Vụ đánh bom liều chết hồi cuối tuần qua ở thánh đường của người Hồi giáo dòng Shiite ở tỉnh Kunduz làm 50 người chết là minh chứng về tình hình an ninh ở Afghanistan vẫn đầy bất ổn sau khi Taliban giành quyền kiểm soát quốc gia Nam Á này.
Lực lượng Taliban đã có cuộc gặp gỡ trực tiếp đầu tiên với Mỹ kể từ khi giành quyền kiểm soát Afghanistan. Ảnh: NYT |
Vụ đánh bom liều chết ở Kunduz được cho là nhằm gây bất ổn cho Afghanistan và phá hoại quyền kiểm soát đất nước của Taliban. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã nhận trách nhiệm, nhưng điều đó càng tạo nên rào cản cho các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Taliban. Washington vốn xem IS là mối đe dọa khủng bố lớn nhất xuất phát từ Afghanistan.
Sau khi Taliban kiểm soát đất nước, Afghanistan vẫn chứng kiến nhiều vụ tấn công nhỏ lẻ và thủ phạm chính là IS. Trong đó, vụ đánh bom tại Kunduz gây thương vong lớn nhất, xảy ra trong lúc Afghanistan đối mặt với khủng hoảng kinh tế do các biện pháp trừng phạt của các nước, dẫn đầu là Mỹ, cụ thể là Washington đóng băng gần 9,5 tỷ USD tài sản của Ngân hàng trung ương Afghanistan nhằm ngăn Taliban tiếp cận.
Tuy nhiên, AP dẫn lời người đại diện Taliban giờ đây thông báo Mỹ sẽ cung cấp viện trợ nhân đạo cho công dân Afghanistan. Người đại diện này nói rằng, cuộc đàm phán giữa Taliban và Mỹ ở thủ đô Doha của Qatar đã đạt kết quả tốt đẹp. Washington đồng ý viện trợ nhân đạo cho Afghanistan nhưng không đồng nghĩa với việc chính thức công nhận chính quyền Taliban ở quốc gia Nam Á này.
Taliban giành quyền kiểm soát Afghanistan từ ngày 15-8 và thành lập chính phủ lâm thời. Chưa kịp ổn định được tình hình đất nước thì chính phủ Taliban phải xoay xở với các cuộc khủng hoảng kinh tế và nhân đạo. Hơn nữa, lực lượng này cũng muốn cộng đồng quốc tế công nhận chính phủ lâm thời. Song, Mỹ và các nước phương Tây tuyên bố chưa vội công nhận tính hợp pháp của chính quyền Taliban.
Cuộc đàm phán trực tiếp giữa Mỹ và Taliban trong hai ngày cuối tuần qua được cho nhằm tìm kiếm một trang mới cho Afghanistan. Phía Taliban muốn Mỹ dỡ bỏ phong tỏa đối với các khoản dự trữ của Ngân hàng trung ương Afghanistan ở nước ngoài. Trong khi đó, phía Mỹ quan tâm đến các mối quan ngại an ninh và khủng bố, hành lang an toàn cho công dân Mỹ cũng như các nước khác và người dân Afghanistan, hay vấn đề nhân quyền, đặc biệt là sự tham gia của phụ nữ và trẻ em gái vào mọi mặt của xã hội Afghanistan.
Hãng tin AP dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price gọi các cuộc thảo luận nói trên ở Doha là “thẳng thắn và chuyên nghiệp”. Phía Mỹ cũng khẳng định sẽ đánh giá Taliban thông qua hành động chứ không qua lời nói.
Ông Bill Roggio, chuyên gia tại Viện Dân chủ Quốc phòng có trụ sở tại Washington, vốn theo dõi các nhóm chiến binh cho rằng, Taliban đã trải qua 20 năm để chống lại Mỹ nên tổ chức này không cần sự giúp đỡ của Mỹ để săn lùng và phá hủy các cơ sở của IS ở Afghanistan, còn được gọi là IS ở tỉnh Khorasan, hoặc ISKP. Hãng tin AP dẫn lời ông Roggio nhận định: Sự ủng hộ trong thời gian dài đối với Al-Qaeda khiến Taliban không còn là đối tác đáng tin cậy của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố. Taliban đã cho các phần tử Al-Qaeda ẩn náu trước khi xảy ra vụ tấn công 11-9-2001 khiến Afghanistan sa vào cuộc chiến do Mỹ phát động nhằm lật đổ Taliban.
Thêm vào đó, Taliban tái khẳng định cam kết sẽ không để lãnh thổ Afghanistan bị những phần tử cực đoan dùng làm nơi phát động tấn công các nước khác, nhưng lại loại trừ khả năng hợp tác với Washington để cùng tấn công IS. Vì vậy, theo giới quan sát, sẽ khó có một trang mới được mở ra từ các cuộc đàm phán Mỹ - Taliban, mặc dù Taliban tuyên bố đây là cuộc gặp “hiệu quả” và có những tín hiệu vui như Washington sẽ cung cấp vắc-xin ngừa Covid-19 cho người dân Afghanistan.
PHÚC NGUYÊN