Biểu tình vẫn tiếp diễn ở Thái Lan

.

Trong làn sóng biểu tình ở Thái Lan diễn ra những ngày qua nhằm chống lại chính phủ của Thủ tướng Prayuth Chan-ocha, kêu gọi cải cách hiến pháp, hạn chế quyền lực của Hoàng gia, hãng AFP cho biết, các nhà hoạt động kêu gọi biểu tình vào ngày 24-9 tới và tiến hành tổng đình công vào ngày 14-10.

Trong lúc đối mặt với Covid-19, các cuộc biểu tình quy mô lớn nhất kể từ vụ đảo chính năm 2014 đến nay xảy ra ở Thái Lan. Hãng AFP dẫn lời Thủ tướng Prayuth bày tỏ lo ngại quốc gia Đông Nam Á này có thể “chìm trong biển lửa” nếu phong trào biểu tình tiếp tục đi quá xa. Ông Prayuth là cựu lãnh đạo cuộc đảo chính năm 2014 và đặt Thái Lan dưới sự kiểm soát của quân đội trong 5 năm. Sau cuộc tổng tuyển cử vào năm ngoái, đảng Palang Pracharat thân quân đội của ông Prayuth thành lập liên minh cầm quyền với các đảng khác để lãnh đạo đất nước Thái Lan.

Liên quan các cuộc biểu tình, ngày 21-9, tấm bia gắn tại Sanam Luang (Cánh đồng hoàng gia) ở thủ đô Bangkok có dòng chữ tuyên bố đất nước Thái Lan “thuộc về nhân dân” đã bị dỡ bỏ sau chưa đầy 24 giờ kể từ lúc tấm bia này được gắn. Phó Cảnh sát trưởng thành phố Bangkok Piya Tawichai cho biết, ông nhận được báo cáo về việc tấm bia đã bị dỡ bỏ.

Theo nhà chính trị học Paul Chambers (Đại học Naresuan, Thái Lan), việc tấm bia biến mất gần như ngay sau khi được gắn xuống cho thấy “những người ủng hộ Hoàng gia cực đoan không chỉ giận dữ trước các yêu cầu cải tổ chế độ quân chủ, mà còn không chấp nhận bất kỳ biểu tượng nào phản ánh sự đối lập Hoàng gia”.

Luật sư Anon Nampa, một trong những nhân vật nổi bật nhất của cuộc biểu tình tại Thái Lan, khẳng định tấm bia cần được trả lại cho nhân dân. Ông sẽ trình báo cảnh sát để “tìm tấm bia và người đã lấy nó”. Song, cảnh sát cho rằng, tấm bia không hợp pháp bởi những người biểu tình không có sự cho phép của chính phủ để gắn nó tại Sanam Luang.

KHANG NINH

;
;
.
.
.
.
.