Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 382.527 trường hợp mắc Covid-19 và 10.192 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu đã vượt 111,2 triệu ca bệnh.
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19 tại một bệnh viện ở Munich, Đức ngày 25-1-2021. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 20-2 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) trên toàn cầu là 111.211.543 ca, trong đó có 2.461.875 người thiệt mạng.
Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 219 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 85.286.987 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là 22.633.472 ca và 95.335 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch.
Ngày 19-2, thế giới có tới 116 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca Covid-19 mới; 105 quốc gia-vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua tăng nhẹ.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm Covid-19 tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 22-1-2021. Ảnh: THX/TTXVN |
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, như Mỹ, Pháp, Nga và Brazil, đồng thời lây lan diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước, nhất là tại châu Âu. Diễn biến dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi hàng loạt quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới. Hàng loạt nước đã phải tái phong tỏa một phần hoặc siết chặt các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, đồng thời đẩy nhanh chương trình vaccine.
Xét theo khu vực, Bắc Mỹ và châu Âu bị ảnh hưởng nhiều nhất, hiện đã ghi nhận lần lượt 32.856.963 ca và 32.711.939 ca nhiễm. Tiếp đến là châu Á có 24.363.449 ca nhiễm và Nam Mỹ với 17.222.330 triệu ca.
Ở phạm vi quốc gia, Mỹ vẫn là nước chịu tác động nghiêm trọng nhất của dịch bệnh với 28.595.546 ca nhiễm và 507.435 ca tử vong. Tiếp đến là Ấn Độ với 10.976.388 ca nhiễm và 156.237 ca tử vong; Brazil đứng thứ ba với 10.030.626 ca nhiễm và 243.610 ca tử vong. Đây là 3 quốc gia có tổng số ca mắc bệnh vượt qua ngưỡng 10 triệu ca.
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại bệnh viện ở Prague, CH Séc, ngày 7-1-2021. Ảnh: AFP/TTXVN |
Tại châu Âu, điểm nóng nhất của dịch bệnh Covid-19 vẫn là Nga với tổng cộng hơn 4,1 triệu ca nhiễm. Số ca nhiễm tại Anh cũng sít soát Nga, nhưng số ca tử vong cao hơn nhiều với 119.387 ca và của Nga là 82.396 ca. Pháp và Tây Ban Nha đều đã ghi nhận hơn 3,1 triệu ca nhiễm trong khi Italy và Đức hơn 2,3 triệu ca. Các nước Ba Lan, Ukraine, CH Séc và Hà Lan đều có hơn 1 triệu ca nhiễm.
Ngày 19-2, Chủ tịch Viện dịch tễ Đức Robert Koch (RKI) và Bộ trưởng Y tế liên bang Đức Jens Spahn bày tỏ quan ngại tình trạng gia tăng số ca lây nhiễm các biến thể mới của virus SARS-CoV-2, cho rằng số ca nhiễm hiện nay vẫn ở mức "quá cao" và tình hình có thể nghiêm trọng trở lại trong vài tuần tới như thời điểm Giáng sinh năm ngoái. Biến thể virus phát hiện ở Anh đang lây lan nhanh chóng ở Đức có thể khiến việc chống dịch trở nên khó khăn hơn.
Cùng ngày, Chính phủ CH Séc đã quyết định hủy bỏ kế hoạch cho phép các cửa hàng bán lẻ không thiết yếu mở cửa trở lại vào tuần tới trong bối cảnh số ca nhiễm không ngừng gia tăng, gây sức ép đối với các bệnh viện.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm Covid-19 tại Paris, Pháp, ngày 3-2-2021. Ảnh: THX/TTXVN |
Về phần mình, Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran cũng tuyên bố chưa thể hạ thấp cảnh giác trong cuộc chiến chống lại đại dịch khi nguy cơ quá tải ở các bệnh viện vẫn hiện hữu. Theo ông, nếu các quy định phòng dịch được nới lỏng vào thời điểm hiện nay sẽ làm tăng nguy cơ phải áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn trong tương lai gần.
Tại châu Mỹ, Mexico, Colombia và Argentina đã ghi nhận hơn 2 triệu ca nhiễm, trong khi Peru ghi nhận 1,2 triệu ca. Canada đã có 837.497 ca nhiễm, Chile cũng gần sát với 788.142 ca. Trong khi đó, CH Dominica, Costa Rica, Ecuador và Bolivia đều đã ghi nhận hơn 200.000 ca nhiễm.
Tại Đông Bắc Á, Nhật Bản vừa phát hiện một biến thể mới của virus SARS-CoV-2, có khả năng lây lan mạnh hơn so với các biến thể thông thường khác.
Theo Viện Các bệnh truyền nhiễm quốc gia (NIID), biến thể mới có đột biến E484K trên protein gai nhọn của virus đã từng xuất hiện ở các biến thể khác và đột biến này có thể làm giảm tác dụng của vaccine.
Trong khi đó, số ca mắc mới tại Hàn Quốc đã quay trở lại dưới ngưỡng 600 ca-ngày trong bối cảnh nhà chức trách đang tăng cường giám sát các nhà máy sản xuất và bệnh viện nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan nhanh.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm Covid-19 tại nhà ga ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 10-2-2021. Ảnh: THX/TTXVN |
Theo một nghiên cứu công bố trên tạp chí y học Lancet, vaccine của hãng Pfizer-BioNTech hiệu quả 85% trong việc phòng lây nhiễm virus SARS-CoV-2 trong khoảng 2-4 tuần sau khi tiêm mũi đầu tiên. Trước đó, các nghiên cứu đã chỉ ra vaccine nói trên hiệu quả 95% một tuần sau mũi tiêm thứ hai.
Cùng ngày, hãng Johnson & Johnson đã trình Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hồ sơ xin cấp phép sử dụng khẩn cấp cho vaccine ngừa bệnh Covid-19 do hãng sản xuất. Vaccine của Johnson & Johnson là loại chỉ tiêm một liều duy nhất và có thể bảo quản ở nhiệt độ lạnh bình thường. Đây chính là một ưu điểm lớn đối với các nước có cơ sở hạ tầng y tế tương đối yếu kém.
Cũng trong ngày 19-2, đơn vị chuyên trách vaccine của Liên minh châu Phi (AU) thông báo Nga đã đề nghị cung cấp cho châu lục này 300 triệu liều vaccine, trong đó có cả một gói hỗ trợ tài chính cho những quốc gia muốn đặt mua vaccine Sputnik V.
Vaccine Sputnik V ngừa Covid-19 của Nga. Ảnh: AFP/TTXVN |
Thông báo nêu rõ vaccine Sputnik V sẽ được cung cấp cho các nước châu Phi trong vòng 12 tháng, kể từ tháng 5-2021. Thông báo dẫn lới Giám đốc cơ quan ứng phó dịch bệnh của AU, ông John Nkengasong, hoan nghênh đề nghị của Nga, đồng thời khẳng định các đối tác đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong những nỗ lực của châu Phi đẩy lùi đại dịch Covid-19.
Trước đó, AU thông báo đã đặt mua 270 triệu liều vaccine phòng Covid-19 của các hãng AstraZeneca, Pfizer-BioNTech và Johnson & Johnson, bàn giao trong năm nay. Tính tới nay, mới có khoảng 10 quốc gia châu Phi bắt đầu triển khai tiêm chủng, chậm hơn nhiều so với những quốc gia giàu có hơn đã thực hiện các chiến dịch chủng ngừa nhanh lẹ.
Về phần mình, tại Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến của Nhóm Các nước công nghiệp phát triển (G7) do Anh tổ chức cùng ngày, Liên minh châu Âu (EU) thông báo tăng gấp đôi quỹ ủng hộ cơ chế phân phối vaccine công bằng COVAX do Liên hợp quốc khởi xướng nhằm đảm bảo vaccine đến được các quốc gia nghèo hơn. Cụ thể, quỹ của EU sẽ tăng lên 1 tỷ euro (tương đương 1,2 tỷ USD). EU cũng cam kết tăng thêm 100 triệu euro ủng hộ cuộc chiến chống Covid-19 tại châu Phi.
Trong khi đó, phát biểu tại họp báo trực tuyến của WHO cùng ngày, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết chương trình COVAX đã sẵn sàng khởi động. Khoảng 336 triệu liều vaccine của AstraZeneca-Oxford và 1,2 triệu liều của Pfizer-BioNTech sẽ được chuyển tới các nước trên thế giới vào cuối tháng 2 thông qua sáng kiến này. WHO đang đợi các nhà sản xuất vaccine thực hiện đúng cam kết của mình.
Một loại vaccine phòng Covid-19. Ảnh: THX/TTXVN |
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 19-2, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 15.965 ca mắc bệnh Covid-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 50.360 người.
Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN chỉ có 3 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong vì Covid-19 là Philippines, Indonesia và Malaysia.
Indonesia tiếp tục là ổ dịch Covid-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN, khi nước này ghi nhận tổng số ca bệnh cũng như tử vong cao nhất khu vực. Trong vòng 1 ngày, số ca bệnh và tử vong mới của Indonesia cao gấp nhiều lần các nước trong khu vực.
Tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” tiếp tục nghiêm trọng sau nhiều tháng dịch bùng phát tại đây, dù số ca mắc mới bắt đầu giảm nhẹ so với mấy ngày trước.
Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 tại Bangkok, Thái Lan, ngày 26-1-2021. Ảnh: THX/TTXVN |
Trong 24 giờ qua, Indonesia cũng là quốc gia có số ca mắc mới và tử vong vì Covid-19 cao nhất châu Á, chiếm gần 50% số ca tử vong trong ngày của cả châu lục. Indonesia ghi nhận thêm 10.614 ca Covid-19 và 183 ca tử vong, qua đó nâng tổng số ca mắc bệnh và tử vong tại nước này lên lần lượt 1.263.299 ca và 34.152 ca.
Philippines dịch vẫn diễn biến xấu với số ca mắc mới-ngày nhiều thứ 3 trong số các nước Đông Nam Á và số ca tử vong nhiều thứ 2 khu vực với 157 người thiệt mạng.
Malaysia tình hình tiếp tục đáng quan ngại hơn, làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt ở Malaysia khi nước này ghi nhận tới 2.936 ca bệnh mới, 13 ca tử vong vì Covid-19 trong 1 ngày qua.
Myanmar trong 24 giờ qua không công bố số liệu về dịch bệnh.
Thái Lan sau khi chứng kiến số ca lây nhiễm cộng đồng tăng vọt trong mấy ngày gần đây đã phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch. Nước này trong ngày 19-2 ghi nhận thêm 130 ca bệnh mới và có 1 ca tử vong.
Thái Lan dù không ghi nhận ca tử vong vì Covid-19 trong thời gian gần đây, song tình hình dịch bệnh tại nước này vẫn tiềm ẩn nguy cơ cao và diễn biến phức tạp do số ca mắc mới trong ngày thường ở mức trên 100 ca-ngày.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm Covid-19 tại Bangkok, Thái Lan, ngày 20-1-2021. Ảnh: THX/TTXVN |
Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 50.362 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 354 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 2.261.140 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 1.986.911 trường hợp.
Toàn khối đang chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới, ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, ASEAN có 7 nước thành viên ghi nhận các ca Covid-19 mới. Lào, Brunei và Campuchia không có thêm ca tử vong hay mắc bệnh nào.
Vaccine phòng Covid-19 của AstraZeneca-Oxford. Ảnh: PAP/ TTXVN |
Hành động tích trữ nhiều vaccine hơn số lượng cần thiết của các nước giàu đang khiến những quốc gia nghèo hơn càng thêm chật vật trong việc tiếp cận nguồn cung vaccine ngừa Covid-19.
Dẫn một báo cáo được chiến dịch chống nghèo ONE Campaign công bố ngày 19-2, hãng tin Reuters cho biết các nước giàu như Mỹ và Anh nên chia sẻ lượng vaccine dự trữ với các quốc gia khác nhằm chung tay đối phó với đại dịch Covid-19 đang lan rộng trên phạm vi toàn cầu.
Tổ chức vận động cho rằng hành động tích trữ của các nước giàu sẽ khiến hàng tỷ người không có khả năng tiếp cận với vaccine ngừa Covid-19. Báo cáo của tổ chức lấy dữ liệu từ các bản hợp đồng của 5 nhà sản xuất vaccine Covid-19 lớn, bao gồm Pfizer-BioNTech, Moderna, Oxford-AstraZeneca, Johnson & Johnson và Novavax.
Tính đến thời điểm hiện tại, các quốc gia và khối gồm Mỹ, Liên minh châu Âu, Anh, Australia, Canada và Nhật Bản đã dự trữ hơn 3 tỷ liều vaccine – vượt quá 1 tỷ liều so với 2,06 tỷ liều lượng cần thiết đủ hoàn thành 2 mũi tiêm cho toàn bộ dân số các nước.
Theo Báo Tin tức