Lời cảnh báo từ sự cố mạng ở quốc đảo Thái Bình Dương

.

Đã một tháng trôi qua kể từ lúc vụ tấn công nhằm vào hệ thống mạng của chính phủ Vanuatu, các trang web chính phủ và hệ thống email nội bộ vẫn tê liệt, kéo theo hệ lụy ùn tắc hàng loạt dịch vụ công của quốc đảo Thái Bình Dương này.

Quốc đảo Vanuatu được ca ngợi là thiên đường nhiệt đới tại khu vực Thái Bình Dương. Ảnh: Cntraveller.in
Quốc đảo Vanuatu được ca ngợi là thiên đường nhiệt đới tại khu vực Thái Bình Dương. Ảnh: Cntraveller.in

Vụ hack bí ẩn đánh sập hệ thống thông tin của Vanuatu, khiến hàng trăm nghìn người dân trở về thời “tiền internet”, làm giấy tờ, thủ tục bằng giấy, bút. Thực tế, các vụ tấn công mạng đã xảy ra nhiều trên thế giới và gây vô số hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, sự vụ xảy ra với Vanuatu được xem là thông điệp cảnh báo với những nước chưa chú trọng hạ tầng bảo mật mạng vốn là nền tảng trọng yếu cho an ninh quốc gia trong thời kỳ công nghệ số.

Sự cố mang tính cảnh báo

Sự cố mạng rõ ràng là thử thách bất ngờ với ông Ishmael Kalsakau, người chỉ vừa nắm quyền Thủ tướng Vanuatu. Ông Kalsakau tuyên thệ nhậm chức ngày 4-11 thì ngày 5-11 chính phủ thông báo về sự cố. Các quan chức vẫn đang phải sử dụng tài khoản email cá nhân, dùng máy tính xách tay, giấy bút và thậm chí là máy đánh chữ để xử lý công việc thiết yếu.

Vụ việc liên quan vụ tấn công mạng kiểu phishing, còn gọi là “tấn công giả mạo” khi kẻ tấn công giả mạo là đơn vị uy tín để lừa nạn nhân cung cấp thông tin cá nhân. Khi mới xảy ra, các quan chức còn cho rằng nguyên nhân có thể do thời tiết xấu. Theo Guardian, phần mềm mã độc đánh sập gần như toàn bộ cơ sở dữ liệu lưu trữ trang web cũng như email của chính phủ Vanuatu. Nhiều cơ quan đang sử dụng các ổ cứng máy tính để lưu trữ dữ liệu tại chỗ thay vì sử dụng các máy chủ web hay dịch vụ lưu trữ đám mây.

Vụ tấn công mạng làm rối loạn và trì trệ các hoạt động liên lạc, phối hợp trong quản trị đất nước tại quốc đảo nhỏ chỉ có khoảng 320.000 dân với 80 hòn đảo lớn, nhỏ. Đến nay, vẫn chưa có bất cứ thông tin chính thức nào về việc đây có phải vụ tấn công đòi tiền chuộc hay không. Tuy nhiên, Sydney Morning Herald (Úc) cho biết, các tin tặc đã gửi thư đòi tiền chuộc nhưng chính phủ Vanuatu không chấp nhận. Văn phòng công nghệ thông tin của chính phủ không hồi đáp những yêu cầu đòi tiền chuộc gửi qua email, tin nhắn và cả điện thoại của những kẻ tấn công. New York Times dẫn lời ông Glen Craig thuộc công ty tư vấn Pacific Advisory cho biết: “Mọi thứ đều trao đổi bằng email tại đây. Việc email bị ngắt đã gây ra rất nhiều rắc rối. Tất cả những dịch vụ, gồm xin giấy phép xây dựng, đăng ký cư trú hay xin cấp phép làm việc, hiện đều bị đình lại”.

Các dịch vụ khẩn cấp cũng bị ảnh hưởng; trong đó đường dây nóng của cảnh sát bị “nguội” khoảng một tuần. Việc chi trả lương cho công chức chính phủ cũng chậm lại trong khi một số người dân gặp rắc rối khi đóng thuế. Anh Gilbert Fries làm việc trên đảo Luganville nói: “Một người bạn của tôi không thể gia hạn bằng lái xe”. Một người khác thì phàn nàn về việc nhân viên tại các cảng biển phải dùng bút, giấy để ghi chép hàng hóa ra. Sự cố lần này không chỉ tác động nghiêm trọng tới các hạ tầng mạng dân sinh mà còn ảnh hưởng lớn đến các trang web của ngành hàng không, khách sạn. Rõ ràng, đây sẽ là thách thức lớn khi cũng như nhiều nước, Vanuatu chuẩn bị bước vào các hoạt động du lịch, đi lại sôi động dịp Giáng Sinh và năm mới 2023.

Chật vật khắc phục

Những ngày qua, các cơ quan chức năng Vanuatu gặp nhiều khó khăn để duy trì kết nối thông tin, giải quyết sự vụ. Nhiều giải pháp tình thế được triển khai để bảo đảm phần nào hoạt động liên lạc thiết yếu. Các văn phòng chính phủ đặt tại các đảo ở xa đang đối mặt với tình trạng đình đốn nghiêm trọng các dịch vụ công. Bà Olivia Finau, quan chức phụ trách truyền thông tại Bộ Biến đổi khí hậu nhận định: “Tình hình rất hỗn loạn trong những ngày đầu tiên. Toàn bộ chính phủ phải dùng tạm các tài khoản Gmail để thay thế, hoặc sử dụng email cá nhân. Chúng tôi vẫn đang dùng điện thoại bàn và điện thoại di động để liên lạc. Quốc đảo nhỏ bé Vanuatu của chúng tôi vẫn kiên cường và có thể xử lý được chuyện này”.

Để tạm khắc phục sự cố, người dân phải dùng các cuốn danh bạ cũ, hoặc tra cứu mạng Các trang vàng (Yellow Pages) để tìm số điện thoại của cơ quan chính phủ. May thay, một số cơ quan cũng đã có các trang tài khoản trên facebook và twitter để người dân “xài đỡ”. Theo chuyên gia về bảo mật mạng tại Vanuatu, để khắc phục sự cố, hệ thống mạng cần được nâng cấp phần mềm và dùng công nghệ đám mây để lưu trữ và quản lý dữ liệu. Tuy nhiên, các quan chức của Vanuatu không có chuyên môn làm việc này và “cần sự hỗ trợ từ bên ngoài”. Theo Vanuatu Daily, chính phủ Úc (nước láng giềng của Vanuatu) đã đề nghị hỗ trợ Vanuatu tìm giải pháp khôi phục hệ thống mạng. 

Theo New York Times, không chỉ Vanuatu, các đảo quốc ở khu vực Thái Bình Dương khác còn thường xuyên gặp tình trạng mất Internet tương tự. Hồi tháng 1, thảm họa phun trào núi lửa đã phá hủy tuyến cáp ngầm dưới biển duy nhất kết nối Tonga với thế giới bị đứt, người bên ngoài gần như không thể liên lạc với bất cứ ai ở quốc đảo.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
;
.
.
.
.
.