Thế giới tuần qua: EU quyết giảm phụ thuộc năng lượng Nga; Tai nạn máy bay nghiêm trọng tại Trung Quốc

.

Hội nghị thượng đỉnh EU và các cuộc gặp cấp cao G7, NATO bàn về khủng hoảng Ukraine cùng với vụ tai nạn hàng không nghiêm trọng tại Trung Quốc thu hút nhiều sự chú ý của truyền thông và dư luận trong tuần.

Phương Tây cam kết hỗ trợ Ukraine, giảm dần phụ thuộc năng lượng từ Nga

Toàn cảnh Hội nghị Hội đồng châu Âu ở Brussels, Bỉ ngày 24-3-2022. Ảnh: THX/TTXVN
Toàn cảnh Hội nghị Hội đồng châu Âu ở Brussels, Bỉ ngày 24-3-2022. Ảnh: THX/TTXVN

Xung đột tại Ukraine, hợp tác xuyên Đại Tây Dương, vấn đề năng lượng, an ninh quốc phòng là những chủ đề nội bật tại Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) và các cuộc gặp liên quan như Hội nghị nhóm G7 (7 nước công nghiệp phát triển), Hội nghị những người đứng đầu Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) diễn ra đan xen từ 24 và 25-3 tại thủ đô Brussels, Bỉ.

Trong thông cáo chung đưa ra sau cuộc họp hai ngày của EU có sự hiện diện của Tổng thống Mỹ Joe Biden, các nhà lãnh đạo khẳng định Mỹ, EU sẽ sát cánh cùng chính phủ và người dân Ukraine trong cuộc chiến với Nga. Hội đồng châu Âu tái khẳng định tuyên bố Versailles, ghi nhận xu thế hội nhập châu Âu của Ukraine, như đã thể hiện trong Thỏa thuận liên kết được ký năm 2014. Mỹ cùng châu Âu sẽ tiếp tục hỗ trợ chính trị, tài chính, nhân đạo cho Ukraine.

Lãnh đạo NATO và nhóm G7 ra tuyên bố kêu gọi chấm dứt xung đột ở Ukraine, nhất là trách nhiệm từ phía Nga. Giới lãnh đạo Mỹ và EU khẳng định quyết tâm sẵn sàng buộc Nga phải gánh chịu hệ quả nặng nề thông qua thực thi và siết chặt thêm một các biện pháp trừng phạt về kinh tế tài chính, cam kết tăng cường giám sát việc tuân thủ của các chính phủ nước ngoài trong hợp tác, kinh doanh với Nga.

Về quân sự, hội nghị thượng đỉnh bất thường của NATO quyết định thiết lập thêm lực lượng chiến đấu đa quốc gia đóng trú tại bốn nước thành viên Bulgaria, Hungary, Romania và Slovakia. Quân số của các nhóm này được dự báo sẽ còn tăng thêm, trong đó nổi bật nhất là lực lượng ở Ba Lan - quốc gia giáp Ukraine. Lãnh đạo NATO cũng khẳng định quyết tâm kích hoạt kế hoạch phòng thủ, triển khai 40.000 quân tăng cường cho sườn phía đông.

Kết quả nổi bật nhất trong một loạt các kỳ họp lần này chính là hợp tác năng lượng, theo hướng giảm phu thuộc tiến tới từ bỏ dầu mỏ, khí đốt và than nhập khẩu của Nga. Mỹ và EU ngày 25-3 đã công bố thỏa thuận cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG). Theo sáng kiến do Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen công bố, hai bên sẽ thành lập một lực lượng đặc trách về an ninh năng lượng do đại diện của Nhà Trắng và đại diện của Chủ tịch EC điều hành.

Ủy ban này sẽ chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh năng lượng cho Ukraine và EU nhằm chuẩn bị cho mùa Đông tới và giai đoạn sau đó, đồng thời hỗ trợ EU đạt mục tiêu chấm dứt phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga. Cụ thể, trong năm nay, Mỹ sẽ cung cấp thêm cho EU 15 tỷ m3 LNG. Lực lượng này cũng sẽ phối hợp với các nước thành viên EU để hướng tới mục tiêu từ nay cho đến năm 2030, Washington cung cấp thêm cho khối 50 tỷ m3 LNG/năm.

Hiện các nước thành viên EU vẫn bất đồng về áp lệnh cấm nhập khẩu năng lượng từ Nga. Tuy nhiên, cũng đã có những diễn biến mới, nổi bật là việc Đức tuyên bố sẵn sàng giảm 50% lượng dầu mỏ nhập khẩu của Nga từ mùa Hè này và ngừng nhập khẩu than đá của Nga vào mùa Thu năm nay. EU cũng đã công bố các kế hoạch tham vọng nhằm giảm 70% nhập khẩu năng lượng từ Nga trong năm nay.

Về phần mình, Nga cũng đưa ra những tuyên bố đáp trả Mỹ và EU. Phó chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia Nga Dmitry Medvedev khẳng định sẽ là sai lầm nếu tin rằng các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga sẽ làm suy yếu chính quyền Moskva. Ngược lại, những trừng phạt này sẽ chỉ củng cố đoàn kết trong xã hội Nga.

Cùng ngày, Cục trưởng Cục Tác chiến Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga Sergei Rudskoy nói rằng việc phương Tây hỗ trợ, đưa vũ khí vào Ukraine là một sai lầm lớn. Theo ông, bước can thiệp này chỉ làm kéo dài xung đột, tăng thương vong mà không thay đổi mục đích, kết quả chiến dịch quân sự của Nga.

Tai nạn hàng không nghiêm trọng nhất tại Trung Quốc một thập kỉ qua

Hiện trường vụ rơi máy bay của hãng hàng không China Eastern Airlines ở Quảng Tây, Trung Quốc, ngày 21-3-2022. Ảnh: THX/TTXVN
Hiện trường vụ rơi máy bay của hãng hàng không China Eastern Airlines ở Quảng Tây, Trung Quốc, ngày 21-3-2022. Ảnh: THX/TTXVN

Chiều ngày 21-3, chiếc Boeing 737 mang số hiệu MU5735 khởi hành từ thành phố Côn Minh tỉnh Vân Nam đến thành phố Quảng Châu - thủ phủ tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc đã mất liên lạc khi bay qua thành phố Ngô Châu thuộc tỉnh Quảng Tây. Máy bay của hãng China Eastern Airlines này sau đó được xác định đã đâm xuống vùng núi ở Quảng Tây.  Vào thời điểm xảy ra tai nạn, trên máy bay có 132 người, bao gồm 123 hành khách và 9 thành viên phi hành đoàn.

Ngay sau khi có thông tin xác thực, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chỉ đạo ưu tiên tối đa cho công tác tìm kiếm và cứu nạn, lệnh cho cơ quan chức năng lập tức triển khai ứng phó khẩn cấp, dốc toàn lực cho hoạt động tìm kiếm và cứu nạn, nhanh chóng mở cuộc điều tra về vụ việc nhằm xác định nguyên nhân gây tai nạn.

Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc (CAAC) thông báo đã kích hoạt cơ chế khẩn cấp và cử đội công tác đến hiện trường rơi máy bay, không ngừng mở rộng khu vực tìm kiếm. Theo CAAC, chuyến bay MU5735 từ Côn Minh đến Quảng Châu đã lao gần như thẳng đứng xuống sườn núi ở huyện Đằng, thành phố Ngô Châu, tỉnh Quảng Tây mà không có cuộc gọi khẩn cấp nào từ phi công. Cơ quan chức năng cũng cho biết thời tiết tại thời điểm máy bay gặp nạn hoàn toàn bình thường.

Theo trang Flightradar24 theo dõi các chuyến bay, chiếc máy bay bị rơi mới hoạt động khoảng 6 năm. Hệ thống theo dõi hành trình bay ghi nhận tín hiệu chiếc máy lần cuối vào lúc 14h22' (giờ địa phương) ở độ cao hơn 983 m, với vận tốc hơn 696 km/h. Vụ tai nạn được xem là thảm họa hàng không tồi tệ nhất của Trung Quốc trong gần một thập kỷ trở lại đây.

Đến thời điểm hiện tại, lực lượng cứu hộ đã phát hiện được hơn 180 mảnh cùng hàng chục vật dụng cá nhân tại hiện trường. Hai hộp đen của máy bay cũng đã được tìm thấy trong ngày 23 và 25-3. Đây là yếu tố quan trọng giúp đẩy nhanh tiến trình điều tra, làm rõ nguyên nhân khiến máy bay gặp nạn.

Văn phòng đại diện Boeing tại Trung Quốc cho biết tập đoàn này đang hợp tác với hãng hàng không China Eastern Airlines và sẵn sàng cử nhóm chuyên gia kỹ thuật hỗ trợ CAAC điều tra vụ tai nạn. Ủy ban An toàn giao thông quốc gia (NTSB) của Mỹ cũng đã chỉ định một điều tra viên an toàn hàng không cấp cao làm đại diện của Mỹ điều tra vụ tai nạn máy bay Boeing 737.

Boeing 737 được coi là “ngựa thồ” của bầu trời. Trong khoảng thời gian từ năm 1998-2020, Boeing đã đưa ra thị trường gần 5.000 máy bay này, nhiều hơn bất kỳ máy bay thương mại nào khác của hãng. Cùng với 737 Max, Boeing 737 được các hãng hàng không đặc biệt quan tâm nhờ khả năng chở khách cũng như tầm bay.

Theo thống kê, Boeing 737-800 NG chiếm 17% trong tổng số đội tàu bay khoảng 25.000 chiếc trên toàn cầu. Trung Quốc là nơi tiêu thụ nhiều nhất dòng máy bay thương mại này, với 1.200 chiếc, kế đến là châu Âu - gần 1.000 chiếc và Mỹ khoảng 800 chiếc. Trung Quốc cũng là thị trường lớn thứ hai của Boeing, sau Mỹ.

Theo Báo Tin Tức

;
;
.
.
.
.
.