Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 9.317 ca tử vong mới và trên 369.436 ca nhiễm. Thủ đô nước Nga đã bắt đầu tiêm thử nghiệm cho những người đầu tiên vaccine 1 liều ngừa Covid-19 có tên “Sputnik Light” (Sputnik Nhẹ).
Học sinh thực hành sát khuẩn tay nhằm ngăn dịch Covid-19 lây lan tại lớp học ở Addis Ababa, Ethiopia, ngày 23-2-2021. Ảnh: THX/TTXVN |
Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 28-2 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 114.347.007 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19, trong đó có 2.536.274 ca tử vong.
Số bệnh nhân bình phục đã lên tới 89.869.399 người, 21.941.334 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 90.555 ca nguy kịch.
Trong vòng 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm: Brazil (59.438 ca), Mỹ (57.629 ca) và Pháp (23.996 ca); Mỹ dẫn đầu về số ca tử vong mới (với 1.423 ca), tiếp theo là Brazil (1.233 ca) và Mexico (782 ca).
Mỹ, Ấn Độ và Brazil là 3 nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Số ca nhiễm tại Mỹ hiện là 29.195.858 triệu người, trong đó có 524.539 ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận tổng cộng 11.096.440 ca nhiễm, bao gồm 157.087 ca tử vong. Trong khi đó, số ca tử vong tại Brazil là 254.221 trong tổng số 10.517.232 ca nhiễm.
Châu Mỹ: Mỹ khuyến nghị sử dụng vaccine 1 liều của Johnson & Johnson
Ngày 26-2, một hội đồng độc lập gồm 22 chuyên gia và nhà khoa học hàng đầu của Mỹ đã nhất trí bỏ phiếu ủng hộ việc cấp phép khẩn cấp đối với vaccine ngừa Covid-19 của hãng Johnson & Johnson.
Vaccine ngừa Covid-19 của hãng Johnson&Johnson chỉ dùng một liều và nếu được cấp phép trong những ngày tới, đây sẽ là vaccine thứ ba được sử dụng tại Mỹ, sau hai vaccine của Pfizer/BioNTech và Moderna được phê duyệt từ tháng 12 năm ngoái và đang được dùng tiêm phòng cho người dân. Bà Archana Chatterjee, một thành viên của hội đồng, cho rằng việc cấp phép cho vaccine của Johnson&Johnson sẽ giúp đáp ứng nhu cầu thiếu hụt trong bối cảnh nước Mỹ vẫn đang ở giai đoạn giữa của đại dịch nguy hiểm chết người này.
Ông Johan Van Hoof, Trưởng bộ phận phát triển vaccine tại Janssen, công ty con của Johnson & Johnson, vaccine của hãng sẽ góp phần trong nỗ lực toàn cầu chống đại dịch Covid-19, nhất là khi vaccine này có hiệu quả cao và chống được cả các biến thể mới đáng lo ngại hiện nay. Ngoài ra, với ưu điểm chỉ sử dụng một liều duy nhất và có thể được bảo quản lâu dài ở nhiệt độ tủ lạnh, vaccine của Johnson & Johnson còn có những lợi thế lớn về mặt hậu cần và triển khai tiêm phòng.
Brazil áp đặt loạt hạn chế mới
Tại châu Mỹ, các thành phố và các bang của Brazil đã áp đặt một loạt biện pháp hạn chế mới nhằm ngăn chặn sự gia tăng các ca mắc mới bệnh Covid-19 có nguy cơ khiến các bệnh viện tại nước này rơi vào tình trạng quá tải trong khi số ca tử vong do Covid-19 vượt quá 250.000 trường hợp. Bang Sao Paulo, với 40 triệu dân, trong tuần này đã yêu cầu các quán bar và nhà hàng đóng cửa vào lúc 20h tối hàng ngày. Một số thành phố cũng áp đặt lệnh giới nghiêm.
Thủ đô Brasilia đã yêu cầu đóng cửa các trường học và tất cả các cơ sở kinh doanh không thiết yếu từ ngày 21-2. Còn bang Bahia ở miền Đông Bắc cũng đóng cửa các cửa hàng bán lẻ không thiết yếu trong khi Thống đốc Rui Costa cho biết hệ thống y tế của bang này sắp bị "sụp đổ".
Brazil đã bắt đầu chương trình tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 cho 212 triệu người dân nước này từ giữa tháng 1 vừa qua, nhưng đến nay tốc độ phân phối vaccine vẫn chưa đáp ứng được cam kết mà Bộ trưởng Pazuello đưa ra về việc chủng ngừa cho toàn bộ người dân nước này vào cuối năm nay.
Châu Âu: Nga tiêm thử nghiệm vaccine Sputnik Light
Phó Thị trưởng Moskva phụ trách phát triển xã hội, bà Anastasia Rakova ngày 27-2 cho biết tại thủ đô nước Nga đã bắt đầu tiêm chủng cho những người đầu tiên tham gia thử nghiệm vaccine 1 liều ngừa Covid-19 có tên“Sputnik Light”.
Bà Rakova cho biết bất kỳ ai trên 18 tuổi đều có thể tình nguyện tham gia, miễn là họ chữa nhiễm Covid-19, chưa tiêm chủng trong vòng một tháng, không có kháng thể với SARS-CoV-2 và các phản ứng dị ứng nghiêm trọng hoặc cấp. Những người mắc các bệnh mãn tính nặng không được khuyến khích tham gia thử nghiệm và phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú không được tham gia.
Theo bà Rakova loại vaccine này sẽ được dùng cho người trẻ, từ 18-30 tuổi, và “Sputnik Lite kết hợp với Sputnik V sẽ mang lại nhiều cơ hội tiêm chủng hơn”.
Ngoài ra, thủ đô Moskva đang có kế hoạch nghiên cứu dạng vaccine nhỏ mũi. Trung tâm mang tên Gamaleya đang chuẩn bị hồ sơ để xin phép Bộ Y tế Nga, dự kiến hình thức chủng ngừa này sẽ phù hợp cho những người chống chỉ định tiêm.
Cùng ngày, Phó giám đốc phụ trách các công trình khoa học của Trung tâm mang tên Gamalea, ông Denis Logunov cho biết vaccine Sputnik V do Trung tâm này phát triển, cho thấy hiệu quả cao chống lại các biến thể SARS-CoV-2, kể cả các chủng từ Anh và Nam Phi.
Anh thay đổi chiến lược tiêm phòng
Tại châu Âu, Anh thông báo sẽ thay đổi chiến lược tiêm vaccine phòng Covid-19 trong những tháng tới, theo đó chiến dịch tiêm chủng sẽ dựa vào nhóm tuổi thay vì xét những nhóm nghề nghiệp có nguy cơ mắc bệnh.
Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock cho biết trước đó Ủy ban hỗn hợp về miễn dịch và vaccine của Anh (JCVI) đã đề xuất tiêm vaccine ngừa Covid-19 dựa vào độ tuổi để cứu được nhiều mạng sống nhất có thể. Đây là cách đơn giản và nhanh nhất để triển khai tiêm chủng.
Cho đến nay, Anh đã tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho 19 triệu người, trong đó 35% trong tổng số nhóm người trưởng thành đã được tiêm ít nhất 1 liều và theo kế hoạch sẽ hoàn tất chương trình tiêm chủng cho toàn dân vào cuối tháng 7 tới.
Theo thông báo của JCVI, Anh đang đặt mục tiêu tiêm mũi đầu tiên cho tất cả những người trên 50 tuổi và những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương vào giữa tháng 4-2021, sau đó sẽ chuyển thứ tự ưu tiên sang các nhóm trong độ tuổi 40 và tiếp theo là trong độ tuổi 30. Nhóm còn lại trên 18 tuổi sẽ được tiêm cuối cùng. Mặc dù vậy, quyết định trên đang làm dấy lên những tranh cãi trong lực lượng cảnh sát và giáo viên, những nhóm đối tượng được cho là phải nằm trong diện ưu tiên vì có nguy cơ lây nhiễm cao.
Châu Á - Hàn Quốc triển khai tiêm vaccine cho nhân viên y tế
Tại châu Á, ngày 27-2, một nhóm 300 nhân viên y tế đang điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 là những người đầu tiên tại Hàn Quốc được tiêm vaccine ngừa Covid-19 của Pfizer/BioNTech. Các bác sĩ, y tá và chuyên gia y tế đang điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 ở thủ đô Seoul và các vùng phụ cận được tiêm những mũi vaccine đầu tiên tại cơ sở tiêm chủng nhà nước. Tổng cộng, có 55.000 nhân viên y tế sẽ được tiêm vaccine Pfizer/BioNTech. Hàn Quốc chính thức triển khai chiến dịch tiêm chủng miễn phí ngày 26-2, sử dụng loại vaccine này, trước hết tại 5 cơ sở tiêm chủng do nhà nước quản lý ở thủ đô Seoul và các vùng phụ cận vì sản phẩm này yêu cầu điều kiện bảo quản lạnh sâu.
Chính phủ có kế hoạch thiết lập 120 cơ sở như vậy tại các bệnh viện đa khoa, trung tâm huấn luyện thể lực và các địa điểm khác của nhà nước. Các cơ quan y tế Hàn Quốc dự kiến sẽ hoàn thành kế hoạch tiêm tiêm chủng lô vaccine của Pfizer/BioNTech đầu tiên vào ngày 20-3 tới. Ngày 27-2 nước này ghi nhận 415 ca nhiễm Covid-19 mới, trong đó có 405 ca lây nhiễm trong nước, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 89.321 trường hợp.
Nhật Bản cân nhắc cho vận động viên nhập cảnh
Tại Nhật Bản, hãng tin Kyodo đưa tin chính phủ nước này đang cân nhắc cho phép các vận động viên nhập cảnh sau khi lệnh tình trạng khẩn cấp được dỡ bỏ. Lệnh tình trạng khẩn cấp được ban bố nhằm kiềm chế đà lây lan của dịch bệnh Covid-19, dự kiến được dỡ bỏ hoàn toàn vào ngày 7-3. Theo các nguồn tin, chính sách mới đang được Chính phủ Nhật Bản xem xét sẽ đặc cách cho các vận động viên người nước ngoài nhập cảnh và cũng sẽ được nới lỏng một số yêu cầu phòng dịch hiện tại như cách ly bắt buộc 2 tuần sau khi nhập cảnh. Tuy vậy, các vận động viên sẽ được yêu cầu hạn chế di chuyển ra bên ngoài khu khách sạn đăng ký lưu trú tại Nhật Bản và các địa điểm thi đấu, không được phép sử dụng các phương tiện giao thông công cộng.
Philippines kéo dài hạn chế tại Thủ đô thêm 1 tháng
Tại Đông Nam Á, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã quyết định gia hạn các biện pháp hạn chế một phần tại thủ đô Manila tới cuối tháng 3 trong khi quốc gia này chờ được bàn giao vaccine phòng Covid-19. Như vậy, các biện pháp hạn chế tại thủ đô Manila sẽ kéo dài thêm 1 tháng, qua đó tiếp tục hạn chế các hoạt động kinh doanh và giao thông công cộng. Quyết định trên được đưa ra sau khi Philippines ghi nhận thêm 2.651 ca mắc mới, số ca mắc trong ngày cao nhất được ghi nhận trong hơn 4 tháng qua tại quốc gia này.
Hiện Philippines là quốc gia đứng thứ hai Đông Nam Á về tổng số ca nhiễm và tử vong. Tổng thống Duterte từng cam kết duy trì các biện pháp hạn chế tại thủ đô, nơi được coi là tâm dịch của cả nước, cho tới khi triển khai chiến dịch tiêm chủng. Philippines là quốc gia cuối cùng trong khu vực tiếp nhận lô vaccine phòng Covid-19 đầu tiên, gồm 600.000 liều vaccine của hãng Sinovac Biotech (Trung Quốc), dự kiến bàn giao trong ngày 28-2. Đối tượng được ưu tiên tiêm chủng là nhân viên y tế và binh lính.
Campuchia: Tư lệnh Lục quân Hoàng gia phụ trách giám sát cách ly
Trong khi đó, Bộ Y tế Campuchia thông báo thành lập tiểu ban an ninh và quản lý trật tự để giám sát tất cả các trung tâm cách ly Covid-19 trên toàn quốc. Tiểu ban trên, trực thuộc ủy ban liên bộ phòng chống dịch Covid-19, có trách nhiệm giám sát, đánh giá và tham vấn về mọi vấn đề liên quan đến an ninh và sự ổn định tại các trung tâm cách ly Covid-19 tại Campuchia.
Tiểu ban này do Tướng Hun Manet – Tư lệnh Lục quân Hoàng gia Campuchia đứng đầu, với 5 phó chủ tịch và 8 thành viên. Trong trường hợp cần thiết, tiểu ban này có thể sử dụng lực lượng can thiệp tại những khu vực cách ly, hoặc cần phong tỏa để phòng chống dịch. Hiện Campuchia đang trải qua làn sóng lây nhiễm Covid-19 lần thứ ba bắt nguồn từ "Sự kiện cộng đồng ngày 20-2" làm 241 người dương tính với virus SARS-CoV-2 và 77 địa điểm bị phong tỏa, gây ra vụ lây nhiễm nghiêm trọng nhất tại Campuchia cho đến nay.
New Zealand tái phong toả thành phố lớn nhất
Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern thông báo thành phố Auckland, lớn nhất cả nước, sẽ áp dụng biện pháp phong tỏa trong 7 ngày, kể từ ngày 28-2, sau khi phát hiện một ca mắc bệnh Covid-19 trong cộng đồng chưa rõ nguồn gốc. Trong khi đó, những địa phương còn lại sẽ áp dụng các biện pháp hạn chế cấp độ 2, trong đó có các biện pháp hạn chế tụ tập đông người.
Hồi giữa tháng 2, gần 2 triệu cư dân của Auckland đã thực hiện lệnh phong tỏa trong 3 ngày sau khi một gia đình 3 người tại thành phố này được xác nhận nhiễm chủng mới của virus SARS-CoV-2 phát hiện tại Anh. Biện pháp phong tỏa, với những hạn chế cấp độ 3, cho phép người dân ra khỏi nhà để mua nhu yếu phẩm và làm những việc thực sự cần thiết. Các địa điểm công cộng sẽ đóng cửa. New Zealand là một trong những quốc gia phát triển kiểm soát dịch bệnh thành công nhất. Tới nay, quốc gia Thái Bình Dương này ghi nhận hơn 2.000 ca bệnh.
Theo Báo Tin Tức