Ngày 25-8, Giám đốc Cơ quan Cảnh sát quốc gia (NPA) Nhật Bản, ông Itaru Nakamura, thông báo sẽ từ chức để nhận trách nhiệm về vụ cựu Thủ tướng Abe Shinzo bị ám sát vào tháng trước. Diễn biến này một lần nữa cho thấy sự quan tâm của dư luận về vụ ám sát ông Abe vẫn chưa lắng dịu ở quốc gia hiếm khi xảy ra bạo lực và có tỷ lệ tội phạm dùng súng thấp nhất thế giới.
Giám đốc Cơ quan Cảnh sát quốc gia Nhật Bản Itaru Nakamura thông báo sẽ từ chức tại cuộc họp báo ở Tokyo ngày 25-8. Ảnh: Japan Times |
Ông Nakamura đưa ra tuyên bố từ chức tại cuộc họp báo ở Tokyo, nơi cảnh sát công bố kết quả điều tra về các lỗ hổng an ninh trong việc bảo vệ cựu Thủ tướng Abe, từ việc lập kế hoạch đến canh gác tại hiện trường. Theo đó, đối tượng đã lợi dụng sự tắc trách của lực lượng an ninh để tiến hành ám sát.
“Sai sót không thể chối cãi”
Hãng tin AP dẫn phát biểu của ông Nakamura trước báo giới vào ngày 25-8 cho biết: “Sau khi xem xét kỹ lưỡng về vụ việc, chúng tôi quyết định bắt đầu cải tổ hệ thống an ninh và kế hoạch nhân sự để bắt đầu các nhiệm vụ an ninh mới. Đó là lý do tôi gửi đơn từ chức lên Ủy ban An toàn công cộng quốc gia Nhật Bản”. Ông Nakamura không cho biết thời điểm chính thức từ chức. Song, truyền thông nước này đưa tin, đơn từ chức dự kiến được thông qua tại cuộc họp nội các vào ngày 26-8 (giờ địa phương).
Trước đó, ngày 8-7, cựu Thủ tướng Abe - chính trị gia nổi tiếng hàng đầu và là Thủ tướng tại vị lâu nhất của Nhật Bản - bị bắn từ phía sau trong lúc phát biểu để vận động tranh cử cho ứng viên của Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền ở thành phố Nara, thủ phủ của tỉnh Nara. Các cuộc thẩm vấn điều tra Tetsuya Yamagami, người bị cáo buộc sát hại ông Abe, đang tạm dừng trong lúc chờ kết quả kiểm tra về tình trạng tâm thần của nghi phạm dự kiến kết thúc vào tháng 11-2022. Thời gian qua, giới chức Nhật Bản mở cuộc điều tra đặc biệt về những sai sót trong công tác bảo vệ ông Abe trước sức ép mạnh mẽ của dư luận khi họ phàn nàn về công tác bảo đảm an ninh cho cựu Thủ tướng quá lỏng lẻo, tạo kẽ hở để nghi phạm thực hiện vụ ám sát.
Theo báo cáo nói trên, kế hoạch bảo vệ ông Abe của cảnh sát tỉnh Nara có những thiếu sót và thiếu đánh giá rủi ro kỹ lưỡng. Chính sự thay đổi đột ngột trong việc bố trí các sĩ quan cảnh sát bảo vệ ngay trước khi ông Abe có bài phát biểu đã vô tình tạo ra “khoảng trống” ở khu vực phía sau, tạo điều kiện để kẻ tấn công bắn ông hai phát. Trước đó, ông Tomoaki Onizuka, người đứng đầu lực lượng cảnh sát tỉnh Nara thừa nhận: “Tôi cho rằng, công tác bảo đảm an toàn cho cựu Thủ tướng Abe có những sai sót không thể chối cãi”. Quan chức này cũng bày tỏ ý định từ chức để nhận trách nhiệm.
Đổi mới toàn diện hệ thống bảo đảm an ninh
Vụ ám sát ông Abe đặt câu hỏi lớn về cách thức đổi mới giải pháp bảo đảm an ninh để những vụ ám sát tương tự không còn tái diễn ở Nhật Bản. Đáng chú ý, công chúng hết sức lo ngại khi có một đối tượng dọa ám sát đương kim Thủ tướng Kishida Fumio trong bối cảnh có những luồng ý kiến trái chiều về kế hoạch tổ chức quốc tang cho ông Abe. Ngày 24-8, cảnh sát đề nghị bên công tố khởi tố một người ở thành phố Narashino (tỉnh Chiba) do đăng lời đe dọa ám sát ông Kishida.
NPA cho rằng: “Căn nguyên của vấn đề này (vụ ám sát) nằm ở những hạn chế của hệ thống vốn tồn tại trong nhiều năm”. Theo đó, NPA kêu gọi tiến hành đổi mới toàn diện lần đầu tiên trong khoảng 30 năm qua; trong đó chú trọng công tác đào tạo, huấn luyện, nâng cao trình độ, nghiệp vụ của lực lượng an ninh quốc gia và sửa đổi hướng dẫn về nhiệm vụ bảo đảm an ninh của cảnh sát. Cơ quan này cũng kêu gọi chính phủ tăng gấp đôi số nhân viên bảo vệ các quan chức, phát huy vai trò giám sát của lực lượng cảnh sát quốc gia đối với quan chức cấp tỉnh, đồng thời sử dụng công nghệ kỹ thuật số và máy bay không người lái để tăng cường giám sát từ trên cao.
THƯ LÊ