Ukraine gặp khó trong tìm kiếm giải pháp bảo đảm an ninh

.

Đức thông báo nước này đang thảo luận với các đồng minh thân cận về việc bảo đảm an ninh cho Ukraine nhưng cơ chế bảo vệ này sẽ không đầy đủ so với các thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (trái) tiếp Tổng thống Đức Olaf Scholz tại Kiev vào tháng 6-2022. Ảnh: AFP
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (trái) tiếp Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại Kiev vào tháng 6-2022. Ảnh: AFP

Không thể áp dụng nguyên tắc phòng thủ tập thể

Hãng tin Reuters dẫn tuyên bố của Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 3-7 nói rõ: “Chúng tôi đang tích cực thảo luận với các bằng hữu thân thiết về biện pháp bảo đảm an ninh cho Ukraine. Đây là một quá trình liên tục. Việc bảo đảm an ninh cho Ukraine chắc chắn sẽ không giống như đối với một thành viên của NATO”.

Theo đó, nhà lãnh đạo Đức lý giải, Ukraine không thể là chủ thể được hưởng nguyên tắc phòng thủ tập thể vì nước này không phải là thành viên của NATO. Nguyên tắc phòng thủ tập thể trong Điều 5 của NATO quy định, một cuộc tấn công nhằm vào một nước thành viên đồng nghĩa với cuộc tấn công toàn liên minh. Song, vấn đề cung cấp một số giải pháp bảo đảm an ninh cho Kiev đang được các nhà ngoại giao chuẩn bị kỹ lưỡng cho thời điểm xung đột hiện tại kết thúc.

Trước đó, Ukraine tuyên bố từ bỏ tham vọng gia nhập NATO và đồng ý giữ nguyên tắc trung lập theo yêu cầu của Nga để đổi lấy sự bảo đảm an ninh từ phương Tây. Ngày 1-7, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố thành lập nhóm đặc biệt về bảo đảm an ninh quốc tế cho Kiev do cựu Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen đứng đầu, với sự góp mặt của các nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn từ các nước khác, gồm Úc, Mỹ, Thụy Điển, Anh, Đức, Ba Lan, Pháp và Ý. Nhà lãnh đạo Ukraine mong muốn nhóm này thực thi sứ mệnh phát triển “một định dạng bảo đảm an ninh cho Ukraine, hoạt động lâu dài và thực tế để tránh các cuộc tấn công trong tương lai”.

Vào cuối tháng 4-2022, Tổng thống Zelensky vạch ra tầm nhìn về cách thức hoạt động của các biện pháp bảo đảm an ninh. Theo đó, những người bảo lãnh cần đưa ra quyết định trong vài giờ thay vì vài ngày hoặc vài tuần nhằm tránh sự chậm trễ trong việc cung cấp hỗ trợ quân sự khẩn cấp. Dù một số nước phương Tây hứa hẹn bảo đảm an ninh cho Ukraine, nhưng đến nay vẫn chưa có đề nghị chính thức nào được đưa ra.

Kế hoạch tái thiết “khổng lồ”

Phương Tây đang thể hiện thiện chí sẵn sàng thông qua các kế hoạch tái thiết Ukraine sau khi chiến dịch quân sự đặc biệt do Nga phát động đi đến hồi kết, đồng thời duy trì sức ép răn đe đối với Moscow thông qua hàng loạt biện pháp trừng phạt.

Theo Reuters, ngày 4-7, hội nghị về tái thiết Ukraine khai mạc tại Lugano (Thụy Sĩ) với kỳ vọng kích hoạt “Kế hoạch Marshall” - sáng kiến của Mỹ được ban hành vào năm 1948 nhằm cung cấp viện trợ nước ngoài cho Tây Âu sau khi Thế chiến thứ 2 kết thúc. Kế hoạch này sẽ giúp Ukraine phục hồi nhanh chóng, thay vì phải mất nhiều thập kỷ, đồng thời hỗ trợ tiến trình gia nhập Liên minh châu Âu (EU) “thuận buồm xuôi gió”. Tổng thống Zelensky sẽ có bài phát biểu trực tuyến tại sự kiện quan trọng này.

Theo AP, hội nghị tập trung thảo luận quy trình cải cách ở Ukraine trước khi được chuyển sang tập trung vào tái thiết với khối lượng công việc “khổng lồ”.  Ông Robert Mardini, Tổng Giám đốc Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm “một viễn cảnh tích cực” cho người dân Ukraine vốn đang “vật lộn với nỗi lo lắng về tương lai không chắc chắn”.

Ngày 4-7, Thủ tướng Úc Anthony Albanese cam kết viện trợ quân sự nhiều hơn cho Ukraine sau khi đến thăm thủ đô nước này trong bối cảnh chiến sự đang diễn ra. Theo đó, nhà lãnh đạo Ukraine cam kết gói viện trợ trị giá 100 triệu đô la Úc, gồm máy bay không người lái và 34 xe bọc thép bổ sung. Bên cạnh phát đi tín hiệu “sát cánh” cùng Ukraine, Úc cùng với Anh cũng tuyên bố tăng cường trừng phạt Nga.

Theo đó, Úc sẽ bổ sung áp đặt trừng phạt và cấm đi lại đối với 16 cá nhân gồm các bộ trưởng và nhà tài phiệt Nga, nâng tổng số công dân Nga bị Canberra áp đặt trừng phạt 843 người. Ngoài ra, Úc cũng cấm nhập khẩu vàng từ Nga. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Anh cảnh báo loại bỏ các nhà cung cấp nhiên liệu sử dụng dầu mỏ của Nga.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.