Lần đầu tiên kể từ khi xung đột nổ ra, lệnh ngừng bắn đơn phương do Tổng thống Nga Vladimir Putin khởi xướng được thực hiện trên toàn mặt trận ở Ukraine từ trưa 6-1 (giờ Moscow). Quyết định của nhà lãnh đạo Nga là sự hưởng ứng tích cực trước lời kêu gọi các bên ngừng bắn từ Thượng phụ Kirill - người đứng đầu Nhà thờ Chính thống Nga, dịp lễ Giáng sinh của Chính thống giáo. Tuy nhiên, Kiev một mực khước từ thực hiện bước đi tương tự.
Một người đàn ông đi qua khu phố bị phá hủy bởi các cuộc không kích ở vùng ngoại ô thuộc Ukraine. Ảnh: Getty Images |
TASS dẫn thông báo của Điện Kremlin cho biết, lệnh ngừng bắn của Nga kéo dài 36 tiếng đồng hồ, từ 12 giờ ngày 6-1 tới 24 giờ ngày 7-1 (giờ địa phương). “Xuất phát từ thực tế nhiều công dân theo Chính thống giáo sống trong khu vực giao tranh, chúng tôi kêu gọi phía Ukraine tuyên bố ngừng bắn và cho phép họ tham dự các buổi lễ vào đêm Giáng sinh và ngày lễ sau đó”, Điện Kremlin cho biết thêm.
Việc ngừng giao tranh, dù tạm thời, sau nhiều tháng xung đột căng thẳng thường được nhìn nhận là động thái đáng hoan nghênh nhưng Ukraine và một số đối tác phương Tây lại tỏ ra hết sức thận trọng trước đề nghị bất ngờ này. Các nhà phân tích của phương Tây thậm chí còn nhận định, bất kỳ khoảng lặng kéo dài nào cũng sẽ có lợi cho Nga trong bối cảnh hiện nay.
Theo cố vấn của Văn phòng Tổng thống Ukraine, ông Mykhailo Podolyak, điều kiện chính để ngừng bắn và đình chiến là quân đội Nga phải rút khỏi lãnh thổ Ukraine và nước này sẽ không xem xét các điều kiện khác. Thư ký Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine Alexey Danilov cũng khẳng định, Kiev phản đối bất kỳ quá trình đàm phán nào với Nga. Ngày 5-1, trên mạng xã hội Twitter, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết, cách duy nhất để khôi phục hòa bình và an ninh là Nga rút quân khỏi Ukraine. Về phần mình, Ngoại trưởng Anh James Cleverly cũng đồng quan điểm khi cho rằng, lệnh ngừng bắn tạm thời này sẽ không có ích cho việc thúc đẩy triển vọng hòa bình, theo Kyiv Independent.
Theo TASS, Phó Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Dmitry Polyansky cho rằng, các diễn biến trên cho thấy, các nhà chức trách Ukraine đang sa vào ván bài địa chính trị của phương Tây khi phớt lờ thỏa thuận ngừng bắn do Nga đề xuất. Theo Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev, Kiev đã từ chối “bàn tay nhân từ của Chính thống giáo” khi đã khước từ đề nghị ngừng bắn dịp Giáng sinh do Moscow đề xuất. Tuy nhiên, tình huống này sẽ gây ít rắc rối hơn cho các lực lượng vũ trang Nga.
Triển vọng hòa đàm cho cuộc xung đột hiện nay ngày càng xa vời khi Ukraine và các đối tác liên quan vẫn tiếp tục các bước đi cứng rắn. Trong cuộc điện đàm song phương chiều 5-1, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định lập trường không dao động trong việc cung cấp hỗ trợ tài chính, nhân đạo, quân sự và ngoại giao cần thiết cho Ukraine trong thời gian tới. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Mỹ và Đức dự định cung cấp xe chiến đấu bộ binh lần lượt là Bradley và Marder cho Ukraine; đồng thời triển khai kế hoạch huấn luyện lực lượng vũ trang cho quốc gia Đông Âu này.
Nhà lãnh đạo Đức cũng khẳng định nước này không muốn “đơn phương độc mã” gửi vũ khí hạng nặng đến Ukraine và sẽ phối hợp với các thành viên khác của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong vấn đề này. Trong khi đó, Nga bác bỏ “bản chất phòng thủ” của các vũ khí chuyển giao cho Kiev; đồng thời chỉ trích việc phương Tây tiếp tục “bơm” vũ khí và thiết bị quân sự cho Kiev là chỉ dấu về việc họ đang cản trở giải pháp chính trị cho cuộc xung đột hiện nay.
Trước sự sẵn sàng của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan trong việc làm trung gian cho giải pháp chính trị cho cuộc xung đột, ngày 5-1, Tổng thống Putin tái khẳng định Nga sẵn sàng đối thoại nghiêm túc nhưng với điều kiện chính quyền Kiev phải đáp ứng các yêu cầu mà Moscow từng đề cập nhiều lần, đồng thời có tính đến “thực tế lãnh thổ mới”- ngầm chỉ việc các vùng đã sáp nhập vào Nga sau các cuộc trưng cầu dân ý năm ngoái. Theo Điện Kremlin, hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận các thỏa thuận đạt được ở Istanbul để xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine và dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu thực phẩm và phân bón của Nga.
Trong một diễn biến đáng chú ý khác, Belarus và Nga đang thành lập lực lượng quân sự chung tại Belarus với số lượng vài nghìn quân và đang chuẩn bị tiến hành tập trận không quân chung để tăng cường bảo vệ và phòng thủ quốc gia. Theo đó, quân nhân, vũ khí và thiết bị quân sự của các lực lượng vũ trang Nga sẽ tiếp tục được chuyển đến Belarus. Đây cũng là động thái khiến Ukraine và các đồng minh phương Tây dè chừng.
GDP của Ukraine giảm mạnh nhất trong 30 năm qua Dữ liệu chính thức do Phó Thủ tướng thứ nhất kiêm Bộ trưởng Phát triển Kinh tế và Thương mại Ukraine Yulia Svyrydenko công bố ngày 5-1 cho thấy, GDP của nước này năm 2022 giảm 30,4%, mức giảm mạnh nhất trong 30 năm qua, phần lớn do tác động của cuộc xung đột. Năm 2022, chứng kiến nền kinh tế Ukraine chịu suy giảm lớn nhất kể từ năm 1991, do xung đột gây cản trở đối với hoạt động kinh tế. Trước khi xung đột bùng phát, GDP của Ukraine tăng 3,4% năm 2021. |
THƯ LÊ