Căng thẳng Mỹ - Trung chưa "hạ nhiệt"

.

TikTok sẽ chọn Oracle, công ty phần mềm có mối quan hệ gần gũi với Nhà Trắng, làm “đối tác công nghệ tin cậy”. Giải pháp này vừa giúp Tiktok tiếp tục hoạt động tại Mỹ, vừa làm hài lòng chính phủ Trung Quốc, nhưng căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”.

TikTok và Oracle “bắt tay” nhau. Theo đó, Tiktok vẫn có thể hoạt động tại Mỹ, thay vì phải bán toàn bộ hoạt động kinh doanh của hãng này. 			Ảnh: Reuters
TikTok và Oracle “bắt tay” nhau. Theo đó, Tiktok vẫn có thể hoạt động tại Mỹ, thay vì phải bán toàn bộ hoạt động kinh doanh của hãng này. Ảnh: Reuters

Hãng AP cho biết, ngày 14-9, ByteDance - công ty chủ quản của ứng dụng chia sẻ video Tiktok - quyết định hợp tác với Oracle. Động thái này được đưa ra ngay trước thời hạn cuối 15-9 mà Tổng thống Donald Trump yêu cầu Tiktok phải bán toàn bộ hoạt động kinh doanh của hãng này tại Mỹ, nếu không sẽ bị cấm hoạt động. Như vậy, ByteDance đã quyết định hợp tác với một công ty phần mềm của Mỹ để cứu vãn tình thế, thay vì bán Tiktok.

Tuy nhiên, thương vụ nói trên phụ thuộc rất lớn vào việc có nhận được ủng hộ của Tổng thống Donald Trump hay không khi nhà lãnh đạo này vẫn muốn cấm hoàn toàn TikTok - nền tảng mạng xã hội đang có 100 triệu người dùng tại Mỹ. Các nghị sĩ của đảng Cộng hòa nói rằng, để bảo đảm an ninh cho người Mỹ, ông Trump cần từ chối đề nghị của ByteDance trong việc công ty này “bắt tay” với Oracle.

Thời gian qua, chính phủ Tổng thống Trump, các nhà lập pháp thuộc cả đảng Cộng hòa lẫn Dân chủ đều nhắc tới mối đe dọa mà TikTok đặt ra đối với an ninh quốc gia Mỹ, từ việc kiểm duyệt, các chiến dịch thông tin sai lệch, an toàn dữ liệu người dùng, đến quyền riêng tư... Theo Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, dữ liệu về người dân Mỹ mà TikTok đang thu thập có thể gồm: nhận dạng khuôn mặt, thông tin về nơi cư trú, số điện thoại, bạn bè... Song, phía Trung Quốc cho rằng, Mỹ không thể đưa ra các bằng chứng cụ thể nào cho thấy TikTok đã cung cấp dữ liệu người dùng Mỹ cho chính phủ Trung Quốc và việc Washington chặn các ứng dụng của Bắc Kinh là biểu hiện của “tâm lý chiến tranh lạnh”.

Báo New York Times dẫn lời nhà phân tích Daniel Ives tại Công ty Wedbush Securities cho rằng, thương vụ giữa TikTok và Oracle khiến cả Mỹ lẫn Trung Quốc đều vui vẻ. “Không thuật toán nào bị bán, ByteDance và TikTok, cùng với Oracle, tất cả đều nở nụ cười trên môi”, chuyên gia này nói. Trong khi đó, phát biểu ở cuộc họp báo ngày 14-9 tại Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân từ chối bình luận về quyết định của ByteDance, nhưng kêu gọi chính phủ Mỹ tạo môi trường kinh doanh quốc tế công bằng, cởi mở, không phân biệt đối xử với các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Trung Quốc.

Việc Tổng thống Trump ra “tối hậu thư” cho TikTok gợi liên tưởng vụ Huawei - tập đoàn công nghệ viễn thông hàng đầu Trung Quốc - xảy ra cách đây một năm. Mỹ coi tập đoàn này là mối đe dọa an ninh quốc gia và vận động các chính phủ đồng minh và các đối tác ngăn chặn Huawei tham gia phát triển hạ tầng mạng 5G. Giới phân tích cho rằng, với động thái tương tự nhằm vào TikTok, Mỹ dường như sẽ không từ bỏ nỗ lực tẩy chay các công ty công nghệ Trung Quốc. Ngoài TikTok và Huawei, trong những tháng gần đây, chính phủ Mỹ liên tục công bố những biện pháp trừng phạt, siết chặt hoạt động kinh doanh của các hãng công nghệ Trung Quốc tại Mỹ như Tencent. Mỹ còn dọa sẽ thực hiện nhiều biện pháp hơn nhằm ngăn các công ty công nghệ Trung Quốc như Alibaba hay Baidu làm ăn ở Mỹ.

Mới đây, Trung Quốc đã công bố Sáng kiến toàn cầu về an ninh dữ liệu, động thái được giới quan sát nhìn nhận là cách phản đòn mạnh mẽ và bài bản trước sức ép từ Washington trong lĩnh vực thương mại và công nghệ. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đề cập những nguy cơ đang gia tăng trong vấn đề an ninh dữ liệu. Ông nhắc đến ý đồ “chính trị hóa các vấn đề an ninh” và “bôi nhọ các nước đối thủ trong lĩnh vực công nghệ” - một nhận định trực diện nhằm vào Washington sau những căng thẳng gần đây. Để ứng phó với những thách thức này, “điều quan trọng là phải xây dựng một bộ nguyên tắc quốc tế về an ninh dữ liệu phản ánh ý chí và tôn trọng quyền lợi của tất cả các nước”, báo Wall Street Journal dẫn lời ông Vương Nghị nói.

Với Sáng kiến toàn cầu về an ninh dữ liệu, Trung Quốc kêu gọi tất cả các nước xử lý vấn đề an ninh dữ liệu theo “một cách thức toàn diện, khách quan và dựa trên chứng cứ”, đồng thời duy trì chuỗi cung cấp công nghệ và dịch vụ thông tin truyền thông mở, an toàn và ổn định. Sáng kiến cũng hối thúc các chính phủ tôn trọng chủ quyền nước khác trong cách xử lý dữ liệu, tương ứng với tầm nhìn của Bắc Kinh về “chủ quyền trên không gian mạng”, theo đó các nước được toàn quyền xử lý với các vấn đề của mình trên mạng Internet. Mặc dù sáng kiến của Trung Quốc không đề cập tới Mỹ, nhưng ông Vương Nghị ngụ ý rất rõ đây là động thái Bắc Kinh muốn ứng phó với ý đồ của Washington.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
;
.
.
.
.
.