Tổng thống Mỹ Joe Biden có chuyến công du Trung Đông từ ngày 13 đến 16-7 với hàng loạt vấn đề đáng chú ý cần thương thảo với các đối tác. Liệu người đứng đầu Nhà Trắng có tạo bước đột phá trong xoay chuyển chính sách ở Trung Đông hay không vẫn là điều còn bỏ ngỏ trong bối cảnh Washington chưa tạo dấu ấn nổi bật tại khu vực có ảnh hưởng đến lợi ích chiến lược của mình.
Trong chuyến thăm Trung Đông, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ chú trọng vào việc tăng cường phối hợp giữa Israel và các quốc gia Arab để giải quyết những thách thức chung. Ảnh: Reuters |
Theo hãng tin AP, đây là chuyến đi đầu tiên tới Trung Đông của Tổng thống Biden sau 18 tháng kể từ khi lên nắm quyền. Điểm dừng chân đầu tiên của ông Biden là Israel, tiếp đến là Bờ Tây và Saudi Arabia. Chuyến đi này là tín hiệu cho thấy Mỹ đang đánh giá lại vai trò của mình trong khu vực vào thời điểm mà Washington dường như đang “xoay trục” sang châu Âu và châu Á.
Kỳ vọng về “Liên minh phòng không Trung Đông”
Theo hãng tin AP, xét về mục tiêu trong chuyến thăm lần này, bên cạnh nỗ lực cải thiện quan hệ với Saudi Arabia, Tổng thống Biden phải giải quyết hàng hoạt “bài toán” hóc búa ở nhiều khía cạnh, gồm kêu gọi tăng nguồn cung dầu mỏ trên thị trường toàn cầu, đẩy Israel “xích” lại gần hơn với các quốc gia Arab, gỡ “nút thắt” giữa Israel - Palestine…
Theo lịch trình, Tổng thống Biden sẽ có cuộc gặp Quốc vương Saudi Arabia Salman và Thái tử Mohammed bin Salman. Theo The Washington Post, chuyến thăm Saudi Arabia tạo cơ hội để nhà lãnh đạo Mỹ “định hướng lại và không phá vỡ” quan hệ với một quốc gia đã là đối tác chiến lược của Washington suốt 80 năm và có tầm ảnh hưởng quan trọng trong khu vực.
Một điểm nhấn đáng chú ý khác trong chuyến công cán này là chuyển động quyết liệt của Washington cho mục tiêu thành lập “Thỏa thuận liên minh phòng không Trung Đông” nhằm răn đe Iran, với sự tham dự của Israel và các quốc gia Arab. Đây là tính toán dài hơi của Mỹ có khả năng dẫn tới thay đổi đáng kể cục diện và tương quan lực lượng ở khu vực sau nhiều biến cố. Theo giới quan sát, kế hoạch này không hẳn là không khả thi bởi Israel đã đạt bước tiến bình thường hóa quan hệ với Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Bahrain hồi năm 2020. Hơn nữa, Saudi Arabia hay UAE thời gian qua luôn trong trạng thái bất an bởi các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái mà Iran bị cáo buộc đứng đằng sau hậu thuẫn.
Đánh giá về chuyến thăm, Natan Sachs, Giám đốc Trung tâm Chính sách Trung Đông tại Viện Brookings (Mỹ), cho rằng: “Chính quyền ông Biden rõ ràng muốn tham gia vào đối tác hợp tác quốc phòng Arab-Israel, đặc biệt là chống lại các phương tiện không người lái của Iran và do Tehran hậu thuẫn. Đó là sự thay đổi đáng kể trong quan điểm của Washington về một Trung Đông mới”.
Bài toán năng lượng khó giải
Theo hãng tin Reuters, ông Biden có thể đối mặt với áp lực khi phải kiềm chế những lời chỉ trích của mình về vấn đề nhân quyền ở Saudi Arabia để thuyết phục vương quốc này và các nước láng giềng “bơm” thêm dầu trong bối cảnh thị trường năng lượng toàn cầu gián đoạn nghiêm trọng bởi xung đột ở Ukraine. Saudi Arabia - một trong những nhà sản xuất năng lượng lớn nhất thế giới - đã đạt gần hết công suất 11 triệu thùng dầu/ngày.
Do vậy, nhiều khả năng các thành viên của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+), bao gồm Saudi Arabia, sẽ có bước đi thận trọng trước yêu cầu từ Mỹ. Bà Samantha Gross, Giám đốc Sáng kiến An ninh Năng lượng và Khí hậu của Viện Brookings, nhìn nhận: “Nếu công chúng đang kỳ vọng về việc giảm giá xăng sau chuyến đi này (của ông Biden), tôi nghĩ họ chắc chắn sẽ thất vọng”.
Trong dự đoán có phần tích cực hơn, ngày 11-7, Cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng Jake Sullivan cho biết, OPEC có khả năng thực hiện “những bước tiến xa hơn” để tăng sản lượng dầu, bất chấp tuyên bố chối từ của Saudi Arabia và UAE. Ông Sullivan nói: “Chúng tôi sẽ truyền đạt quan điểm chung rằng chúng tôi cần đủ nguồn cung trên thị trường toàn cầu để bảo vệ nền kinh tế, bảo vệ người tiêu dùng Mỹ”.
Bên cạnh đó, cộng đồng quốc tế cũng đang dõi theo mối quan hệ đối tác khác đang hình thành trong chuyến đi mang sứ mệnh lớn của ông Biden lần này. Theo đó, Tổng thống Biden sẽ triệu tập hội nghị thượng đỉnh trực tuyến với các nhà lãnh đạo Israel, Ấn Độ và UAE để công bố nhóm “Bộ tứ Tây Á” dưới “biệt danh” I2U2. Một phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ tiết lộ: “I2U2 sẽ chú trọng vào việc mở rộng hợp tác tại Trung Đông và châu Á, gồm thương mại, chống biến đổi khí hậu, hợp tác về năng lượng và những lợi ích chung quan trọng khác”.
Dù có ít kỳ vọng về những “cú hích” chính sách của Mỹ ở Trung Đông, song chuyến công du của Tổng thống Biden là dấu hiệu cho thấy nước Mỹ vẫn gắn kết với khu vực này giữa những bất ổn chính trị phức tạp hiện nay, tạo đà cho đôi bên tăng cường hợp tác, trong đó nhiều khả năng Israel và Saudi Arabia sẽ là “cánh tay nối dài” đáng tin cậy của Washington trong nỗ lực bảo đảm một Trung Đông ổn định.
THƯ LÊ