Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng, số ca nhiễm mới Covid-19 gia tăng trở lại là chuyện “đáng thất vọng nhưng không bất ngờ” và thúc giục các nước không nới lỏng các biện pháp chống dịch.
Hơn 30% dân số Anh đã được tiêm liều vắc-xin ngừa Covid-19 đầu tiên. Trong ảnh: Một nhân viên y tế chuẩn bị tiêm vắc-xin của Astra-Zeneca/Oxford ở thủ đô London. Ảnh: Getty Images |
Hãng tin Reuters cho biết, phát biểu tại cuộc họp báo ở Geneva (Thụy Sĩ) ngày 1-3 (giờ địa phương), Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói rằng, số ca mắc Covid-19 tăng lần đầu tiên sau 7 tuần. Cụ thể, các ca nhiễm được báo cáo tăng ở 4/6 khu vực của WHO gồm châu Mỹ, châu Âu, Đông Nam Á và Trung Đông. “Cần cảnh báo nghiêm khắc cho tất cả chúng ta: Virus này sẽ bùng phát trở lại nếu chúng ta để nó xảy ra. Và chúng ta không thể để điều đó xảy ra”, bà Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật của WHO về Covid-19 cũng nhấn mạnh.
Chỉ dựa vào vắc-xin là sai lầm
Theo người đứng đầu WHO, số ca nhiễm mới gia tăng là chuyện “đáng thất vọng nhưng không bất ngờ”. Ông Tedros cho rằng, còn quá sớm để các nước chỉ dựa vào các chương trình tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 và ngừng các giải pháp khác. “Nếu các nước chỉ dựa vào vắc-xin, họ đang sai lầm. Y tế công cộng cơ bản vẫn là nền tảng của phản ứng (với Covid-19)”, ông Tedros nói. Y tế công cộng mà Tổng Giám đốc WHO đề cập là xét nghiệm, truy vết tiếp xúc, cách ly và chăm sóc y tế chất lượng, cùng các biện pháp giãn cách xã hội, đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên…
Trang thống kê Worldometers cho hay, toàn cầu hiện có hơn 115 triệu ca mắc Covid-19, trong đó hơn 2,5 triệu ca tử vong. Mỹ dẫn đầu với hơn 29,3 triệu ca nhiễm và 527.000 ca tử vong. Tiếp đến lần lượt là Ấn Độ, Brazil, Nga, Anh, Pháp… Từ ngày 22 đến 28-2, thế giới có 2,57 triệu ca nhiễm mới, mức tăng cao nhất so với 6 tuần trước đó.
Tại khu vực Đông Nam Á, theo Reuters, Philippines vừa ghi nhận 6 ca đầu tiên nhiễm biến thể của SARS-CoV-2 được phát hiện ở Nam Phi. Ở châu Âu, Ba Lan có khoảng 12.000 ca nhiễm chỉ trong 2 ngày cuối tháng 2. Cộng hòa Czech vẫn ghi nhận trung bình gần 1.000 ca nhiễm mới trên 1 triệu dân mỗi ngày. Với Pháp, tổng số ca nhiễm tăng lên 3,7 triệu ca. Còn ở Đức, số ca nhiễm cũng bắt đầu tăng từ tuần qua trong lúc 10/16 bang mở cửa lại trường học từ giữa tháng 2. Thủ tướng Đức Angela Merkel nói rằng, nền kinh tế lớn nhất châu Âu vẫn đang ở trong làn sóng thứ ba của dịch bệnh. Hôm nay (3-3), bà Merkel sẽ họp với lãnh đạo các bang để bàn biện pháp dần đưa cuộc sống trở lại bình thường.
Covid-19 chưa thể chấm dứt trong năm 2021
Cũng tại cuộc họp báo ngày 1-3, theo Giám đốc phụ trách chương trình khẩn cấp của WHO Mike Ryan, nếu cho rằng Covid-19 chấm dứt vào cuối năm 2021 là phi thực tế và còn quá sớm để khẳng định virus đang được kiểm soát. Vị quan chức này lý giải, nguyên nhân do số ca bệnh bắt đầu tăng trở lại.
Ghana và Côte d'Ivoire là những quốc gia đầu tiên bắt đầu tiêm vắc-xin cho người dân theo chương trình tiếp cận vắc-xin toàn cầu (COVAX) của WHO vào ngày 2-3. Nhưng 3 tháng trước đó, các nước như Anh, Mỹ và Canada đã bắt đầu tiêm vắc-xin cho người dân, nghĩa là các nước nghèo tiếp cận được vắc-xin chậm hơn nhiều so với các nước giàu.
Tổng Giám đốc WHO Tedros chỉ trích các nước giàu đang tích trữ vắc-xin ngừa Covid-19, đồng thời nói rằng WHO bảo vệ lợi ích của những người dễ bị tổn thương trên khắp thế giới. “Các nước không chạy đua với nhau. Đây là cuộc đua chung nhằm chống lại virus. Chúng tôi không yêu cầu các nước đặt người dân của mình vào tình thế nguy hiểm. Chúng tôi yêu cầu tất cả các nước tham gia nỗ lực toàn cầu để ngăn chặn virus ở khắp mọi nơi”, NBC News dẫn lời ông Tedros nhấn mạnh. Theo chương trình COVAX, dự kiến trong tuần này sẽ có thêm 11 triệu liều vắc-xin được phân phối tới các nước; đến cuối tháng 5 sẽ có 237 triệu liều vắc-xin được phân phối cho 142 quốc gia/vùng lãnh thổ.
Cuối tháng 7, Trung Quốc sẽ tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho 40% số dân Hãng tin Reuters dẫn lời ông Chung Nam Sơn, chuyên gia hàng đầu giúp Trung Quốc phản ứng với Covid-19, cho biết nước này đặt mục tiêu đến cuối tháng 7 sẽ tiêm vắc-xin cho 40% số dân, bao gồm những người tiêm 1 liều hoặc 2 liều. Trung Quốc đã phê duyệt 4 loại vắc-xin ngừa Covid-19 nội địa để đưa vào sử dụng. Hiện tại, tỷ lệ tiêm vắc-xin ở Trung Quốc là 3,56/100, thấp hơn nhiều so với Israel và Mỹ. |
PHÚC NGUYÊN