Tăng độ bao phủ vắc-xin Covid-19 toàn cầu

.

Liên Hợp Quốc kêu gọi các quốc gia giàu trong nhóm những nước phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đưa ra cam kết “cả thế giới đều được tiêm chủng” khi nhóm họp thượng đỉnh ở thủ đô Rome của Ý vào cuối tháng này.

Tháng 8-2021, Niger tiếp nhận 302.400 liều vắc-xin ngừa Covid-19 của Hãng Johnson & Johnson từ  chương trình COVAX. 								     Ảnh: WHO
Tháng 8-2021, Niger tiếp nhận 302.400 liều vắc-xin ngừa Covid-19 của Hãng Johnson & Johnson từ chương trình COVAX. Ảnh: WHO

Một lần nữa vấn đề tiếp cận công bằng vắc-xin ngừa Covid-19 toàn cầu được đặt ra khi cả thế giới có tổng cộng 237,6 triệu ca mắc Covid-19 và 4,8 triệu ca tử vong, theo trang thống kê worldometers. Hồi tháng 9, các bộ trưởng y tế G20 đã thông qua Hiệp ước Rome, trong đó cam kết bảo đảm cho người dân trên toàn thế giới đều được tiếp cận vắc-xin ngừa Covid-19, đồng thời đặt mục tiêu tiêm chủng cho ít nhất 40% dân số toàn cầu vào cuối năm 2021. Giờ đây, AP cho biết, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres kêu gọi tài trợ 8 tỷ USD để tiêm chủng công bằng cho 40% dân số thế giới cho đến cuối năm nay.

Phát biểu với báo giới, ông Guterres nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc phân phối công bằng vắc-xin. “Nếu không có cách tiếp cận công bằng và được điều phối, việc giảm số ca nhiễm ở bất kỳ một quốc gia nào sẽ không được duy trì theo thời gian”, AP dẫn lời ông Guterres nói. Tổng Thư ký LHQ còn cho rằng, việc không phân phối công bằng vắc-xin ngừa Covid-19 “không chỉ là vấn đề vô đạo đức, mà còn là vấn đề ngu ngốc”.

Theo Reuters, ông Guterres đã có cuộc họp báo chung với Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 7-10. Hai ông nhắc lại mục tiêu tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho 40% dân số của mọi quốc gia vào cuối năm 2021 và 70% dân số của mọi quốc gia vào giữa năm 2022. “Sự bất bình đẳng về vắc-xin đang hỗ trợ Covid, khiến các biến thể sinh sôi và lây lan, có thể làm tăng thêm hàng triệu người thiệt mạng trên thế giới và kéo dài suy giảm kinh tế có thể gây thiệt hại hàng nghìn tỷ USD”, ông Guterres nói.

Hồi đầu năm nay, WHO đặt mục tiêu đến cuối tháng 9, mỗi nước trên thế giới tiêm chủng cho 10% dân số. Tuy nhiên, 56 nước không đạt được mục tiêu này, nguyên nhân là do sự bất bình đẳng về vắc-xin. Tổng Giám đốc WHO dẫn chứng, hiện hơn 6,3 tỷ liều vắc-xin đã được tiêm trên toàn cầu nhưng hơn một nửa dân số thế giới chưa được tiêm mũi nào. Đáng nói là chỉ gần 5% dân số châu Phi đã được tiêm chủng đầy đủ, trong khi các nước có thu nhập cao sử dụng tới 75% lượng vắc-xin ngừa Covid-19 được sản xuất. Với mong muốn thúc đẩy bao phủ vắc-xin, WHO kêu gọi các nước có tỷ lệ tiêm chủng cao chuyển những liều vắc-xin bổ sung tới COVAX (cơ chế phân bổ vắc-xin toàn cầu do WHO và các đối tác khởi xướng) và Quỹ mua lại vắc-xin châu Phi (AVAT) để phân phối tới những nơi cần hơn.

Những nước đứng đầu về tỷ lệ tiêm chủng hầu hết đều là những quốc gia tự chủ được nguồn cung vắc-xin hoặc có thu nhập cao như Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Nhật Bản, Anh, Israel... Các quan chức y tế của Ý - nước chủ nhà hội nghị G20 năm nay - cho rằng sự bất bình đẳng cao trong tiếp cận vắc-xin có thể đe dọa nỗ lực chống dịch toàn cầu trong lúc xuất hiện các biến thể mới của SARS-CoV-2. Tổng Giám đốc WHO Tedros cho hay: “Sản lượng vắc-xin toàn cầu hiện nay là gần 1,5 tỷ liều/tháng, đủ cung cấp để đạt mục tiêu (do WHO đề ra), miễn là vắc-xin được phân phối công bằng”.

Tính đến nay, theo Reuters, COVAX đã phân phối hơn 300 triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19, thấp hơn nhiều so với mục tiêu ban đầu là 2 tỷ liều trước thời điểm cuối năm 2021.

Mỹ vẫn chịu ảnh hưởng dịch bệnh nghiêm trọng nhất với tổng cộng hơn 45 triệu ca nhiễm và 730.000 ca tử vong. Số ca nhiễm mới và tử vong ở cường quốc này được ghi nhận vào ngày 7-10 ở mức cao nhất thế giới, lần lượt hơn 99.700 ca và 1.600 ca. Hãng tin AP cho biết, trong lúc nước Mỹ đối mặt với làn sóng dịch mới do biến thể Delta, Tổng thống Joe Biden yêu cầu tiêm vắc-xin bắt buộc là điều cần thiết và là công cụ hiệu quả nhằm chấm dứt đại dịch.

VĨNH AN

;
;
.
.
.
.
.