Thỏa thuận 3 bên giữa Úc, Anh và Mỹ (viết tắt là AUKUS) không trực tiếp can thiệp vào mục đích cũng như phạm vi ảnh hưởng địa chính trị của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nhưng gây ra những bất đồng lớn giữa các thành viên khối này tại châu Âu.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) chào đón Thủ tướng Úc Scott Morrison trước Điện Élysée ở thủ đô Paris ngày 15-6-2021. Giờ đây, quan hệ Pháp - Úc đang căng thẳng vì thương vụ tàu ngầm. Ảnh: Reuters |
Tờ Financial Times dẫn lời giới quan sát cho rằng, AUKUS còn tiềm ẩn một số “xung lực” khác thúc đẩy những thay đổi không mong muốn tại châu Âu cũng như ở cấp độ toàn cầu trong các vấn đề về an ninh. Theo đó, các liên minh mới có thể sẽ xuất hiện.
Mỹ dần xa rời Pháp
Với châu Âu, những hệ quả từ AUKUS có thể không xuất hiện tức thời. Tuy nhiên, châu lục này không thể phớt lờ rằng 2 trong số những thành viên NATO quan trọng nhất về mặt quân sự - Mỹ và Anh - đã quyết định tham gia AUKUS.
Pháp bị ảnh hưởng nặng nhất khi Úc hủy bản hợp đồng trị giá gần 40 tỷ USD (về sau được định giá là 66 tỷ USD) đóng 12 chiếc tàu ngầm chạy bằng diesel để mua các tàu ngầm hạt nhân của Mỹ. Hãng tin AP cho biết, ngày 29-9, Đại sứ Pháp Philippe Etienne đã trở lại Mỹ để làm việc. Trong cuộc điện đàm mới đây giữa Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và người đồng cấp Mỹ Joe Biden, ông chủ Nhà Trắng nói rằng, lẽ ra Washington nên trao đổi hiệu quả hơn với đồng minh lâu năm của mình. Hai nhà lãnh đạo nhất trí giảm căng thẳng và cam kết thực thi tiến trình “tham vấn sâu rộng... nhằm bảo đảm sự tin cậy”...
Mỹ đã phát tín hiệu làm hòa và xoa dịu căng thẳng với Pháp, nhưng với việc gia nhập AUKUS, Washington đang dần xa rời Paris - một trong những đồng minh lâu đời nhất, cũng là một trong những thành viên NATO có tiềm lực quân sự mạnh nhất tại “lục địa già”. Thực tế, Pháp còn là một nhân tố quan trọng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, tức khu vực địa lý nằm trong vùng ảnh hưởng, tác động của AUKUS, khi Pháp có khoảng 1,6 triệu công dân đang sinh sống ở đây.
Trang Modern Diplomacy dẫn quan điểm của bà Lisdey Espinoza Pedraza, giảng viên Chính trị học và Quan hệ quốc tế tại Đại học Aberdeen, Scotland (Vương quốc Anh) rằng, AUKUS đã khởi động với một sai lầm ngoại giao nghiêm trọng khi không có Pháp trong thỏa thuận này. Mặc dù không quá muộn để “sửa sai”, vì việc đóng tàu ngầm hạt nhân cho Úc sẽ phải mất gần chục năm hoặc lâu hơn nữa, nhưng chuyên gia này nhận định không mấy khả năng Mỹ sẽ cân nhắc việc đưa thêm Pháp gia nhập AUKUS. Về phần mình, Paris hẳn không có nhiều động lực để tham gia với Anh, Mỹ và Úc trong một thỏa thuận mà họ đã cảm thấy “bị đâm sau lưng”.
Bên cạnh đó, AUKUS cũng sẽ khiến mối quan hệ giữa Mỹ với châu Âu, giữa Vương quốc Anh và châu Âu càng thêm nóng, lạnh thất thường. Những hy vọng hợp tác lúc này dường như nhạt đi nhiều. Hiện vẫn còn những thỏa thuận lớn, mạnh mẽ giữa Anh và Pháp như Hiệp ước Lancaster House, song cách mỗi quốc gia này lựa chọn triển khai tiếp theo trong chính sách đối ngoại của họ ở cả cấp độ riêng từng nước cũng như cấp độ châu lục, sẽ quyết định mức độ ảnh hưởng của AUKUS với EU và NATO. Thời điểm này, khi nước Đức đang bận rộn với cuộc tổng tuyển cử và phân “ngôi thứ” giữa các đảng để tìm ra nhà lãnh đạo mới, có vẻ như Pháp ở vị trí thuận lợi hơn để lĩnh xướng vai trò đưa EU tiến tới một trạng thái độc lập hơn trong giai đoạn hậu Merkel.
Chiến thắng cho nước Anh
Về mặt quân sự, AUKUS không đặt ra nguy cơ thực sự nào với Trung Quốc hay khu vực. Tuy nhiên, nó lại phát đi những tín hiệu về một cuộc chơi chiến lược mới giữa các bên tham gia. AUKUS tác động tích cực đến Vương quốc Anh khi nước này đã rời EU và London coi AUKUS như chiến thắng nhỏ của họ trước châu Âu, giúp quốc gia này dấn thêm bước nữa trong nỗ lực thoát khỏi những lệ thuộc vào liên minh cũ. AUKUS cũng sẽ giúp củng cố chính sách Nước Anh toàn cầu (Global Britain) mà London theo đuổi kể từ khi “chia tay” EU, cũng như giúp nước Anh tiếp tục khẳng định lại vị thế trong các vấn đề quốc tế.
Bên cạnh đó, với Anh, việc chính phủ của Tổng thống Joe Biden ủng hộ London tham gia AUKUS có nghĩa là Washington quyết định xích lại gần Anh, chứ không phải châu Âu, trong tầm nhìn chiến lược ứng phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Sau tất cả những vấn đề thuộc về quan hệ quốc tế, quan hệ địa chính trị, không thể không nói tới những nguy cơ chạy đua hạt nhân có thể được khởi lên từ AUKUS. Trước mắt, có thể Úc chưa có ý định phát triển vũ khí hạt nhân, nhưng thực tế thì những nước có tàu ngầm hạt nhân đều sở hữu vũ khí hạt nhân.
TRẦN ĐẮC LUÂN