Khủng hoảng Nga - Ukraine và câu chuyện khí đốt

.

Cuộc khủng hoảng chưa hạ nhiệt tại biên giới Ukraine được cho là đợt kiểm tra về mức độ lệ thuộc của châu Âu vào nguồn khí đốt của Nga và ngược lại là mức lệ thuộc của Nga với các khách hàng năng lượng ở “lục địa già”.

Kế hoạch ứng phó khẩn cấp của Liên minh châu Âu (EU) ưu tiên giải quyết mọi tình huống bị cắt giảm lượng nhập khẩu khí đốt từ Nga. Ảnh: Bloomberg
Kế hoạch ứng phó khẩn cấp của Liên minh châu Âu (EU) ưu tiên giải quyết mọi tình huống bị cắt giảm lượng nhập khẩu khí đốt từ Nga. Ảnh: Bloomberg

Trong bối cảnh khủng hoảng quan hệ giữa Nga và phương Tây tiếp tục lún sâu vì vấn đề Ukraine, mối quan hệ và sự lệ thuộc lẫn nhau lâu nay về năng lượng, đặc biệt là khí đốt, đã trở thành điều “mặc cả trọng yếu” với cả hai phía.

Viễn cảnh khôn lường

Nga kết nối với các thị trường năng lượng châu Âu thông qua một loạt hệ thống đường ống dẫn thiết yếu, trong đó lớn nhất là hệ thống đường ống đi qua Ukraine. Vấn đề này trở thành những điểm chính yếu để cả hai bên phải cân nhắc, xem xét trong những cuộc đàm phán tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng đang tăng ở biên giới Nga - Ukraine.

Theo Reuters, năm ngoái, lượng khí đốt xuất từ Nga sang châu Âu đi qua Ukraine đã giảm khoảng 25%. Tình trạng gián đoạn nguồn cung và giảm thêm có thể xảy ra giữa những diễn biến căng thẳng chưa hạ nhiệt tại biên giới hai nước. Moscow luôn bác bỏ cáo buộc của phương Tây cho rằng họ sẽ tấn công Ukraine. Song, nếu tình huống này xảy ra, châu Âu sẽ có rất ít lựa chọn thay thế để bù đắp khi nguồn cung khí đốt từ Nga bị ngắt.

Cuối tháng 1 vừa qua, Công ty S&P Global Platts Analytics - đơn vị độc lập chuyên cung cấp thông tin, các mức giá tiêu chuẩn và phân tích cho các thị trường năng lượng và hàng hóa tại London (Anh) - nhận định viễn cảnh tạm ngưng hoàn toàn nguồn khí đốt của Nga vào châu Âu là “không có khả năng xảy ra”.

Tuy nhiên, tổ chức này nhấn mạnh, ngay cả sự gián đoạn nhỏ trong bối cảnh tình trạng thiếu hụt dự trữ khí đốt toàn cầu giai đoạn hậu đại dịch Covid-19 và giá cả tăng chóng mặt cũng sẽ gây tổn hại cực lớn cho các thị trường năng lượng châu Âu cũng như người tiêu dùng. Những gián đoạn, đứt gãy xảy ra tại bất cứ đâu trong 4 đường ống dẫn khí đốt Nord Stream, Yamal, Ukraine và Turkstream, cùng sự chậm trễ trong việc cấp giấy phép hoạt động cho tuyến đường ống Nord Stream 2, có thể đẩy châu Âu vào một cuộc khủng hoảng năng lượng.

“Vì ta cần nhau”

Thực tế, ngay trong mùa đông khắc nghiệt đang diễn ra tại châu Âu, giá năng lượng đã tăng vọt do lượng dự trữ khí đốt thấp, lượng khí đốt hóa lỏng tự nhiên được giao hàng ít hơn mức bình thường và những trục trặc về cơ sở hạ tầng. Vì vậy, các gián đoạn nguồn nhập khẩu năng lượng sẽ gây thêm rắc rối cho châu Âu, nhất là khi “lục địa già” đang ở giai đoạn chuyển đổi sang năng lượng tái tạo và vẫn còn phụ thuộc nhiều vào các nguồn cung bên ngoài. Dữ liệu tổng thể và đầy đủ của năm 2019 cho thấy, khoảng 60% tổng nhu cầu năng lượng của châu Âu đến từ nhập khẩu, trong khi năm 2000 mức này là 56%.

Trong hai nguồn năng lượng chính châu Âu cần là dầu và khí đốt, Liên minh châu Âu (EU) phụ thuộc chủ yếu vào khí đốt tự nhiên của Nga. Mức độ phụ thuộc này tăng ổn định theo thời gian khi châu Âu giảm dần sử dụng than đá.

Với trữ lượng khí đốt dồi dào và mạng lưới đường ống dẫn quy mô khổng lồ hiện có, không ngạc nhiên khi Nga chiếm ưu thế trong thị trường khí đốt EU với khoảng 38% tổng nguồn cung. Nhà cung cấp khí đốt tự nhiên lớn thứ hai tại EU sau Nga là Na Uy chỉ chiếm 19%.

Sự phụ thuộc lẫn nhau giữa châu Âu và Nga chắc chắn sẽ còn sâu sắc hơn sau khi hệ thống Nord Stream 2 đi vào hoạt động chính thức. Lúc ấy, nguồn cung trực tiếp khí đốt tự nhiên từ Nga tới Đức qua biển Baltic sẽ tăng gấp đôi. Vì thế, trong cuộc khủng hoảng tại biên giới Ukraine hiện nay, số phận của dự án Nord Stream 2 đang là vấn đề mặc cả chính của Mỹ và châu Âu với Nga trên bàn đàm phán.

Thực tế, cả Nga lẫn châu Âu thời gian qua đã có nhiều động thái nỗ lực đa dạng hóa các thị trường năng lượng để phòng tình huống xung đột. Nga đã đồng ý bản hợp đồng 30 năm cung cấp khí đốt cho Trung Quốc qua một đường ống mới, củng cố quan hệ đồng minh năng lượng với Bắc Kinh trong lúc căng thẳng với phương Tây.

TRẦN ĐẮC LUÂN

Mỹ - Nga có thể gặp thượng đỉnh

Hãng tin Reuters dẫn thông cáo từ Văn phòng của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chấp nhận về mặt nguyên tắc tiến hành hội đàm thượng đỉnh với điều kiện không có hành động quân sự giữa Moscow và Kiev. Nhà Trắng đã xác nhận thông tin này.

Chính Tổng thống Pháp đưa ra đề xuất về hội nghị thượng đỉnh nói trên khi điện đàm riêng rẽ với những người đồng cấp Nga và Mỹ. Nội dung cuộc gặp thượng đỉnh sẽ được Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov thảo luận trong cuộc họp vào ngày 24-2.

THIÊN BÌNH

;
;
.
.
.
.