Các biến thể SARS-CoV-2 không ngừng xuất hiện

.

Biến thể Delta và Delta Plus (biến thể của Delta) trở thành nguy cơ mới đe dọa nỗ lực chống đại dịch Covid-19 khi giới khoa học chưa tường tận hết mức độ nguy hiểm cũng như cách thức hoạt động của chúng.

Các quan chức y tế nhiều nước cảnh báo về biến thể Delta, còn Ấn Độ đã phát thêm cảnh báo về biến thể Delta Plus.  Ảnh: AFP
Các quan chức y tế nhiều nước cảnh báo về biến thể Delta, còn Ấn Độ đã phát thêm cảnh báo về biến thể Delta Plus. Ảnh: AFP

Trong khi biến thể Delta phát hiện lần đầu tại Ấn Độ và được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp vào diện “biến thể đáng lo ngại” toàn cầu, biến thể Delta Plus vẫn đang được giới nghiên cứu tiếp tục theo dõi, đánh giá.

WHO: Delta đáng lo hơn

Báo Hindustan Times ngày 23-6 cho biết, Ấn Độ đã ghi nhận 40 ca mắc biến thể Delta Plus. Dù số ca mắc biến thể Delta Plus còn ít và chỉ tại một số bang, nhưng các chuyên gia nước này vẫn lo ngại Delta Plus có thể làm bùng đợt dịch thứ ba. Đáng chú ý, Bộ Y tế Ấn Độ ngày 23-6 cảnh báo, biến thể mới dễ lây hơn các chủng khác và kêu gọi các bang đã phát hiện Delta Plus “cần áp dụng ngay lập tức các biện pháp ngăn chặn”.

Hãng tin Reuters dẫn nhận định của chuyên gia hàng đầu về virus của Ấn Độ Shahid Jameel rằng, dữ liệu nghiên cứu cho thấy Delta Plus đã làm giảm hiệu quả điều trị của các kháng thể đơn dòng. Dù vậy, theo giới chuyên môn Ấn Độ, điều đó không có nghĩa Delta Plus nguy hiểm hơn Delta. Họ vẫn đang tiếp tục tìm hiểu Delta Plus có kháng lại các vắc-xin ngừa Covid-19 hiện có hay không.

Cũng theo Reuters, tính tới ngày 16-6, ít nhất 197 ca mắc Delta Plus đã được ghi nhận tại 11 nước gồm: Anh, Canada, Ấn Độ, Nhật Bản, Nepal, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Nga, Thụy Sĩ, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ.

Về phía WHO, cơ quan này đang theo dõi Delta Plus trên quan điểm coi nó là một phần của biến thể Delta và cũng thực hiện các bước giống như với các biến thể đáng lo ngại khác đang có thêm những đột biến mới. “Hiện biến thể này (Delta Plus) dường như chưa phổ biến, chỉ chiếm một phần nhỏ trong các chuỗi gen của Delta… Delta và các biến thể đáng lo ngại khác của SARS-CoV-2 vẫn đang là nguy cơ lớn hơn với sức khỏe cộng đồng vì chúng làm tăng sự lây nhiễm”, thông cáo của WHO gửi Reuters cho biết.

Delta là biến thể gây đợt bùng dịch thứ hai ở Ấn Độ. Một số nước khác cũng tin chính biến thể này là nguyên nhân làm tăng số ca bệnh đột ngột tại nước họ. Riêng ở Anh, số ca mắc Delta đã vượt 33.000 ca mỗi tuần. Biến thể này đã lây lan tới hơn 74 quốc gia, theo cập nhật gần đây nhất của WHO. Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) cho rằng, biến thể Delta sẽ lây lan rộng trong mùa hè năm nay ở các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), nhất là nhóm người trẻ tuổi chưa được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19.

Cần được đánh giá thêm

Delta (B.1.617.2) là biến thể đáng lo ngại. Do đó, biến thể của nó, tức Delta Plus (B.1.617.2.1/AY.1) trước mắt cũng được một số nước (như Ấn Độ) coi là biến thể đáng lo ngại. Điểm phân biệt đáng kể nhất ở Delta Plus so với Delta là đột biến K417N trong protein S của nó. Đột biến K417N từng được ghi nhận ở biến thể Beta (B.1.351).

Mặc dù Delta được phát hiện lần đầu tại Ấn Độ, nhưng Delta Plus lại được đề cập lần đầu trong bản tin ngày 11-6 của Cơ quan Y tế công cộng Anh (PHE). Thực tế, Delta Plus cũng có các loại khác nhau với những đột biến khác nhau. Loại Ay.1 với đột biến K417N đang phổ biến hơn cả. Nhưng vẫn còn loại Ay.2, một loại khác của Delta Plus được tìm thấy ở Mỹ, nhưng tới nay chưa thấy ở Ấn Độ.

Một số nhà khoa học lo ngại đột biến K417N ở Delta Plus khi kết hợp với những đặc điểm khác đã có của biến thể Delta có thể khiến nó dễ lây hơn. Tuy nhiên, nếu căn cứ số ca mắc Delta Plus tới nay đã ghi nhận (chưa tới vài trăm ca), thì chưa đủ dữ liệu để khẳng định biến thể này lây lan mạnh hơn.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
;
.
.
.
.
.