Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, giới chuyên gia cảnh báo: Nếu xảy ra làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ hai trong khu vực hoặc tình hình xuất khẩu giảm mạnh hơn nữa, thị trường lao động châu Á sẽ đứng trước nguy cơ biến động mạnh.
Một nhà máy dệt may tại Solo, Trung Java, Indonesia |
Tỷ lệ thất nghiệp tăng
Theo Nikkei Asian Review, trong tháng 5-2020, tỷ lệ thất nghiệp của đặc khu hành chính Hồng Công (Trung Quốc) ở mức 5,9% so với mức 2,8% của cùng kỳ năm ngoái. Ở Nhật Bản, số lao động không có việc làm trong tháng 4 đã tăng lên mức kỷ lục 6 triệu người, tương đương 8,8% lực lượng lao động.
Tại Trung Quốc, tỷ lệ thất nghiệp chính thức ở thành thị là 5,9% trong tháng 5-2020 nhưng con số này được cho là chưa tính đến số người di cư. Mặc dù có khoảng 90% lao động nhập cư đã trở lại làm việc trước ngày 30-4 nhưng các chuyên gia cho rằng Trung Quốc mất đến 30 triệu việc làm. Trên thực tế, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hiện có gần 48 triệu công nhân đứng trước nguy cơ mất việc làm trong các ngành dịch vụ và xuất khẩu.
Bức tranh tương tự cũng xuất hiện ở Ấn Độ. Các cuộc điều tra cho thấy tỷ lệ thất nghiệp tại nước này đã ở mức 8,5% trong tuần thứ ba của tháng 6-2020. Tuy nhiên, con số này chưa bao gồm hàng triệu lao động nhập cư đã trở về nhà. Tại Philippines, tỷ lệ thất nghiệp tăng hơn 3 lần, lên 17,7% trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 4-2020.
Theo ý kiến của giới chuyên gia kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp hiện tại của khu vực châu Á vẫn chưa phản ánh chính xác thực trạng của từng quốc gia. Đại dịch Covid-19 đã để lại hậu quả nặng nề đối với lĩnh vực dịch vụ, từ nhà hàng, khách sạn đến du lịch, giải trí. Đây là những ngành đang phải đối mặt với sự phục hồi chậm trong khi nắm giữ tỷ lệ việc làm cao. Vì vậy, giới chuyên gia cho rằng việc những doanh nghiệp này buộc phải lựa chọn giữa cắt giảm nhân công hoặc đối mặt phá sản chỉ là vấn đề thời gian.
Cần phương thức hỗ trợ
Mới đây, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của châu Á xuống mức -1,6% trong năm 2020.
Theo dự báo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), lạm phát ở châu Á được dự báo ở mức 2,9% trong năm 2020, giảm so với mức dự báo 3,2% trong tháng 4. Tuy nhiên, nếu phải đối mặt với tình hình xuất khẩu suy giảm nghiêm trọng trong thời gian tới, con số dự báo trên sẽ tiếp tục theo chiều hướng đi xuống.
Theo nhận định của Nikkei Asian Review, giới hoạch định chính sách châu Á nên hỗ trợ trực tiếp cho các công ty dưới hình thức giảm thuế, trợ cấp hoặc trợ cấp có điều kiện để họ bảo toàn việc làm cho người lao động. Một số quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực như Singapore và Hồng Công đang áp dụng hình thức này.
Đối với các quốc gia có khu vực kinh tế phi chính thức lớn và rủi ro thất nghiệp tiềm ẩn, đặc biệt là Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Philippines, chính phủ nên hỗ trợ trực tiếp cho các hộ gia đình. Các ngân hàng trung ương ở châu Á cũng có thể đóng một vai trò lớn hơn bằng cách mua trái phiếu doanh nghiệp và khuyến khích các ngân hàng thương mại duy trì cho vay đối với các doanh nghiệp nhỏ bằng cách cung cấp cho họ nguồn vốn với lãi suất thấp, thậm chí bằng 0%.
Chính phủ cũng cần đưa ra các biện pháp cứu trợ kinh tế kịp thời. Thời gian gần đây, nhiều quốc gia như Nhật Bản, Singapore và Hàn Quốc đã công bố các gói kích thích tài chính để duy trì công ăn việc làm cho người dân. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cũng đã công bố một phương thức đặc biệt để cung cấp vốn không lãi suất cho các ngân hàng nhỏ hơn, tạo điều kiện để các doanh nghiệp vừa và nhỏ được tiếp cận các khoản vay.
Theo Sài Gòn Giải Phóng