Nguy cơ biến thể Omicron kéo lùi kinh tế thế giới

.

Mặc dù chưa thể hiểu rõ ngay mức độ nguy hiểm của biến thể mới Omicron của SARS-CoV-2, nhưng Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã đưa ra những dự báo không mấy lạc quan về tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong thời gian tới.

Người dân đi lại tại khu trung tâm mua sắm Ginza ở Tokyo (Nhật Bản) hôm 30-11. Giới chức Nhật Bản đã xác nhận ca thứ hai nhiễm biến thể Omicron. Ảnh: Reuters
Người dân đi lại tại khu trung tâm mua sắm Ginza ở Tokyo (Nhật Bản) hôm 30-11. Giới chức Nhật Bản đã xác nhận ca thứ hai nhiễm biến thể Omicron. Ảnh: Reuters

Theo báo The Guardian, các chuyên gia quan ngại rằng, những lo lắng liên quan tới biến thể Omicron có thể làm tình trạng khan hiếm hàng hóa toàn cầu căng thẳng hơn, lạm phát gia tăng và thậm chí có những khu vực sẽ rơi vào “vết xe đổ” của những khủng hoảng trong giai đoạn đầu tiên khi đại dịch bùng phát.

Lo quá khứ lặp lại

Chính phủ nhiều nước có thể sẽ phải tung ra các gói hỗ trợ tài chính khẩn cấp mới với doanh nghiệp và hộ gia đình nếu biến thể Omicron gây ra một cuộc suy thoái toàn cầu nữa, OECD chia sẻ những nhận định của tổ chức này trước diễn biến mới khó lường của Covid-19.

Những lo lắng, quan ngại gia tăng khi số ca mắc Omicron tiếp tục được ghi nhận thêm tại nhiều nước, trong đó có Mỹ. Hãng tin AP dẫn lời các chuyên gia OECD cho rằng, làn sóng dịch bệnh mới xuất hiện có thể làm bức tranh kinh tế thế giới ảm đạm thêm. Các ngân hàng trung ương đều đang đối mặt với nhiều sức ép. OECD tăng mức dự báo lạm phát trong năm 2022 lên 4,4%, cao hơn mức dự báo 3,9% mà họ đưa ra hồi tháng 9. Cũng theo dự đoán của OECD, các mức tăng lạm phát cao nhất là ở Mỹ và Anh (lần lượt là 3,1% và 4,4%) trong năm tới.

Trong kịch bản tệ nhất, nếu Omicron được chứng minh là chủng virus dễ lây lan hơn các chủng khác, hoặc có khả năng lẩn trốn hay kháng vắc-xin mạnh hơn những chủng đã biết, nó có thể khiến tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu nghiêm trọng và kéo dài thêm tình trạng lạm phát hiện nay.

Nếu Omicron có một bước chuyển nghiêm trọng hơn, tức giới khoa học chứng minh biển thể này thực sự nguy hiểm, chính phủ các nước sẽ phải áp đặt các hạn chế đi lại nghiêm ngặt hơn, gây ảnh hưởng lớn tới việc đáp ứng nhu cầu hàng hóa và dịch vụ toàn cầu, dẫn tới sự sụt giảm nhanh chóng các hoạt động kinh tế giống như giai đoạn trước đây của đại dịch.

Hai kịch bản cho kinh tế thế giới

Bà Laurence Boone, chuyên gia kinh tế trưởng của OECD cho rằng, có 2 kịch bản mà nền kinh tế thế giới đang đối mặt khi sự xuất hiện của Omicron làm tăng thêm bất trắc cho quá trình phục hồi kinh tế thế giới trong và sau đại dịch Covid-19. “Một là biến thể mới sẽ gây ra thêm những đứt gãy của chuỗi cung ứng và kéo dài tình trạng lạm phát ở mức cao hơn. Hai là tình huống trở nên nghiêm trọng hơn và chúng ta phải sử dụng nhiều hơn các quy định hạn chế di chuyển; khi đó, nhu cầu (hàng hóa/dịch vụ - PV) sẽ giảm và lạm phát cũng sẽ hạ xuống nhanh hơn nhiều so với mức mà chúng ta đang thấy”, bà Boone nói.

Cũng theo chuyên gia kinh tế trưởng của OECD, nếu biến thể Omicron thực sự nguy hiểm hơn những biến thể khác, các chính phủ nên vào cuộc để có những giải pháp hỗ trợ giảm nhẹ thiệt hại cho các doanh nghiệp và hộ gia đình. “Đó có thể là viễn cảnh mà chúng ta sẽ cần nhiều sự hỗ trợ tài chính hơn so với giai đoạn này”, bà Boone cho hay.

Công bố báo cáo về tầm nhìn kinh tế mới nhất ngày 1-12, OECD cho rằng, mặc dù thế giới đang tiếp tục phục hồi kể từ sau những đợt phong tỏa trước đây, nhưng đà phục hồi đã giảm bớt và bắt đầu tăng dần sự mất cân đối. Báo cáo cũng cho thấy, việc không thể bảo đảm chiến dịch tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19 nhanh và hiệu quả trên toàn cầu đã gây tốn kém ra sao, chưa kể các biến thể mới của SARS-CoV-2 liên tục xuất hiện tạo ra tâm lý bất an.

OECD dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm nay đạt 5,6% và năm sau khoảng 4,5%, sau đó sẽ giảm xuống còn 3,2% vào năm 2023 - mức gần với trước đại dịch.
 
Hãng AFP dẫn lời bà Laurence Boone, chuyên gia kinh tế trưởng của OECD chỉ ra một “nghịch lý” đáng suy nghĩ: Trong khi nhóm các nước phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã chi khoảng 7.500 tỷ USD để hỗ trợ khẩn cấp kể từ khi đại dịch bùng phát thì chỉ cần 50 tỷ USD là đủ để tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho dân số toàn thế giới. “Tin tức về biến thể Omicron thực sự là lời nhắc nhở cho thấy tầm nhìn ngắn hạn đã gây thất bại như thế nào. Chúng ta đang đổ tiền để hỗ trợ các nền kinh tế, nhưng chúng ta lại không tiêm vắc-xin cho toàn thế giới. Và kết quả là thế giới lúc này vẫn không tốt hơn”, bà Boone bình luận.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
;
.
.
.
.
.