Nhật Bản lên kế hoạch phát triển các nhà máy điện hạt nhân thế hệ mới để bảo đảm sự tự chủ về năng lượng và hiện thực hóa mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. Quyết định táo bạo này đánh dấu sự thay đổi lớn trong chiến lược năng lượng của xứ sở mặt trời mọc sau thảm họa kép động đất và sóng thần vào năm 2011.
Theo Bloomberg, tại hội nghị của Hội đồng Thực hiện chuyển đổi xanh diễn ra ở văn phòng Thủ tướng ngày 24-8, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio dự kiến chỉ thị hoạt động phát triển và xây dựng các nhà máy điện hạt nhân thế hệ mới. Nước này đặt mục tiêu bảo đảm nguồn điện năng trong trung và dài hạn bằng kế hoạch tái khởi động 17/33 nhà máy điện hạt nhân từ mùa hè năm 2023.
Ông Kishida cho hay: “Năng lượng hạt nhân và năng lượng tái tạo là những yếu tố cần thiết để tiến hành một quá trình chuyển đổi xanh. Xung đột tại Ukraine đã thay đổi tình hình năng lượng toàn cầu”. Theo Nikkei Asia, chính phủ sẽ xem xét việc kéo dài tuổi thọ của các lò phản ứng hạt nhân hiện nay trong nỗ lực bước vào giai đoạn mới trong chiến lược năng lượng hạt nhân.
Nhật Bản đã ngừng hoạt động hầu hết các lò phản ứng hạt nhân từ khi động đất và sóng thần lớn gây ra thảm họa tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi vào năm 2011. Dư luận vốn phản đối việc khởi động lại nhà máy điện hạt nhân sau vụ việc này nhưng nay chuyển sang ủng hộ kế hoạch trên của chính phủ trong bối cảnh nước này vừa trải qua đợt nắng nóng tồi tệ nhất trong một thế kỷ và tình trạng thiếu nhiên liệu toàn cầu ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn cung điện năng.
TẤN PHÁT