Khủng hoảng chính trị ở Venezuela hạ nhiệt

.

Cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc ở Venezuela bùng phát từ khi Tổng thống Nicolas Maduro tuyên bố chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2018. Phe đối lập ở Venezuela, Mỹ và Nhóm Lima (gồm hầu hết các chính phủ Mỹ Latinh thiên hữu) không công nhận kết quả này.

Ngày 5-1-2019, Juan Guaido, 35 tuổi, nghị sĩ đối lập gần như vô danh, được bầu làm Chủ tịch Quốc hội. Ông Guaido chỉ trích Tổng thống Maduro lạm quyền. Ngày 23-1-2019, ông Guaido tự xưng là quyền tổng thống của nước này; đồng thời tuyên bố điều hành đất nước cho tới khi thành lập chính phủ chuyển tiếp và tổ chức bầu cử tự do.

Mỹ, Canada, Liên minh châu Âu (EU) và hầu hết các nước thành viên Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS) ngay lập tức công nhận vai trò “tổng thống lâm thời” tự phong của ông Guaido. Ngược lại, Cuba, Bolivia và Mexico tuyên bố đứng về phía chính phủ hợp pháp của Tổng thống Maduro. Nga, Trung Quốc, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh của Mỹ trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng lên án động thái của Mỹ là can thiệp vào vấn đề nội bộ của Venezuela.

Diễn biến này nhanh chóng đẩy chính trường Venezuela lâm vào khủng hoảng trầm trọng chưa từng có bởi các cuộc biểu tình quy mô lớn chống đối lẫn nhau triền miên; ngành khai thác dầu khí chủ lực của đất nước chiếm khoảng 95% thu nhập xuất khẩu bị đóng băng; siêu lạm phát và nền kinh tế suy thoái nghiêm trọng; nạn thất nghiệp gia tăng; Mỹ áp đặt nhiều lệnh cấm vận; tình trạng bất ổn ở khu vực biên giới với một số nước láng giềng…

Tuy nhiên, được sự ủng hộ của đông đảo các tầng lớp nhân dân, bạn bè quốc tế và sự công nhận của Liên Hợp Quốc, chính quyền của Tổng thống Nicolas Maduro đã khéo léo chống chèo trong “cơn sóng dữ”, từng bước vực dậy nền kinh tế, bảo đảm an ninh và tái kết nối quan hệ láng giềng với một số nước.
Cùng với đó là tình hình thế giới có những biến động nhanh chóng, khó lường với khủng hoảng năng lượng toàn cầu nghiêm trọng đã buộc phe đối lập và các thế lực bên ngoài, nhất là Mỹ, có những bước “xuống thang” đáng kể bởi lẽ Venezuela là nước có trữ lượng dầu đứng đầu thế giới.

Tháng 8-2021, chính phủ Venezuela và phe đối lập bắt đầu tái đàm phán, thông qua vai trò trung gian của Na Uy và dưới sự bảo trợ của chính phủ Mexico, trong nỗ lực tìm giải pháp về tổ chức bầu cử tổng thống và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Ngày 26-11, chính phủ cánh tả của Venezuela và phe đối lập tiến hành ký kết “thỏa thuận bảo trợ xã hội”. Đây là bước tiến mới trong khuôn khổ các cuộc đàm phán tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng kéo dài tại Venezuela, khiến hơn 7 triệu người dân nước này phải bỏ ra nước ngoài. Dù còn rất nhiều khúc mắc về tương lai đất nước nhưng đối với ông Dag Nylander, nhà ngoại giao Na Uy phụ trách tiến hành đàm phán, đây là bước đi mang tính lịch sử. Ngoại trưởng Mexico Marcelo Ebrard, nước tổ chức đàm phán, hoan nghênh thỏa thuận là “tia hy vọng cho Mỹ Latinh” và là “chiến thắng của chính trị”.

Trong khi đó, Mỹ cũng phản ứng nhanh chóng với sự kiện này bằng cách nới lỏng các biện pháp trừng phạt mà Washington áp đặt đối với ngành dầu mỏ của Venezuela khi tuyên bố cho phép tập đoàn Chevron (Mỹ) nối lại các hoạt động khai thác dầu khí hạn chế ở Venezuela. Bộ Tài chính Mỹ cho biết đây là thỏa thuận nhân đạo liên quan tới giáo dục, y tế, an ninh lương thực, ứng phó với lũ lụt và các chương trình sản xuất điện sẽ mang lại lợi ích cho người dân Venezuela.

Có thể nói, thỏa thuận đã được dư luận Venezuela và quốc tế đánh giá là bước đi mang tính đột phá sau 15 tháng bế tắc giữa chính quyền Tổng thống Maduro và phe đối lập. Các nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ở Venezuela như được tiếp thêm sức mạnh, nhất là trong bối cảnh nguồn cung cấp năng lượng toàn cầu đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi xung đột Nga-Ukraine.

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.