Xung đột Nga-Ukraine tác động mạnh tới kinh tế châu Âu

.

Xung đột ở Ukraine tiếp tục gây ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế châu Âu khi đẩy chi phí sinh hoạt tăng cao.

Ảnh minh họa: AFP
Ảnh minh họa: AFP

Các nền kinh tế EU và khu vực đồng euro (Eurozone) từng trên đà phục hồi mạnh mẽ và tăng trưởng sau khi đại dịch COVID-19 dần được kiểm soát, nhưng EU mới đây đã buộc phải cắt giảm dự báo tăng trưởng và tăng dự báo lạm phát do cuộc xung đột ở Ukraine.

Một đợt tăng giá năng lượng mới đang khiến lạm phát tăng cao kỷ lục ở châu Âu.

Ukraine và Nga sản xuất gần một phần ba lúa mì và lúa mạch của thế giới và là những nước xuất khẩu kim loại lớn. Gián đoạn các chuỗi cung ứng này cũng như chi phí tăng đối với nhiều nguyên liệu thô đã đẩy giá thực phẩm và các hàng hóa và dịch vụ cơ bản khác lên cao.

Điều này gây căng thẳng cho các doanh nghiệp và giảm thu nhập của người tiêu dùng. Do đó, EU đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế: Tăng trưởng GDP thực tế ở cả EU và khu vực đồng euro hiện dự kiến ​​đạt 2,7% vào năm 2022 và 2,3% vào năm 2023, giảm từ 4,0% và 2,8% tương ứng, theo dự báo tạm thời mùa Đông 2022.

Lạm phát - được dự báo ở mức 3,9% chỉ vài tháng trước - hiện được dự đoán là trung bình ở mức 6,8%.

Năm 2021, EU đã nhập khẩu cáp từ Ukraine trị giá 760 triệu euro. Hầu hết trong số đó phục vụ cho ngành xe hơi và cả lĩnh vực hàng không vũ trụ. Tuy nhiên, xung đột Nga-Ukraine đã khiến toàn bộ chuỗi cung ứng bị đảo lộn. Ví dụ, nhà máy tên lửa Rocket Factor Augsburg (RFA) của Đức đã không nhận được nguồn cung cấp trực tiếp từ Ukraine kể từ khi xung đột nổ ra.

Người đồng sáng lập của RFA, Jörn Spurmann, mô tả sự gián đoạn đang gây ra hậu quả nghiêm trọng: "Các nhà cung cấp của chúng tôi gặp khó khăn trong nhập một số sản phẩm. Chúng tôi thấy giá dịch vụ vận chuyển tăng do tình trạng thiếu container, hy vọng đây chỉ là vấn đề tạm thời. Chúng tôi thấy giá năng lượng cũng tăng rõ ràng. Hy vọng cũng chỉ là hiệu ứng tạm thời. Nhưng thực tế chúng đang ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của chúng tôi".

Ngành hàng không vũ trụ không phải là lĩnh vực duy nhất bị ảnh hưởng do gián đoạn chuỗi cung ứng này. Sau hai năm đại dịch Covid-19, triển vọng phục hồi kinh tế có thể ảm đạm trong bối cảnh người dân ở châu Âu cảm thấy khó khăn do chi phí sinh hoạt tăng cao.

Khi tăng trưởng chững lại và giá cả tăng lên, EU hy vọng rằng kế hoạch phục hồi đại dịch 800 tỷ euro của họ sẽ giúp kiềm chế tình hình. Nhưng tình trạng kinh tế bấp bênh có thể sẽ vẫn tồn tại trong những tuần và tháng tới khi cuộc xung đột ở Ukraine kéo dài.

Xung đột đang làm tổn thương một số nền kinh tế EU nhiều hơn những nền kinh tế khác. Dự báo tăng trưởng của Đức là một trong những con số thấp nhất ở châu Âu với 1,6%. Tập đoàn Mittelstand của Đức, hay các công ty quy mô trung bình, là xương sống kinh tế của nước này. Nhưng hệ sinh thái của các công ty Đức cũng phụ thuộc nhiều vào các nước láng giềng, trong đó có cả Ukraine.

Ủy ban châu Âu đã dự báo tỷ lệ lạm phát ở Đức là 6,5% trong năm nay - mức cao kỷ lục kể từ khi nước này thống nhất vào năm 1990. Joachim Schallmayer, người đứng đầu chiến lược và thị trường vốn tại ngân hàng Dekabank cho biết những áp lực về giá đang ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng.

Đánh giá về tình hình bất ổn kinh tế hiện nay ở châu Âu, Maria Demertzis, nhà kinh tế học và là Phó Giám đốc của tổ chức tư vấn Bruegel có trụ sở tại Brussels nhận định, cuộc xung đột ở Ukraine đã làn thay đổi cơ bản triển vọng kinh tế của châu Âu và trầm trọng hơn các vấn đề kinh tế trước đó, đặc biệt là lạm phát.

"Tình trạng lạm phát này là do ảnh hưởng từ lĩnh vực năng lượng của Nga. Nó ảnh hưởng đến châu Âu nhiều hơn so với Mỹ bởi vì EU phụ thuộc vào Nga nhiều hơn. Giải quyết vấn đề này sẽ phụ thuộc vào kết quả của cuộc xung đột và tốc độ tìm kiếm các giải pháp thay thế ở châu Âu", bà Maria Demertzis kết luận.

Theo Báo Tin tức

;
;
.
.
.
.
.