Sự trỗi dậy của Trung Quốc ngày càng khiến Mỹ và các đồng minh phương Tây nhận thấy có nhiều mối đe dọa nghiêm trọng. Trong đó, vấn đề đầu tư và phát triển thương mại được cho là nhân tố quyết định vị trí thống trị của các cường quốc trên quy mô toàn cầu trong thế kỷ 21.
Với tiềm lực nền kinh tế có được sau chặng đường mở cửa, đổi mới, Trung Quốc không chỉ biến đất nước mình thành công xưởng của thế giới, hội tụ hầu hết các nhà máy chuyên sản xuất những công cụ, sản phẩm, mà còn nhanh chóng vươn ra các nước để chiếm lĩnh thị trường vốn được cho là thành trì kiên cố của các cường quốc. Một trong những siêu dự án của Trung Quốc là sáng kiến “Vành đai và con đường” (Belt and Road - BRI), được Bắc Kinh khởi động vào 2013 - phiên bản hiện đại của “Con đường tơ lụa” xưa nối Trung Quốc với châu Á, châu Âu (và hơn thế nữa). BRI đã thu hút hơn 100 quốc gia tham gia. Tính đến giữa năm 2020, thông qua BRI, Trung Quốc có 2.600 dự án đầu tư với tổng vốn khoảng 3.700 tỷ USD.
Không có gì bất ngờ khi phần lớn thương mại toàn cầu đều dựa vào hàng hải, nên Trung Quốc đã tập trung nguồn lực đầu tư đóng hàng ngàn tàu vận tải, tàu tuần duyên và cả tàu chiến, tàu sân bay để khép kín hệ thống vận tải, bảo vệ và tham vọng mở rộng chủ quyền trên biển. Đến nay, hợp tác đầu tư để hình thành các cảng biển của Trung Quốc đã bao phủ ít nhất 76 quốc gia, đa số là các nước đang phát triển thuộc châu Á, châu Phi, Mỹ Latinh, cùng nhiều quốc gia ở rìa đông châu Âu. Mặt khác, cùng với hạm đội tàu ngầm, tàu sân bay và tàu chiến, Trung Quốc dự tính xây mới thêm hàng chục cảng biển, đặc biệt là xung quanh Ấn Độ Dương để đối trọng với sức mạnh của Mỹ và các đồng minh trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Theo hãng tin Bloomberg, nếu tham vọng của Trung Quốc thành hiện thực thì Bắc Kinh chắc chắn sẽ vươn lên chiếm giữ vị trí trung tâm trong trật tự kinh tế thế giới mới trong thế kỷ 21, với độ bao phủ hơn một nửa địa cầu?! Không thể phủ nhận việc BRI đã giúp Trung Quốc gia tăng đáng kể ảnh hưởng chính trị và kinh tế ở nhiều nơi trên thế giới, khiến Mỹ và các đồng minh lo lắng. Nhưng BRI cũng đã xuất hiện nhiều “lỗ hổng” nghiêm trọng mà nhiều nước đang hứng chịu như: giá đầu tư đắt, công nghệ lạc hậu, chi phí phát sinh tăng nhiều lần, lao động sở tại không được trưng dụng, dẫn đến nguy cơ vỡ nợ.
Mỹ rõ ràng đã nhận ra thách thức lớn từ BRI cũng như nhu cầu cấp bách phải chống lại siêu dự án thế kỷ của Trung Quốc. Sau hơn 100 ngày nắm quyền lãnh đạo nước Mỹ, Tổng thống Joe Biden đã có hàng loạt biện pháp cụ thể nhằm vào Bắc Kinh từ an ninh - quân sự, đến ngoại giao, kinh tế... Nhà Trắng đã trình và được Quốc hội thông qua các gói tài chính quy mô lớn lên đến hàng chục ngàn tỷ USD vừa phòng, chống Covid-19, cải thiện đời sống người dân, vừa gia tăng xây dựng cơ sở hạ tầng, khoa học kỹ thuật, tiềm lực quân sự cũng như nâng tầm ảnh hưởng tại nhiều quốc gia... Đồng thời, ông Biden cũng gia tăng hợp tác với các đồng minh chủ chốt, nhất là quan hệ chiến lược giữa hai bờ Đại Tây Dương để chống lại tầm ảnh hưởng của BRI.
Điển hình, hội nghị thượng đỉnh nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) vừa diễn ra tại Anh từ ngày 11 đến 13-6 đã đưa ra sáng kiến “Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn” (B3W) nhằm giúp các nước nghèo và phát triển trung bình dễ dàng tiếp cận nguồn vốn để đầu tư xây dựng hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội. G7 muốn chứng tỏ với thế giới rằng họ có thể thay thế cho ảnh hưởng của Trung Quốc. B3W được kỳ vọng sẽ tạo ra sự tương phản với Bắc Kinh, đồng thời phản ánh các giá trị, tiêu chuẩn và cách thức kinh doanh của phương Tây. “Đây không chỉ là đối đầu hay cạnh tranh với Trung Quốc”, một quan chức Mỹ nói với Reuters.
TUYẾT MINH