Israel ký thỏa thuận bình thường hóa với UAE, Bahrain: Chương mới cho một Trung Đông mới

.

Với các bên tham gia trực tiếp ký kết, đây sẽ là thời khắc lịch sử, mở ra chương mới cho mối quan hệ hợp tác giữa 2 bên.

Ảnh: The Hindu
Ảnh: The Hindu

Ngày 15-9, tại thủ đô Washington, Mỹ, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu sẽ ký kết các thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với 2 quốc gia Arab vùng Vịnh, là Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Bahrain, với sự chủ trì của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Với các bên tham gia trực tiếp ký kết, đây sẽ là thời khắc lịch sử, mở ra chương mới cho mối quan hệ hợp tác giữa 2 bên.

Để chuẩn bị cho thời khắc ký kết, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã phải khởi hành tới Mỹ từ đêm ngày 13-9. Phát biểu trước khi lên đường, Thủ tướng Netanyahu cho biết, ông sắp bắt đầu thực hiện 1 sứ mệnh lịch sử là thay mặt cho người dân Israel tham gia ký các thỏa thuận bình thường hóa với các nước Arập; khẳng định các thỏa thuận này sẽ mang lại hòa bình cho Israel và nhiều tỷ USD cho nền kinh tế đất nước.

“Tôi rất mong đợi cuộc gặp giữa 4 quốc gia là Israel, Mỹ, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất và Bahrain, trong thời khắc lịch sử trọng đại của hòa bình vào ngày 15-9 tại thủ đô Washington DC.”

Dự kiến, ngày 15-9, Thủ tướng Israel sẽ ký thỏa thuận bình thường hóa mang tên Hiệp định Abraham với Ngoại trưởng Các tiểu vương quốc Arập thống nhất; và “Tuyên bố Hòa bình lịch sử” với Ngoại trưởng Bahrain tại Nhà Trắng.

Trước khi các lễ ký kết diễn ra, hôm qua, một loạt các cuộc điện đàm cấp cao giữa Israel và Bahrain đã được tiến hành. Trong cuộc điện đàm giữa các Bộ trưởng Quốc phòng, 2 bên đã nhấn mạnh tầm quan trọng của thỏa thuận bình thường hóa giữa Israel và Bahrain đối với sự ổn định của khu vực; nhất trí thúc đẩy sự hợp tác giữa Bộ quốc phòng 2 nước trong thời gian tới. Bộ trưởng quốc phòng Israel Benny Gant cũng đã mời người đồng cấp Bahrain tới thăm chính thức.

Trước đó cùng ngày, Bộ trưởng Công thương Bahrain và Bộ trưởng Hợp tác khu vực của Israel cũng đã có cuộc điện đàm để thảo luận về các hợp tác thương mại, công nghiệp và du lịch giữa hai nước. Hai bên khẳng định, việc bình thường hóa quan hệ sẽ tác động tích cực đến nền kinh tế của cả hai quốc gia.

Hôm qua, Bộ trưởng Nội vụ Bahrain Rashid bin Abdullah Al Khalifa cũng tái khẳng định, việc bình thường hóa với Israel đem lại nhiều lợi ích cho Bahrain, đồng thời góp phần củng cố hơn nữa mối quan hệ đối tác chiến lược với đồng minh Mỹ. Theo Bộ trưởng Bahrain, thỏa thuận với Israel không phải sự chối bỏ đối với các quyền lợi và sự chính nghĩa của người Palestine… nhưng nó sẽ giúp Bahrain củng cố được an ninh trước các mối đe dọa từ Iran và giúp nền kinh tế Bahrain ổn định.

Chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng, Israel đã có được 2 “cái gật đầu” bình thường hóa quan hệ của 2 nước Arập vùng Vịnh, với UAE (13-8) và Bahrain (11-9). Giới phân tích cho rằng, đây là 1 chiến thắng lớn của Israel khi dần phá được thế bị cô lập.

Nhiều người dân Israel cũng hết sức vui mừng vì điều này.

“Đây là một trong những sự kiện quan trọng nhất đối với Israel, nhất là khi chúng tôi đang định cư trên mảnh đất của người Arab. Sự kiện này giống như việc mở ra cánh cửa cho Israel đến với thị trường Arab cũng như mang lại cơ hội hòa bình cho tất cả các nước Arab”, một người dân Israel cho biết.

“Tôi cho rằng, thỏa thuận hòa bình đều là sự may mắn đối với cả người dân và đất nước Israel. Nó sẽ mang lại nhiều cơ hội kinh doanh, du lịch đối với chúng tôi, Các tiểu vương quốc Arab và Bahrain. Tôi cho rằng nhiều thỏa thuận khác cũng sẽ đến với Israel từ các nước Arab khác”, một người khác bày tỏ.

Để làm nên chiến thắng này, ngoài sự hỗ trợ trung gian của phía Mỹ, người ta còn nghi ngờ về “cái gật đầu ngầm” của anh cả vùng Vịnh – Saudi Arabia – quốc gia có vai trò dẫn dắt chính sách đối ngoại của khối các nước vùng Vịnh. Dù chưa xác nhận sẽ bình thường hóa quan hệ với Israel, song đến nay, Saudi Arabia đang cho thấy quan điểm đã cởi mở hơn nhiều với Israel, khi đã cho các chuyến bay từ nước này tới vùng Vịnh bay qua không phận.

Với nước Mỹ - với việc cố gắng tạo ra 1 Trung Đông mới, chính quyền Tổng thống Donald Trump đang tỏ ra khá thành công, bất chấp những phản đối quyết liệt của người dân Palestine. Với những thỏa thuận bình thường hóa giữa Israel và các nước Arab, Tổng thống Mỹ có lẽ còn rất được lòng cử tri Do Thái trong cuộc bầu cử sắp tới và chắc chắn ông còn có cả các hợp đồng mua bán vũ khí “giá trị” với các nước Arab trong tương lai, khi mà Israel đã không còn phản đối.

Tuy nhiên, với người Palestine, ngày 14-9, Thủ tướng Mohammed Ishtayeh khẳng định, Ngày 15-9 sẽ là một ngày đen tối trong lịch sử của các quốc gia Arab và sự thất bại của thể chế Liên đoàn Arab khi để các nước thành viên của tổ chức này chối bỏ các cam kết của chính họ trước đây.

Theo VOV

;
;
.
.
.
.
.