Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) diễn ra vào ngày 17 và 18-7 tại Brussels (Bỉ) phải kéo dài thêm một ngày, bởi mọi chuyện phức tạp hơn cả dự đoán.
Ngày 19-7 tuy là ngày họp không có trong kế hoạch chính thức của EU nhưng được xem mang tính quyết định cho một thỏa thuận về quỹ phục hồi kinh tế 750 tỷ euro nhằm giúp các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch Covid-19.
Thủ tướng Đức Angela Merkel (trái), Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (giữa) và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel gặp gỡ tại hội nghị. Ảnh: AP |
Hãng AFP dẫn lời Thủ tướng Đức Angela Merkel cảnh báo, nhiều khả năng sẽ không có thỏa thuận bởi 27 nhà lãnh đạo có nhiều quan điểm khác nhau về quỹ phục hồi, về các quy định để tiếp cận quỹ và những điều khoản ràng buộc. “Tôi vẫn không thể nói về việc có tìm thấy một giải pháp hay không. Có nhiều thiện chí… nhưng cũng có thể không đạt được kết quả”, bà Merkel nói và thừa nhận khác biệt giữa các nước là “rất lớn”.
Trong hai ngày đầu của kỳ họp, Hà Lan và các đồng minh gồm Áo, Thụy Điển, Đan Mạch và nay có thêm Phần Lan giữ quan điểm cứng rắn, phản đối đề nghị khẩn khoản của Đức và Pháp - hai đầu tàu của EU - về một thỏa hiệp tốt đẹp cho cả châu Âu, nhất là cho Tây Ban Nha và Ý. Quỹ phục hồi trị giá 750 tỷ euro bao gồm 250 tỷ euro dưới dạng cho vay lãi suất thấp và 500 tỷ euro dưới dạng trợ cấp - tức gần như cho không. Tuy nhiên, các nước chủ trương “thắt lưng buộc bụng” muốn giảm khoản trợ cấp 500 tỷ euro xuống dưới mức 400 tỷ euro và chỉ bằng hình thức các khoản vay chứ không cho không. Thủ tướng Ý Giuseppe Conte nói: “Chúng tôi đang bế tắc. Mọi chuyện rất phức tạp, phức tạp hơn dự đoán”.
Hãng AFP dẫn một nguồn tin ngoại giao Pháp cho hay, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel từ chối đề nghị của Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte về việc giảm khoản trợ cấp. Phát biểu với báo giới, ông Rutte nói rằng, các nhà lãnh đạo Pháp và Đức rời cuộc họp đêm 18-7 trong sự tức giận nhưng nguyên nhân không chỉ vì ông. Thủ tướng Rutte muốn các nước Nam Âu phải thực hiện cải cách để bảo đảm việc sử dụng hợp lý các khoản vay và có thể ứng phó tốt hơn với các khủng hoảng trong tương lai.
Cũng theo AFP, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, người chủ trì hội nghị, đã đề xuất kế hoạch mới, theo đó giữ nguyên khoản ngân sách phục hồi ở mức 750 tỷ euro, nhưng khoản trợ cấp giảm từ 500 tỷ euro xuống 450 tỷ euro, khoản cho vay tăng từ 250 tỷ euro lên 300 tỷ euro.
Kế hoạch mới của ông Michel còn bao gồm công cụ “phanh khẩn cấp”. Cụ thể, các thành viên EU đều có 3 ngày bảo lưu ý kiến về kế hoạch cải cách của quốc gia khác và có thể khởi động một cuộc tranh luận giữa 27 nước. Tuy nhiên, cơ chế như vậy chắc chắn không nhận được sự ủng hộ của Tây Ban Nha, Ý và cả Hy Lạp. Chính phủ Hy Lạp lo ngại khi họ nhận các khoản vay thì sẽ phải “thắt lưng buộc bụng” trở lại như thời khủng hoảng tài chính cách đây 10 năm. Ngay cả Thủ tướng Áo Sebastian Kurz cũng không hài lòng về đề xuất mới vì việc cắt giảm khoản trợ cấp “hoàn toàn không đủ”.
Tính cấp thiết của kỳ họp thượng đỉnh lần này thì đã rõ. Đại dịch Covid-19 tác động mạnh mẽ đến EU, đẩy khối này vào suy thoái chưa từng có và làm khoảng 135.000 công dân châu Âu thiệt mạng, theo thống kê của AP. Song, bất chấp những nỗ lực ngoại giao, vận động hành lang của hai nhà lãnh đạo Pháp và Đức, một quỹ phục hồi nhằm giảm gánh nặng cho những nước đang chịu thiệt hại nặng nề nhất vẫn là bài toán khó. Hãng Reuters dẫn lời các chuyên gia bình luận cho rằng, việc EU không tìm được tiếng nói chung xảy ra giữa lúc khủng hoảng dịch bệnh và kinh tế sẽ làm gia tăng quan ngại về tương lai của khối.
VĨNH AN