Ngân hàng Trung ương Đức (Bundesbank) cho biết, dấu hiệu suy thoái đối với kinh tế nước này đang gia tăng, đồng thời cảnh báo sụt giảm trên diện rộng và kéo dài về sản lượng kinh tế trong bối cảnh nguồn cung năng lượng eo hẹp.
Hãng tin AFP dẫn báo cáo của Bundesbank công bố ngày 19-9 cho biết, GDP của Đức tăng 0,1% trong quý 2-2022. Tuy nhiên, ngày càng nhiều chỉ số kinh tế như lòng tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng bắt đầu đi xuống. Báo cáo cũng cho biết, giá tiêu dùng tháng 8-2022 tăng 7,9%, cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% mà Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đề ra.
Theo Văn phòng thống kê Liên bang Đức (Destatis), giá sản xuất tăng cao kỷ lục trong tháng 8-2022. Theo đó, giá các sản phẩm công nghiệp của các nhà sản xuất tăng 45,8% so với cùng kỳ năm ngoái; giá điện sản xuất tăng 174,9% so với tháng 8-2021 và tăng 26,4% so với tháng trước; giá sản xuất hàng hóa trung gian cũng tăng đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái… Bundesbank dự báo, tăng trưởng kinh tế có thể giảm nhẹ trong quý 3-2022, trước khi giảm mạnh trong quý 4-2022 và quý 1-2023.
The Guardian dẫn nhận định của Viện Nghiên cứu Kinh tế (Ifo) cho biết, lạm phát ở Đức có thể lên tới 8,1% trong năm nay và chạm mức 9,3% trong năm 2023. Hoạt động kinh tế chỉ có khả năng “trở lại bình thường” năm 2024 với mức tăng trưởng đạt 1,8% và lạm phát 2,5%.
Trong khi đó, theo Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), tại Eurozone, tỷ lệ lạm phát tháng 8-2022 là 9,1%, vượt mức 8,9% tháng 7-2022. Các tỷ lệ này cao hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm 2021 khi lạm phát tại Eurozone chỉ là 3% và toàn liên minh châu Âu (EU) là 3,2%.
THƯ LÊ