Nga, Iran phản đối chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria

.

Thổ Nhĩ Kỳ đã thất bại trong việc thu hút sự ủng hộ của Nga và Iran cho một cuộc can thiệp quân sự mới nhằm vào lực lượng người Kurd ở Syria.

Lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ ở miền Bắc Syria. Ảnh: AA
Lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ ở miền Bắc Syria. Ảnh: AA

Tại cuộc họp mới đây nhất của Nhóm Astana (Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Iran) về vấn đề Syria, Nga và Iran đã tìm cách xoa dịu Thổ Nhĩ Kỳ, bằng cách bác bỏ quyền tự trị do người Kurd lãnh đạo ở miền Bắc Syria trong một tuyên bố chung.

Tuy nhiên, sau cuộc họp, Đặc phái viên Nga về Syria Alexander Lavrentyev cho biết ông đã kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ không tiến hành một chiến dịch quân sự mới nhằm vào các chiến binh người Kurd ở miền Bắc Syria vì nó có thể dẫn tới leo thang hơn nữa tình hình ở quốc gia vốn bị xung đột tàn phá nặng nề này.

"Quyết định cuối cùng về chiến dịch này vẫn chưa được đưa ra và do đó, chúng tôi đã kêu gọi các đối tác Thổ Nhĩ Kỳ kiềm chế hành động quân sự như vậy trên đất Syria. Điều này có thể làm tình hình leo thang hơn nữa và đặc biệt là dẫn đến một cuộc đối đầu vũ trang", ông Lavrentyev nói, lưu ý chiến dịch quân sự mới sẽ không giải quyết được đầy đủ các vấn đề an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ.

Về phần mình, Ali Asghar Khaji, trưởng phái đoàn Iran, nhấn mạnh "toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Syria là không thể bị xâm phạm” trong cuộc họp với phái đoàn Thổ Nhĩ Kỳ, theo Bộ Ngoại giao Iran.

Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Syria Ayman Sousan, người dẫn đầu phái đoàn Syria, kêu gọi Liên hợp quốc "kiềm chế các chính sách gây hấn của Ankara". Đáp lại, người phát ngôn của Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết ủng hộ chủ quyền của Syria và phản đối các động thái leo thang mới ở nước này.

Tại cuộc hội đàm riêng với phái đoàn Nga, nhà ngoại giao Syria đã bác bỏ các luận điểm của Thổ Nhĩ Kỳ về chiến dịch quân sự mới ở lãnh thổ Syria, cho rằng chúng được thiết kế để "bành trướng" và "người dân Syria sẽ quyết tâm bảo vệ đất nước". 

Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đã tổ chức vòng đàm phán Astana lần thứ 18 tại thủ đô Nur-Sultan của Kazakhstan trong hai ngày, cùng với đại diện của chính phủ và phe đối lập của Syria. Trong khi chương trình nghị sự tập trung vào các chủ đề như sự trở lại của người tị nạn Syria, tình hình nhân đạo và kinh tế ở Syria, các biện pháp thúc đẩy lòng tin hướng tới một giải pháp chính trị, vấn đề liên quan đến các mối đe dọa của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm giành quyền kiểm soát lãnh thổ do người Kurd nắm giữ cũng được thảo luận.

Theo Báo Tin tức

;
;
.
.
.
.
.