Hội nghị thượng đỉnh G-20 tổ chức tại Italy và tình hình dịch Covid-19 nghiêm trọng tại Đông Âu là những vấn đề quốc tế được quan tâm hàng đầu trong tuần qua.
Biến đổi khí hậu, Covid-19 "chiếm lĩnh" hội nghị thượng đỉnh G-20
Nhiều lãnh đạo thế giới đã tề tựu tại Rome (Italy) vào cuối tuần này để dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). Nỗ lực giải quyết biến đổi khí hậu, tái xúc tiến kinh tế toàn cầu là những vấn đề được cho sẽ chiếm lĩnh trong các cuộc thảo luận.
Nhóm các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị G20 chụp ảnh chung. Ảnh: AFP |
Kênh DW (Đức) cho biết an ninh đã được tăng cường tại Rome với khoảng 6.000 cảnh sát túc trực, được hỗ trợ bởi 500 binh sĩ Italy. Ngoài ra, không phận qua Rome bị đóng. Hội nghị G20 kéo dài 2 ngày và khai mạc từ 30-10.
Ông Stewart M Patrick tại tổ chức phi lợi nhuận Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR) nhận định với kênh Al Jazeera: “Rõ ràng G20 có trọng tâm truyền thống là các vấn đề kinh tế vĩ mô nhưng an ninh sức khỏe thế giới và tình trạng ấm lên toàn cầu là những cản trở đối với thịnh vượng”.
G20 với các thành viên như Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Đức và Mỹ chiếm tới trên 80% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thế giới, 60% dân số toàn cầu và 80% lượng khí thải carbon.
Thủ tướng Đức Angela Merkel cùng Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Anh Boris Johnson tham dự trực tiếp hội nghị. Trong khi đó, một số lãnh đạo khác như Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình tham dự với hình thức trực tuyến.
Phát triển khai mạc hội nghị G20, Thủ tướng Italy Mario Draghi nêu rõ: “Ngay cả trước đại dịch Covid-19 chúng ta đã phải đối mặt với chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa đơn phương, chủ nghĩa dân tộc - nhưng càng vượt qua các thách thức, chúng ta càng thấy rõ rằng chủ nghĩa đa phương là câu trả lời tốt nhất cho những vấn đề đang phải đối mặt ngày nay. Theo nhiều cách, đó là câu trả lời khả dĩ duy nhất”.
Xuất hiện trong các cuộc đàm phán là áp lực phải đạt được tiến bộ trong việc giải quyết vấn đề ấm lên toàn cầu, trước thềm Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) quan trọng ở Glasgow (Scotland) vào tuần tới.
Thủ tướng Italy Mario Draghi kêu gọi thực hiện "cam kết của G20 về sự cần thiết phải hạn chế gia tăng nhiệt độ lên 1,5 độ C" so với mức tiền công nghiệp, đây được coi là mục tiêu tham vọng nhất được nêu trong Thỏa thuận Paris năm 2015 về biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, Trung Quốc, quốc gia chịu trách nhiệm cho hơn 1-4 tổng lượng khí thải carbon của thế giới, bị cáo buộc bỏ qua các lời kêu gọi ngừng xây dựng nhà máy nhiệt điện than mới. Bắc Kinh có kế hoạch đạt được mức độ trung hòa carbon vào năm 2060.
Trong khi đó, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đề nghị nước này cần được hỗ trợ chi phí cho việc bảo vệ rừng Amazon.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ngày 29-10 đã cảnh báo các lãnh đạo G20 cần thể hiện “nhiều hành động và quyết tâm hơn” để vượt qua sự nghi ngờ và đạt được các mục tiêu về khí hậu.
Tuy nhiên, Thủ tướng Anh Boris Johnson trước khi lên máy bay đến Rome đã chia sẻ với các phóng viên rằng cả hội nghị G20 và COP26 đều không thể ngăn chặn tình trạng ấm lên toàn cầu và “điều tốt nhất chúng ta có thể hy vọng là giảm tình trạng này".
Đại dịch Covid-19 cũng là một nội dung được quan tâm. Các lãnh đạo dự hội nghị dự kiến thảo luận về nỗ lực nhằm tăng tốc độ phục hồi kinh tế toàn cầu sau đại dịch Covid-19, giải quyết tình trạng giá năng lượng tăng cao và các nút thắt trong chuỗi cung ứng, vốn đã ảnh hưởng đến một số ngành công nghiệp chủ chốt trên toàn thế giới.
Các nhà lãnh đạo G20 cũng sẽ ký mức thuế tối thiểu toàn cầu là 15% đối với các công ty lớn, một thỏa thuận đã được hoàn tất vào đầu tháng này. Động thái này nhằm chấm dứt việc tối ưu thuế, trong đó các công ty đa quốc gia - bao gồm các tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ như Apple và Alphabet (công ty mẹ của Google) – “tạm trú lợi nhuận” ở các quốc gia có hệ thống thuế thấp.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đề nghị các nhà lãnh đạo G20 tăng nguồn cung vaccine phòng Covid-19 cho những nước nghèo nhất thế giới. Bên cạnh đó đảm bảo người tị nạn, người nhập cư… được tiếp cận với vaccine Covid-19. Đồng thời WHO khuyến khích G20 hỗ trợ các nước thu nhập thấp và trung bình chiến đấu chốn lại Covid-19 bằng “mọi phương tiện có sẵn”.
Dịch Covid-19 căng thẳng tại Đông Âu
Hãng thông tấn Reuters (Anh) ngày 24-10 đưa tin số ca mắc Covid-19 tại Đông Âu đã vượt con số 20 triệu người. Khu vực này đang trải qua làn sóng dịch Covid-19 nghiêm trọng trong khi tỷ lệ tiêm vaccine lại khá khiêm tốn so với toàn châu Âu. Chỉ chưa đầy 50% dân số Đông Âu đã tiêm ít nhất một liều vaccine Covid-19.
Nhân viên y tế vận chuyển thi thể một bệnh nhân tử vong vì Covid-19 tại Kiev, Ukraine. Ảnh: AP |
Trên 40% số ca mắc mới ở Đông Âu là công dân Nga. Mới chỉ có hơn 32% người dân Nga tiêm đủ 2 liều vaccine phòng Covid-19. Giới chức Nga không chủ trương phong tỏa nghiêm ngặt hoàn toàn nhưng áp dụng quy định đóng cửa các dịch vụ không thiết yếu ở Moskva từ 28-10 đến 7-11. Các cửa hàng bán lẻ, nhà hàng, cơ sở thể thao và giải trí đều đóng cửa, cùng với trường học và nhà trẻ. Chỉ các cửa hàng bán thực phẩm, hiệu thuốc và kinh doanh các nhu yếu phẩm khác mới được phép mở cửa.
Tổng thống Nga Vladimir Putin trước đó đã ban hành lệnh nghỉ có trả lương cho người lao động trên toàn quốc từ 30-10-7-11 nhằm ngăn chặn tình trạng lây lan dịch Covid-19.
Ukraine, quốc gia mới chỉ có 16,4% người dân tiêm đủ 2 liều vaccine phòng Covid-19 đã ghi nhận mức kỷ lục ca nhiễm trong ngày. Hãng thông tấn AP (Mỹ) cho biết Bộ Y tế Ukraine ngày 29-10 ghi nhận 26.870 ca mắc mới Covid-19 trong 24 giờ. Cùng ngày, Tổng thống Ukraine kêu gọi người dân nhanh chóng tiêm vaccine Covid-19.
Trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan Covid-19, các nhà chức trách Ukraine đã yêu cầu giáo viên, nhân viên chính phủ và những người lao động khác đến 8-11 phải tiêm phòng đầy đủ vaccine nếu không họ sẽ bị hoãn trả lương. Ngoài ra, khi lên máy bay, tàu hỏa và xe buýt đường dài tại Ukraine, hành khách cần phải có bằng chứng về việc đã tiêm vaccine Covid-19 hoặc xét nghiệm âm tính. Tại thủ đô Kiev, các nhà hàng, trung tâm mua sắm và phòng tập thể hình sẽ tạm ngưng hoạt động từ ngày 1-11.
Trong một diễn biến khác, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) ngày 29-10 đã phê duyệt sử dụng khẩn cấp vaccine Pfizer-BioNTech cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi. Đây là vaccine Covid-19 đầu tiên được chấp thuận ở Mỹ dành cho trẻ nhỏ. Điều này đồng nghĩa với việc 28 triệu trẻ em Mỹ sẽ được tiêm vaccine Covid-19 trong thời gian tới, trong đó có nhiều em dự kiến trở lại trường học để học trực tiếp. Pfizer và BioNTech tuyên bố của họ đạt 90,7% hiệu quả chống lại virus SARS-CoV-2 trong một thử nghiệm lâm sàng trên trẻ em từ 5 đến 11 tuổi.
Theo Báo Tin tức