Tổng thống Mỹ Joe Biden ra quyết định không kích các mục tiêu thân Iran tại Syria cùng với những diễn biến tích cực trong cuộc chiến chống Covid-19 nhờ chiến dịch tiêm chủng, bước tiến về vaccine là hai sự kiện thế giới nổi bật nhất trong tuần.
Những tòa nhà bị phá hủy sau vụ không kích của không quân Mỹ xuống khu vực cửa khẩu gần Alm-Qaim, biên giới Syria và Iraq ngày 26-2-2021. Ảnh: AFP/TTXVN |
Mỹ không kích hạn chế Syria
Rạng sáng 26-2, máy bay Mỹ đã thực hiện cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu thân Iran tại Đông Syria. Theo thư ký báo chí Lầu Năm Góc John Kirby, ngay sau khi nhận được lệnh của Tổng thống Joe Biden, hai tiêm kích F-15E của Không quân Mỹ đã rời căn cứ, phóng 7 quả tên lửa dẫn đường, tiêu diệt nhiều căn cứ của quân nổi dậy ở Syria.
Theo ông Kirby, đây là cách để Mỹ đáp trả các cuộc tấn công gần đây nhằm vào người Mỹ và đồng minh Mỹ ở Iraq, khẳng định quyết tâm của Mỹ trong bảo vệ các nhân viên người Mỹ và liên quân.
Tuy nhiên, mục đích chính trong cuộc không kích lần này được cho là nhằm vào nhân tố Iran. Phát biểu trước báo giới khi tới thăm Houstonm, bang Texas ngày 27-2, ông Biden cho rằng đòn tấn công này là lời cảnh báo cho Iran, với thông điệp Tehran không thể hành động mà không bị trừng phạt.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trước đó cũng khẳng định rõ quan điểm Mỹ không chấp nhận để Iran có hành vi chống lại người dân, đối tác, lợi ích Mỹ mà không bị trừng phạt.
Việc ông Biden ra quyết định tấn công quân sự chỉ sau hơn một tháng lên nắm quyền đã gây ra phản ứng trái chiều trong nội bộ Mỹ. Giới nghị sĩ Cộng hòa ca ngợi hành động của Tổng thống Mỹ, coi đây là cách gửi thông điệp cứng rắn tới Iran, có tác dụng răn đe lớn. Thượng nghị sĩ Cộng hòa Jim Inhofe, thành viên cao cấp Ủy ban quân vụ Thượng viện coi đây là phản ứng phù hợp, đúng đắn để bảo vệ sinh mạng của người Mỹ.
Ngược lại, nhiều nghị sĩ Dân chủ lên án ông Biden. Thượng nghị sĩ Tim Kaine và những người đồng quan điểm cho rằng ra quyết định không kích Syria mà không có sự cho phép của Quốc hội là việc làm sai.
Syria đã lên án vụ không kích của Mỹ và gọi đây là "dấu hiệu xấu" từ chính quyền mới của Tổng thống Joe Biden. Nga và Trung Quốc phản đối can thiệp của Mỹ nhằm vào Syria. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân ngày 26-2 kêu gọi các bên liên quan tôn trọng chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Syria, tránh làm tình hình phức tạp thêm.
Nga coi hành động này là vi phạm luật pháp quốc tế. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhìn nhận, cuộc không kích của Mỹ là không chấp nhận được, nhất là khi Mỹ đang hiện diện quân sự trái phép trên lãnh thổ Syria, vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về Syria.
Bước tiến trong tiêm chủng và vaccine Covid-19
Tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 tại Rhode, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN |
Đã xuất hiện tín hiệu lạc quan trong cuộc chiến chống Covid-19. Theo số liệu thống kê, tổng số ca lây nhiễm mới trên toàn cầu giảm mạnh trong thời gian gần đây, từ mức hơn 5.000.000/tuần hồi đầu tháng 1 xuống còn 2.700.000 ca trong tuần từ ngày 20 đến 27-2.
Mức giảm mạnh nhất được ghi nhận tại các nước từng ở vào tình cảnh tệ nhất hồi cuối năm 2020 như Mỹ, Anh, Nam Phi, Israel hay Bồ Đào Nha, với mức giảm lên tới 50%. Bên cạnh việc thực hiện các giải pháp giãn cách, đeo khẩu trang, tiêm vaccine ngừa Covid-19 cũng được cho là nhân tố kéo giảm lây nhiễm.
Tính đến ngày 27-2, trong chiến dịch tiêm chủng Covid-19 trên toàn cầu, 103 quốc gia và vùng lãnh thổc đã tiêm hơn 231 triệu liều. Israel là nước đi đầu trong nỗ lực này, với hơn 50% tổng dân số được tiêm ngừa ít nhất một mũi. Tiến độ tiêm vaccine tại Mỹ cũng vượt kế hoạch, khi hoàn thành được 50% mục tiêu trong khoảng 1/3 thời gian đề ra, với trung bình 1,44 triệu mũi tiêm/ngày.
Nỗ lực triển khai vaccine toàn cầu cũng có thêm các tín hiệu vui khi một số loại vaccine được chứng minh có hiệu quả rõ rệt. Trong khi đó, nguồn cung có thể sẽ dồi dào hơn sau khi có thêm một số mẫu được cấp phép lưu thông. Nghiên cứu khoa học quy mô nhất của Israel mới đăng trên tạp chí uy tín Lancet khẳng định, vaccine Covid-19 của Pfizer-BioNTech đạt hiệu quả bảo vệ lên tới 94% đối với những trường hợp mắc có triệu chứng.
Kết luận khoa học này có ý nghĩa rất lớn với chiến dịch tiêm phòng đại trà trên thế giới, khi các kết luận về hiệu quả vaccine trước đó mới chỉ dừng ở góc độ thử nghiệm lâm sàng, không phải trong các điều kiện thực tế với sự đa dạng về thành phần, hậu cần cũng như bảo quản vaccine.
Liên danh Pfizer-BioNTech cũng đang tiến hành cứu bổ sung thêm mũi vaccine ngừa Covid-19 thứ ba vào cơ chế tiêm chủng và thử nghiệm một phiên bản mới của vaccine nhằm vào biến thể của virus SARS-CoV-2 phát hiện ở Nam Phi.
Về nguồn cung mới, ngày 26-2, một hội đồng độc lập gồm 22 chuyên gia và nhà khoa học hàng đầu của Mỹ đã nhất trí bỏ phiếu ủng hộ việc cấp phép khẩn cấp đối với vaccine ngừa Covid-19 của hãng Johnson & Johnson.
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) dự kiến sẽ sớm cấp phép cho vaccine này. Đây là vaccine có hiệu quả cao, chống được cả các biến thể mới như chủng ở Anh, Nam Phi. Với ưu điểm chỉ một liều tiêm và có thể được bảo quản lâu dài ở nhiệt độ tủ lạnh, vaccine của Johnson & Johnson có những ưu thế trong triển khai tiêm phòng.
Giới chuyên gia nhận định, cùng với tiêm phòng, thực hiện các quy định giãn cách và biện pháp phòng ngừa khác vẫn giữ vai trò quan trọng. Bởi lây lan bệnh dịch có giảm tại Mỹ, Anh, Israel, nhưng số ca mắc mới lại có chiều hướng tăng trở lại tại những nước mà việc thực hiện giãn cách xã hội, đeo khẩu trang vừa được nới lỏng, điển hình như tại Pháp và Brazil.
Theo Báo Tin Tức