Di sản kinh tế mà người tiền nhiệm để lại cho tân Thủ tướng Anh Liz Truss là hàng loạt thách thức khá nặng nề. Dễ dàng nhận thấy, nước này đang đối mặt với cuộc khủng hoảng do giá sinh hoạt tăng cao chưa từng có; tài chính công suy yếu; làn sóng đình công của các nghiệp đoàn diễn ra trên diện rộng; các vấn đề liên quan chính sách đối ngoại - từ xung đột ở Ukraine đến hậu quả của Brexit… Đáng chú ý là khủng hoảng năng lượng trong bối cảnh Anh phụ thuộc vào khí đốt nhiều hơn các nước khác ở châu Âu.
Trong bài phát biểu đầu tiên trên cương vị Thủ tướng, ngày 6-9, bà Truss nhấn mạnh 3 ưu tiên hàng đầu của chính phủ mới, gồm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua cắt giảm, cải cách thuế và giải quyết khủng hoảng năng lượng, trong đó bảo đảm nguồn cung năng lượng trong tương lai. Tân Thủ tướng cam kết mang lại thay đổi kinh tế lớn nhất cho Anh trong vòng 30 năm, khẳng định “cách tiếp cận mới táo bạo” để ứng phó với khủng hoảng kinh tế.
Tuy nhiên, ngay sau phát biểu của bà Truss, thị trường tài chính Anh đã có biến động mạnh. Theo đó, trên thị trường trái phiếu, lãi suất vay kỳ hạn 10 năm của Anh tăng trên 3% ngày 6-9, lần đầu tiên kể từ năm 2014. Đồng bảng Anh cũng chịu sức ép rất lớn do lo ngại về nguy cơ kinh tế rơi vào suy thoái. Tỷ giá đồng bảng Anh so với đồng USD giảm nhanh, đáng chú ý, ngày 16-9, đồng bảng Anh giảm xuống mức thấp nhất so với đồng USD kể từ năm 1985 sau khi nước này công bố số liệu về doanh số bán lẻ thấp hơn dự kiến làm tăng thêm lo ngại khi kinh tế đối mặt với nguy cơ suy thoái kéo dài. Dữ liệu của Refinitiv cho thấy, đồng bảng Anh đã giảm 0,8% trong phiên giao dịch sáng ngày 16-9 xuống 1,137 USD/bảng, lần đầu tiên phá kỷ lục dưới mốc 1,14 USD/bảng trong gần 4 thập kỷ. Đồng tiền này cũng giảm khoảng 0,4% so với đồng euro ở mức 1,142 euro/bảng, mức thấp nhất kể từ đầu năm 2021.
Số liệu do Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS) công bố ngày 16-9 cho thấy, doanh số bán lẻ giảm mạnh trong tháng 8-2022 do người tiêu dùng phải “vật lộn” với giá cả và chi phí năng lượng cao chưa từng có. Hóa đơn năng lượng tăng từ 1.971 bảng Anh/năm lên 3.549 bảng và dự kiến tiếp tục tăng vọt vào đầu năm 2023. Chính phủ đã đề nghị khoản thanh toán trị giá 400 bảng Anh dành cho mỗi hộ gia đình và 1.200 bảng Anh cho những gia đình dễ bị tổn thương nhất. Tuy nhiên, các tổ chức từ thiện cảnh báo, nếu Chính phủ không tăng thêm các khoản hỗ trợ trong thời gian sắp tới thì sẽ là thảm họa cho hàng triệu hộ gia đình.
Đánh giá về những diễn biến nói trên, ông Vasileios Gkionakis, nhà phân tích về tiền tệ của Citi cho rằng, đồng bảng Anh có thể trượt xuống khoảng 1,05-1,10 USD/bảng, khi lạm phát kéo dài, triển vọng tăng trưởng xấu đi. Trong khi đó, Olivia Cross, chuyên gia kinh tế tại Capital Economics cho rằng, “nền kinh tế Anh đã suy thoái”. Ông Shreyas Gopal, nhà chiến lược tiền tệ tại Deutsche Bank cảnh báo nguy cơ xảy ra khủng hoảng nợ tương tự những năm 1970 của thế kỷ trước khi Anh phải cần gói cứu trợ của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Niềm tin của nhà đầu tư tiếp tục bị xói mòn có thể dẫn đến khủng hoảng cán cân thanh toán, ảnh hưởng khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Với tác động từ nhiều phía khiến kinh tế rơi vào suy thoái và chỉ còn 2 năm trước thời điểm tổng tuyển cử, chính quyền của Thủ tướng Truss phải chạy đua với thời gian để hoàn thành chương trình nghị sự dày đặc. Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng, nền kinh tế Anh đang bị tổn thương do xung đột ở Ukraine dẫn đến khủng hoảng năng lượng toàn cầu và “di chứng” phức tạp từ Brexit vẫn chưa được hóa giải. Trước thực trạng như vậy, khó có vị Thủ tướng nào có thể giải quyết hết những thách thức đó trong một sớm một chiều.
TUYẾT MINH