc nếu Washington cùng Seoul có thể thống nhất được về các vấn đề chia sẻ ngân sách quân sự và tương lai của liên minh.

Theo Reuters, hiện có 28.500 binh sĩ Mỹ đồn trú ở Hàn Quốc. Ông Lee In-young cũng cho rằng, sự hiện diện của lực lượng Mỹ là cần thiết trong bối cảnh cân bằng sức mạnh ở Đông Bắc Á. Một báo cáo gần đây cho hay, Lầu Năm Góc đã trình Nhà Trắng kế hoạch giảm quy mô lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc vào tháng 3-2021. Thông tin này được cho là có cơ sở bởi Washington trước đó nhiều lần yêu cầu đồng minh Seoul phải trả chi phí đáng kể cho việc lực lượng Mỹ đồn trú ở quốc gia châu Á này.

THIÊN BÌNH

;
;
.
.
.
.
.