Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngày 14-6 ở Brussels (Bỉ) là dịp hàn gắn mối quan hệ đồng minh đang nguội lạnh phần nào sau những căng thẳng trong 4 năm ông Donald Trump làm Tổng thống Mỹ.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) gặp gỡ Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg tại Brussels (Bỉ) ngày 14-6. Ảnh: AP |
Hãng tin AFP cho biết, rời Cornwall, tây nam nước Anh, Tổng thống đương nhiệm của Mỹ Joe Biden đến Brussels để dự hội nghị thượng đỉnh NATO vào ngày 14-6. Ông Biden muốn hàn gắn, củng cố quan hệ xuyên Đại Tây Dương vốn bị tổn hại vì chính sách “Nước Mỹ trên hết” của người tiền nhiệm. Người đứng đầu Nhà Trắng giờ đây mang đến Brussels một quan điểm, một cái nhìn hoàn toàn khác, đó là “Nước Mỹ đã trở lại. Liên minh xuyên Đại Tây Dương đã trở lại”, thay vì “NATO là một tổ chức lỗi thời” - như cách mô tả của cựu Tổng thống Donald Trump vào tháng 1-2017 khi phát biểu với hai tờ Bild (Đức) và Times of London (Anh).
Trong 4 năm làm Tổng thống, ông Trump khiến các đồng minh hoài nghi về cam kết của Mỹ trong việc bảo vệ các đối tác châu Âu, theo điều 5 của hiệp ước. Ông Trump cho rằng, các đồng minh quân sự chỉ dựa vào cái ô bảo bọc của Mỹ khiến cường quốc này tốn kém quá nhiều và Washington sẽ không bảo vệ những thành viên NATO nào không hoàn thành nghĩa vụ đóng góp tài chính cho tổ chức này. Giá trị của liên minh truyền thống giữa Mỹ và châu Âu lung lay. Trong cuộc họp thượng đỉnh NATO lần cuối cùng trên cương vị Tổng thống vào tháng 12-2019 ở London (Anh), ông Trump công khai bất đồng với những người đồng cấp và rời cuộc họp sớm.
Tuy nhiên, Tổng thống đương nhiệm Joe Biden khẳng định sự ủng hộ của Mỹ đối với liên minh quân sự 72 tuổi và chính phủ của ông đã thể hiện điều đó bằng việc tham vấn nhiều hơn với các đối tác trong NATO. Theo CNN, ông Biden bày tỏ tin tưởng NATO rất quan trọng trong việc duy trì an ninh của Mỹ. Ông nhắc đến việc Mỹ có “nghĩa vụ thiêng liêng” đối với liên minh và tuân thủ nguyên tắc phòng thủ tập thể theo điều 5 (quy định một quốc gia thành viên của NATO bị tấn công đồng nghĩa với cả NATO bị tấn công). “Tôi chỉ muốn tất cả các nước châu Âu biết rằng Mỹ đang ở đây”, ông Biden nói với Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg trong cuộc gặp tại Brussels ngày 14-6.
Tổng Thư ký Stoltenberg cũng cho rằng, Tổng thống Biden “cam kết mạnh mẽ đối với NATO, đối với an ninh của châu Âu và sẵn sàng đầu tư nhiều hơn vào NATO”. Theo ông Stoltenberg, NATO sẽ mở ra “một chương mới trong mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương”.
Vấn đề đặt ra là các đồng minh trong NATO vẫn có những chia rẽ xung quanh một số vấn đề then chốt, trong đó có việc ứng phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc và căng thẳng xung quanh ngân sách quốc phòng chung. Các nước quan ngại về kế hoạch rút quân khỏi Afghanistan trước ngày 11-9-2021 và một số câu hỏi về chiến lược của liên minh khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từng cảnh báo “NATO đang chết não”.
Để trả lời cho những nghi ngại đó, Tổng Thư ký Stoltenberg khẳng định, đề xuất cải cách NATO là trọng tâm nghị sự của hội nghị thượng đỉnh ngày 14-6, đồng thời nhấn mạnh đây là chương trình nghị sự xuyên Đại Tây Dương đầy tham vọng về an ninh và quốc phòng. “Tôi tin rằng hội nghị thượng đỉnh này sẽ thể hiện cam kết mạnh mẽ của tất cả đồng minh NATO đối với mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương của chúng ta. Chúng ta có cơ hội duy nhất để củng cố liên minh”, ông Stoltenberg nói với AFP.
Thành công của Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) diễn ra mấy ngày trước ở Anh khiến các nhà quan sát hy vọng về bầu không khí êm thấm tại cuộc họp thượng đỉnh NATO lần này. Liên minh quân sự được thành lập vào năm 1949 đang trong hành trình xây lại lòng tin đã mất, và phải xây dựng bằng thiện chí thì mới có thể cải tổ khối và ứng phó với hàng loạt thách thức.
PHÚC NGUYÊN