Cơ hội để chấm dứt xung đột Nga - Ukraine

.

Tổng thống Vladimir Putin khẳng định chiến dịch đặc biệt của Nga ở Ukraine sẽ chỉ dừng lại nếu Kiev ngừng hành động quân sự và đáp ứng các yêu cầu của Moscow. Phía Nga cũng hy vọng các vòng đàm phán tiếp theo sẽ đạt được nhiều tiến bộ.

Khoảng 5.000 người đã rời khỏi thành phố Sumy, phía đông bắc Ukraine ngày 8-3.  Ảnh: Anadolu/Getty Images
Khoảng 5.000 người đã rời khỏi thành phố Sumy, phía đông bắc Ukraine ngày 8-3. Ảnh: Anadolu/Getty Images

Trong lúc một số nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Israel, Hungary, Trung Quốc, đề nghị làm trung gian hòa giải căng thẳng giữa Nga và Ukraine, chiến dịch quân sự đặc biệt của Moscow ở quốc gia láng giềng vẫn diễn ra với vòng luẩn quẩn giữa đánh và đàm. Hãng tin Reuters cho biết, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nêu các điều kiện để dừng cuộc xung đột ở Ukraine.

Cụ thể, ông Putin khẳng định, chiến dịch của Nga sẽ chỉ dừng lại nếu Ukraine ngừng hành động quân sự và đáp ứng các yêu cầu của Nga vốn được nhiều người biết đến. Nhà lãnh đạo Điện Kremlin bảo đảm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ rằng, Nga sẵn sàng đối thoại với phía Ukraine cũng như với các đối tác nước ngoài nhằm tìm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột. Ông Putin nhấn mạnh, quân đội Nga làm mọi thứ có thể để bảo vệ mạng sống của dân thường và chỉ thực hiện các cuộc tấn công vào các cơ sở quân sự của Ukraine.

Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hồi cuối tháng 2, Tổng thống Putin cũng đã nêu điều kiện “tháo ngòi” xung đột Nga - Ukraine. Ông Putin nói rằng, một giải pháp chỉ có thể đạt được khi “các lợi ích an ninh hợp pháp của Nga được tính đến vô điều kiện”, bao gồm việc công nhận chủ quyền của Nga đối với Crimea, hoàn thành mục tiêu phi quân sự hóa Ukraine và bảo đảm vị thế trung lập của quốc gia từng thuộc Liên Xô cũ này.

Ngày 9-3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova một lần nữa khẳng định mục tiêu của Moscow là Ukraine có vị thế trung lập và Nga không có ý định lật đổ chính quyền Kiev. Hãng tin Reuters dẫn lời nhà ngoại giao này bày tỏ hy vọng các vòng đàm phán tiếp theo sẽ đạt được nhiều tiến bộ đáng kể.

Trong lúc đó, theo hãng thông tấn TASS của Nga, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng kêu gọi Tổng thống Putin bắt đầu đàm phán và thiết lập đối thoại. Ông Zelensky nói rằng không còn mặn mà với việc gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sau khi nhận ra liên minh này không sẵn sàng để kết nạp Ukraine.

Nga luôn coi xu hướng mở rộng về phía đông của NATO là mối đe dọa an ninh và xem việc nước láng giềng Ukraine gia nhập liên minh quân sự này là “lằn ranh đỏ”. Còn Ukraine đã nhiều lần bày tỏ mong muốn gia nhập NATO, thậm chí đưa mục tiêu trở thành thành viên NATO vào Hiến pháp sửa đổi năm 2019.

Tháng 3-2018, NATO từng trao cho Ukraine quy chế quốc gia có nguyện vọng gia nhập liên minh - bước đầu tiên dọn đường cho việc một quốc gia gia nhập khối. Tuy nhiên, để trở thành thành viên NATO, Ukraine buộc phải đạt được một loạt tiêu chí và việc thực hiện những tiêu chí này mất nhiều thời gian.

Liên quan các hành lang nhân đạo ở Ukraine, ngày 9-3, Moscow và Kiev thống nhất lệnh ngừng bắn kéo dài một ngày xung quanh một loạt hành lang sơ tán để cho phép dân thường thoát khỏi cuộc giao tranh. Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk cho biết, Moscow cam kết tôn trọng thỏa thuận ngừng bắn từ 9-21 giờ ngày 9-3 (giờ địa phương) xung quanh 6 khu vực bị ảnh hưởng giao tranh nặng nề, trong đó có cả các khu vực gần thủ đô Kiev, thành phố Zaporizhzhia ở miền nam và một số vùng ở đông bắc Ukraine.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.