Tối 18-7, khoảng 2.500 người biểu tình đổ xuống đường phố Bangkok yêu cầu chính phủ từ chức và giải tán Quốc hội, bất chấp quy định cấm tụ tập đông người trong lúc xảy ra đại dịch Covid-19. Hãng Reuters cho rằng, đây là một trong những cuộc biểu tình trên đường phố lớn nhất ở Thái Lan kể từ vụ đảo chính quân sự năm 2014.
Những người biểu tình đổ xuống đường phố Bangkok. Ảnh: AP |
Theo Reuters, những người tham gia cuộc biểu tình do sinh viên dẫn đầu ở khu vực Tượng đài Dân chủ tại thủ đô Bangkok nêu hàng loạt kiến nghị chống lại chính phủ dân sự của Thủ tướng Prayuth Chan-ocha. Lực lượng biểu tình đưa ra các yêu cầu: giải tán Quốc hội, sửa đổi Hiến pháp do quân đội soạn thảo vốn được cho rằng đã bảo đảm chiến thắng cho đảng của ông Prayuth trong cuộc tổng tuyển cử hồi năm ngoái.
Đám đông sinh viên cũng giơ cao những tấm áp-phích chỉ trích chính phủ của Thủ tướng Prayuth, yêu cầu bãi bỏ luật phỉ báng Hoàng gia nghiêm ngặt. Đến nửa đêm 18-7, đám đông biểu tình giải tán, nhưng các nhà tổ chức biểu tình cho biết sẽ tiếp tục xuống đường trong 2 tuần nữa nếu những yêu cầu của họ không được đáp ứng.
Hãng Reuters cho hay, sự phản đối của người dân đối với Thủ tướng Prayuth gia tăng trong những tháng gần đây. Đại dịch Covid-19 được cho là một trong những nguyên nhân khơi mào cho phong trào biểu tình lần này bởi hàng trăm ngàn sinh viên có thể thất nghiệp khi họ tốt nghiệp đại học vào tháng 9 tới. Hàng triệu người thuộc tầng lớp trung lưu và nghèo hiện cũng rơi vào tình trạng thất nghiệp.
Dự báo kinh tế của Thái Lan sụt giảm 10% trong năm nay do đại dịch tác động mạnh mẽ đến ngành du lịch và xuất khẩu. Sắc lệnh khẩn cấp vẫn được áp đặt trên khắp cả nước mặc dù Thái Lan không ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng gần 2 tháng nay.
BÌNH YÊN