Các nước đang phát triển kêu gọi chấm dứt việc tích trữ vắc-xin Covid-19

.

Tại phiên họp cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) khóa 76 đang diễn ra ở New York (Mỹ), lãnh đạo các nước đang phát triển cảnh báo việc các nước giàu tích trữ vắc-xin ngừa Covid-19 đang tạo điều kiện cho các biến thể mới nguy hiểm hơn xuất hiện, ngay tại các khu vực đã chứng kiến tình trạng lây nhiễm gia tăng.

Hãng tin Reuters cho biết, phát biểu trước Đại hội đồng LHQ ngày 21-9, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte lên án sự bất bình đẳng trong việc phân phối vắc-xin ngừa Covid-19 toàn cầu, đồng thời ví tình trạng khan hiếm vắc-xin hiện nay ở những nước nghèo như “cơn hạn hán về nhân đạo”. Trong khi các nước giàu tính đến chuyện tiêm liều vắc-xin tăng cường, thì những nước đang phát triển phải chờ những mũi tiêm đầu tiên cho người dân để vượt qua giai đoạn khó khăn và khống chế dịch bệnh.

Trong khi đó, Tổng thống Ghana Nana Akufo-Addo nhấn mạnh, châu Phi đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề từ “chủ nghĩa dân tộc vắc-xin”. Hiện có khoảng 900 triệu người châu Phi cần được tiêm chủng. Tổng thống Colombia Ivan Duque kêu gọi các quốc gia cần tăng cường đoàn kết nhằm bảo đảm việc phân phối công bằng nguồn vắc-xin để ngăn chặn sự xuất hiện của các biến thể mới nguy hiểm hơn.

Cũng theo Reuters, khoảng 35% những người đã được tiêm ít nhất một liều vắc-xin tới từ các nước có thu nhập cao và ít nhất 28% từ châu Âu và Bắc Mỹ. Trong khi đó, tỷ lệ tiêm chủng ở một số quốc gia, bao gồm Haiti và Congo, thấp hơn 1%. Nghiên cứu mới đây cho thấy 100 triệu liều vắc-xin được lưu trữ tại các quốc gia giàu có tại Bắc bán cầu sẽ hết hạn sử dụng vào tháng 12.

Ngày 22-9, Mỹ cam kết tặng thêm 500 triệu liều vắc-xin của hãng Pfizer/BioNTech cho các nước khác thông qua cơ chế COVAX. Song, tổ chức ONE Campaign (Mỹ) cho biết, khoản đóng góp của Mỹ vẫn không đủ, đồng thời thúc giục các quốc gia phát triển khác tăng cường hỗ trợ vắc-xin để đạt mục tiêu tiêm chủng cho khoảng 70% dân số toàn cầu trước tháng 9-2022.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.