Việc Liên minh châu Âu (EU) không chấp nhận các du khách tiêm vắc-xin phòng Covid-19 AstraZeneca sản xuất tại Ấn Độ được cho là động thái sẽ gây tranh cãi lớn.
Vắc-xin Covishield sản xuất tại Ấn Độ. Ảnh: AP |
Dựa trên chứng nhận điện tử Covid-19 được Ủy ban châu Âu thông qua vào đầu tháng 7, vắc-xin AstraZeneca do Ấn Độ sản xuất không nằm trong nhóm được xét duyệt. Chứng nhận điện tử này tạo điều kiện để người tiêm có thể di chuyển qua 27 quốc gia châu Âu không cần phải cách ly hoặc xét nghiệm thêm.
Tờ Guardian (Anh) cho biết điều đáng chú ý là có nhiều người dân trên khắp thế giới đã tiêm vắc-xin do Ấn Độ sản xuất mang tên Covishield, vốn không nằm trong danh sách của EU. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phê chuẩn Covishield và vắc-xin này còn được coi là xương sống của chương trình tiêm tại châu Phi cùng nhiều quốc gia thu nhập thấp và trung bình.
Người dân tại các quốc gia sử dụng Covishield muốn nhập cảnh vào EU đã nhận được thông tin trái chiều: một mặt là chính phủ muốn đảm bảo với họ vắc-xin này an toàn, được quốc tế công nhận; mặt khác, những quốc gia châu Âu lại nói với họ rằng vắc-xin Covishield không đủ điều kiện để họ nhập cảnh.
Đại sứ quán Pháp tại Nairobi (Kenya) đã thông báo với những người muốn nhập cảnh rằng “vắc-xin Covishield ngay cả khi được sản xuất dựa trên cấp phép của AstraZeneca vẫn không được chấp nhận bởi Cơ quan quản lý dược phẩm Châu Âu (EMA) và Pháp tại thời điểm này”.
EMA lập luận rằng Covishield không nằm trong chương trình hộ chiếu vắc-xin bởi nhà sản xuất là Viện Serum (Ấn Độ) đã không đăng ký giấy phép lưu hành sản phẩm. Theo EMA, giấy phép của Covishield dưới trướng của AstraZeneca là không đủ điều kiện bởi tình trạng sản xuất ở mỗi cơ sở là khác biệt do vậy cần phải đăng ký tách biệt.
Diễn biến này châm ngòi cho cáo buộc rằng EU đang dựng “hàng rào ngăn cách cho pháo đài châu Âu” với toàn bộ thế giới.
Điều đáng chú ý là phần lớn vắc-xin Covishield được phân phối tại các quốc gia thu nhập thấp bắt nguồn từ chương trình phân phối vắc-xin Covid-19 công bằng toàn cầu COVAX do Liên minh Toàn cầu về vắc-xin và Tiêm chủng (GAVI) cùng WHO sáng lập.
Ý tưởng tốt đẹp của COVAX là lòng tin tưởng của những quốc gia đóng góp vào chương trình này đang gặp rủi ro bị lu mờ bởi cách đối xử không công bằng của châu Âu. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Phi đã chỉ trích quyết định “không công bằng” này.
Đến nay, phản ứng từ các quốc gia ngoài châu Âu dường như đã có tác động. Vào cuối tuần trước, đã có 7 quốc gia châu Âu là Áo, Đức, Hy Lạp, Tây Ban Nha, Slovenia và Ireland chấp thuận Covishield.
WHO từng lên tiếng cho biết bất cứ vắc-xin Covid-19 nào được tổ chức này cấp phép sử dụng khẩn cấp đều nên được công nhận trong các chương trình tái mở cửa di chuyển toàn cầu.
Theo Báo Tin tức