Kể từ khi quân đội Myanmar bắt giữ Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và các quan chức chính phủ rồi nắm quyền, quốc gia Đông Nam Á này đã rơi vào một vòng xoáy bất ổn chính trị, biểu tình liên miên.
Tuần hành ở thủ đô Yangon, phản đối tình trạng bế tắc chính trị tại Myanmar, ngày 26-2-2021. Ảnh: AFP/TTXVN |
Căng thẳng chính trị và biểu tình đường phố bùng phát từ đầu tháng 2, sau khi quân đội bắt giữ Tổng thống Win Myint và Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi cùng nhiều quan chức cấp cao khác thuộc đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD). Quân đội cáo buộc đã có gian lận quy mô lớn trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 11-2020, mà theo đó NLD đã giành đa số ghế tại cả lưỡng viện Quốc hội. Tuy nhiên, Ủy ban Bầu cử liên bang Myanmar đã bác bỏ cáo buộc này.
Theo kênh CNN và báo Bưu điện Bangkok, lực lượng an ninh Myanmar đã nỗ lực dẹp làn sóng biểu tình kéo dài cả tháng trên quy mô toàn quốc. Người biểu tình phản đối việc bắt giữ bà Aung San Suu Kyi, đồng thời yêu cầu quân đội trao trả quyền lực. Một số nơi, biểu tình leo thang thành bạo lực, và riêng trong ngày 28-2, ít nhất 18 người đã thiệt mạng, trên 30 người bị thương. Các nhóm hoạt động cho rằng số người chết và bị thương có thể còn cao hơn.
Trong khi đó, bà Aung San Suu Kyi chịu thêm cáo buộc ngày 1-3. Bà đã xuất hiện trong một phiên tòa trực tuyến và bị cáo buộc vi phạm luật cấm công bố thông tin có thể gây sợ hãi hoặc kích động, một tội theo luật viễn thông liên quan cấp phép các thiết bị. Tới nay, bà Aung San Suu Kyi đã chịu 4 cáo buộc. Trước đó, bà từng bị cáo buộc tội vi phạm luật về thảm họa quốc gia và luật xuất nhập khẩu. Phiên tòa xét xử bà Suu Kyi tiếp theo sẽ diễn ra vào ngày 15-3.
Về phần mình, quân đội Myanmar đã cam kết sẽ tổ chức bầu cử và chuyển giao quyền lực, đồng thời phủ nhận việc tiến hành đảo chính, cũng như cáo buộc làn sóng biểu tình trong nước hiện nay có hành vi bạo lực. Trong thời gian đó, chính sách đối ngoại của Myanmar không thay đổi. Myanmar vẫn duy trì cởi mở với doanh nghiệp và tuân thủ các thỏa thuận quốc tế. Tuy nhiên, đến nay thời điểm tổ chức bầu cử vẫn chưa được công bố.
Nhiều nước trừng phạt Myanmar
Binh sĩ gác tại Yangon, Myanmar ngày 2-2-2021. Ảnh: THX/TTXVN |
Mặc dù không có lệnh trừng phạt tổng thể mang tính phối hợp quốc tế, nhưng một số quốc gia đã đơn phương áp đặt trừng phạt Myanmar sau vụ chính biến.
Tới nay, Chính phủ Mỹ là bên có các biện pháp mạnh và rộng nhất nhằm vào Myanmar. Ngày 10-2, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo ông đã thông qua lệnh trực phạt nhằm vào các lãnh đạo quân đội Myanmar và gia đình họ, yêu cầu quân đội nước này trao trả quyền lực và thả những người có liên quan.
Ngày 18-2, theo tuyên bố trên trang web Chính phủ Canada, Ngoại trưởng Canada Marc Garneau đã thông báo trừng phạt 9 thành viên quân đội Myanmar. Tài sản của các thành viên trong danh sách sẽ bị đóng băng. Người ở Canada và người Canada ở nước ngoài bị cấm mua bán tài sản, cung cấp dịch vụ tài chính cho các cá nhân này.
Trước đó, Bộ trưởng Ngoại giao Anh Dominic Raab đã thông báo đóng băng tài sản và cấm nhập cảnh ba thành viên quân đội Myanmar vì vi phạm nhân quyền trong chính biến. Ngày 9-2, New Zealand đã đình chỉ mọi liên lạc quân sự và chính trị cấp cao với Myanmar, cấm cácãnh đạo quân sự nhập cảnh và ngừng trợ cấp cho chính phủ nước này.
Trái lại, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long trong cuộc phỏng vấn với BBC cho rằng trừng phạt sẽ không tác động với chính phủ quân sự Myanmar mà làm tổn thương người dân nước này. Theo ông, con đường phía trước là thả bà Aung San Suu Kyi và tìm ra giải pháp.
ASEAN kêu gọi đối thoại
Toàn cảnh hội nghị trực tuyến về Myanmar của các ngoại trưởng ASEAN ngày 2-3-2021. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trước những bất ổn và căng thẳng chính trị ở Myanmar, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã chia sẻ và bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ quốc gia thành viên này vượt qua thời điểm khó khăn này.
Ngày 2-3, các Bộ trưởng Ngoại giao của 10 nước thành viên ASEAN đã tổ chức hội nghị không chính thức để thảo luận về cuộc khủng hoảng chính trị tại Myanmar. Tham dự cuộc họp có tất cả các Bộ trưởng ngoại giao các nước ASEAN, trong đó có ông Wunna Maung Lwin - người được quân đội Myanmar chỉ định làm Bộ trưởng ngoại giao nước này. Cuộc họp do Brunei, quốc gia đang đảm nhận vị trí Chủ tịch luân phiên của ASEAN năm 2021, chủ trì. Hội nghị trực tuyến này đã kết thúc với việc ra tuyên bố Chủ tịch ASEAN.
Tuyên bố nêu rõ: “Chúng tôi, với tư cách một gia đình ASEAN, theo dõi sát các diễn biến gần đây ở khu vực và nhất trí rằng ổn định chính trị của bất kỳ và tất cả các nước thành viên ASEAN là cần thiết để đạt được một Cộng đồng ASEAN hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung. Chúng tôi bày tỏ quan ngại về tình hình ở Myanmar, kêu gọi tất cả các bên không kích động bạo lực hơn nữa, đồng thời thể hiện kiềm chế và sự linh hoạt tối đa. Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên liên quan tìm kiếm giải pháp hòa bình, thông qua đối thoại mang tính xây dựng và hòa giải một các thực chất vì lợi ích của người dân và kế sinh nhai của họ. ASEAN sẵn sàng hỗ trợ Myanmar một cách tích cực, hòa bình và trên tinh thần xây dựng”.
Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi đã kêu gọi Myanmar mở cửa với ASEAN để giải quyết căng thẳng leo thang. Ông Retno kêu gọi thả các nhân vật chính trị bị giam giữ để khôi phục dân chủ, đồng thời cam kết các nước ASEAN sẽ không phá vỡ nguyên tắc không can thiệp vào nội bộ nước khác. Ông Retno nhấn mạnh: “Phải theo đuổi biện pháp khôi phục dân chủ như trước. Indonesia nhấn mạnh rằng cần tôn trọng nguyện vọng, lợi ích và tiếng nói của nhân dân Myanmar”. Ngoại trưởng Malaysia và Philippines cũng kêu gọi trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi và các bên liên quan xúc tiến đối thoại.
Ngày 26-2 vừa qua, Đại hội đồng Liên hợp quốc cũng tổ chức phiên họp không chính thức thảo luận về cuộc khủng hoảng tại Myanmar dưới sự chủ trì của Chủ tịch Volkan Bozkir. Đặc phái viên của Tổng thư ký LHQ Christine Schraner Burgener, đại diện của hơn 50 nước thành viên LHQ và 8 tổ chức khu vực đã tham dự và phát biểu ý kiến. Bà Burgener kêu gọi cộng đồng quốc tế chung tay giúp quốc gia Đông Nam Á này tháo gỡ khủng hoảng chính trị.
Tại phiên họp không chính thức của Đại Hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) thảo luận về tình hình Myanmar ngày 26-2, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ Đặng Đình Quý kêu gọi các bên ở Myanmar kiềm chế, tránh làm gia tăng căng thẳng và tiến hành đối thoại hướng tới giải pháp thỏa đáng, phù hợp với Hiến pháp, luật pháp cũng như nguyện vọng và ý chí của người dân. Cũng theo Đại sứ Đặng Đình Quý, cộng đồng quốc tế cần hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình chuyển đổi dân chủ ở Myanmar; tôn trọng nguyên tắc độc lập, chủ quyền quốc gia và không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước; đồng thời bảo đảm sự an toàn, tiếp cận nhân đạo và các dịch vụ thiết yếu cho người dân Myanmar, nhất là những người dễ bị tổn thương. Riêng với Việt Nam, Đại sứ Đặng Đình Quý nhấn mạnh Việt Nam mong muốn Myanmar sớm ổn định, vì sự phát triển của chính Myanmar cũng như hòa bình, ổn định, hợp tác trong khu vực và quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN. |
Theo Báo Tin tức