Mỹ siết chặt xuất khẩu chip sang Trung Quốc

.

Mỹ ban hành các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới nhằm hạn chế khả năng mua và sản xuất chip cao cấp của Trung Quốc. Động thái này tiếp tục làm leo thang căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới, cũng như đặt ngành bán dẫn toàn cầu vào thế khó.

Việc Mỹ cấm xuất khẩu một số loại chip sang Trung Quốc có thể ảnh hưởng lớn đến thị trường bán dẫn. TRONG ẢNH: Bên trong nhà máy sản xuất chip nhớ của Micron ở Virginia (Mỹ). Ảnh: Micron
Việc Mỹ cấm xuất khẩu một số loại chip sang Trung Quốc có thể ảnh hưởng lớn đến thị trường bán dẫn. TRONG ẢNH: Bên trong nhà máy sản xuất chip nhớ của Micron ở Virginia (Mỹ). Ảnh: Micron

Theo Reuters, biện pháp nói trên đánh dấu sự thay đổi lớn nhất trong chính sách xuất khẩu công nghệ của Mỹ sang Trung Quốc kể từ thập niên 1990.

Hạn chế tiếp cận công nghệ chip tiên tiến

Thông báo của Bộ Thương mại Mỹ ngày 7-10 (giờ địa phương) cho biết, theo các quy định mới, các công ty Mỹ không được phép cung cấp chip cao cấp, thiết bị sản xuất chip và một số sản phẩm công nghệ khác cho Trung Quốc trừ khi có giấy phép đặc biệt. Các hạn chế xuất khẩu của Mỹ nhắm đến các chip cao cấp, thường được sử dụng để vận hành ứng dụng trí tuệ nhân tạo và siêu máy tính ở Trung Quốc.

Bên cạnh đó, các công ty Mỹ cũng không được bán công cụ sản xuất chip nhớ và chip logic cao cấp cho Trung Quốc nếu chưa có giấy phép. Ngoài kiểm soát chip và thiết bị liên quan, Washington cũng gia tăng hạn chế đối với một số thực thể - công dân Mỹ, thường trú nhân và các công ty cung cấp sự hỗ trợ cho một số công ty sản xuất chip Trung Quốc.

Reuters dẫn lời trợ lý Bộ trưởng Thương mại về quản lý xuất khẩu Mỹ, Thea D. Rozman Kendler cho biết, Trung Quốc đã dồn nguồn lực vào phát triển siêu máy tính và tìm cách trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về trí tuệ nhân tạo vào năm 2030.

Đáp lại, ngày 8-10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết, việc Mỹ “chính trị hóa” công nghệ, kinh tế và thương mại sẽ không thể ngăn cản bước tiến của Trung Quốc mà chỉ gây tổn hại cho chính Mỹ, đồng thời giáng đòn mạnh vào chuỗi cung ứng và công nghiệp toàn cầu cũng như sự phục hồi kinh tế toàn cầu. Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington cũng cáo buộc Mỹ lạm dụng các biện pháp thương mại để củng cố thế độc quyền công nghệ và kìm hãm sự phát triển của các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển. Ông Jack Dongarra, nhà khoa học máy tính tại Đại học Tennessee (Mỹ), cho biết, một số siêu máy tính mạnh nhất của Trung Quốc đang phụ thuộc vào các chip do Intel (Mỹ) hoặc TSMC ở Đài Loan (Trung Quốc) sản xuất.

Tác động lớn đến thị trường

Quyết định của Washington được đưa ra vào thời điểm ngành công nghiệp chip toàn cầu gặp khó khi nhu cầu về các thành phần máy tính cá nhân và điện thoại thông minh đang sụt giảm mạnh. Cổ phiếu của nhiều nhà sản xuất chất bán dẫn lớn nhất thế giới đã sụt giảm trước lo ngại tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn.

Global Times (Trung Quốc) cho biết, động thái của Mỹ sẽ không gây ra bất kỳ tác động bổ sung đáng kể nào đối với ngành công nghiệp chip Trung Quốc vốn ứng phó hiệu quả với sự “chèn ép” kéo dài nhiều năm của Washington và thực sự có bước tiến vượt bậc gần đây. Hơn nữa, việc cố tình tạo “bức tường” giữa Trung Quốc và nguồn chip nước ngoài sẽ làm tổn hại đến các công ty đa quốc gia khắp thế giới, bao gồm các doanh nghiệp Mỹ, vốn hưởng lợi rất nhiều từ thị trường Trung Quốc rộng lớn. Các chuyên gia cảnh báo rằng, sự gián đoạn do Mỹ gây ra có thể khiến ngành công nghiệp chip toàn cầu trì trệ nhiều năm. Ông Han Xiaomin, Tổng Giám đốc Công ty Jiwei Insights (Bắc Kinh) cho biết, lệnh cấm của Mỹ có thể gây thiệt hại 30% tổng doanh thu của một số “gã khổng lồ” trong ngành công nghiệp chip toàn cầu vì Trung Quốc chiếm 1/3 tổng doanh thu của họ, và cũng là một phần quan trọng của chuỗi cung ứng toàn cầu cho thiết bị điện tử.

Theo Bloomberg, các “ông lớn” công nghệ Mỹ bắt đầu lo ngại tác động của biện pháp mới này. Applied Materials Inc. và Intel Corp. (Mỹ) không thể dễ dàng quay lưng lại với Trung Quốc, thị trường lớn nhất của họ do lo ngại sụt giảm doanh thu. Cuối tháng 8 vừa qua, sau khi chính phủ Mỹ cấm Nvidia bán chip tinh vi cho Trung Quốc, công ty này ước tính mất khoảng 400 triệu USD doanh thu trong quý 3-2022. Hiệp hội Công nghiệp chất bán dẫn Mỹ cũng thúc giục chính phủ thực hiện các quy tắc hiệu quả và phối hợp với các đối tác quốc tế để tạo giúp “sân chơi bình đẳng” và giảm thiểu tác động từ lệnh cấm.

Bên cạnh đó, các nhà phân tích cũng cho rằng, các biện pháp kiểm soát đơn phương được Mỹ áp dụng sẽ dần mất đi hiệu quả nếu không có nước nào tham gia. Chúng cũng gây nguy hại cho vị thế dẫn đầu của Mỹ trong ngành công nghệ nếu các đối thủ cạnh tranh nước ngoài không phải chịu lệnh cấm tương tự.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.