Kinh tế Trung Quốc phục hồi mạnh mẽ hậu Covid-19

.

Nền kinh tế Trung Quốc đang phục hồi mạnh mẽ sau khi các biện pháp hạn chế phòng, chống Covid-19 được dỡ bỏ. Hoạt động sản xuất đạt mức cải thiện lớn nhất trong thập niên qua, trong khi hoạt động dịch vụ đạt tăng trưởng cao và thị trường nhà đất ổn định.

Công nhân làm việc tại một công ty sản xuất linh kiện điện tử ở tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Ảnh: Bloomberg
Công nhân làm việc tại một công ty sản xuất linh kiện điện tử ở tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Ảnh: Bloomberg

Hoạt động sản xuất cải thiện nhanh chóng

Bloomberg dẫn thông báo của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) ngày 1-3 cho biết, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI), thước đo chủ chốt về hoạt động sản xuất ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, tăng lên mức 52,6 vào tháng 2-2023. Con số này vượt xa dự báo trước đó của giới phân tích và là mức cao nhất kể từ tháng 4 -2012. Sản xuất đồ nội thất, sản phẩm kim loại và thiết bị máy móc điện ghi nhận bước cải thiện lớn với chỉ số sản xuất và đơn đặt hàng mới trong các ngành này đều trên mức 60.

Trong khi đó chỉ số PMI phi sản xuất trong lĩnh vực dịch vụ và xây dựng cũng cải thiện đáng kể khi chạm mức 56,3, tốc độ tăng nhanh nhất kể từ tháng 3-2021. Hoạt động xây dựng, một phần của chỉ số PMI phi sản xuất chính thức,  tăng lên mức 60,2, một phần nhờ thúc đẩy chi tiêu cho cơ sở hạ tầng và tăng nguồn tài chính để giúp các nhà phát triển hoàn thành các dự án bị đình trệ.

Như vậy, PMI tổng hợp, bao gồm cả hoạt động sản xuất và phi sản xuất, đã tăng lên 56,4 trong tháng 2-2023. Được biết, 50 điểm là mốc được dùng để phân biệt giữa tăng trưởng và suy yếu trong khu vực sản xuất và dịch vụ. Các chỉ số trên cho thấy bức tranh hoàn chỉnh nhất về quá trình phục hồi kinh tế Trung Quốc sau khi các biện pháp hạn chế do Covid-19 được dỡ bỏ vào cuối năm ngoái và hoạt động kinh doanh trở lại bình thường sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Đây cũng là tín hiệu đáng mừng trước thềm kỳ họp Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc khai mạc vào ngày 5-3 khi chính phủ sẽ công bố mục tiêu tăng trưởng mới  và các giải pháp hỗ trợ sự phục hồi năm nay.

Ông Zhou Hao, chuyên gia kinh tế hàng đầu tại Công ty Guotai Junan International cho biết, dù có các yếu tố ảnh hưởng đến các số liệu PMI nhưng xu hướng chung vẫn cho thấy sự phục hồi vững chắc vào đầu năm 2023. Trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng toàn cầu chậm lại, chính sách của chính phủ về xoay chuyển sang hỗ trợ phục hồi, tăng trưởng kinh tế sẽ giúp duy trì động lực phát triển kinh tế của Trung Quốc trong quý 2-2023.

Các dữ liệu khác cũng báo hiệu sự gia tăng nhu cầu trong nước. Theo đó, doanh số bán nhà tăng trong tháng 2-2023 so với cùng kỳ năm trước, mức tăng đầu tiên kể từ tháng 6-2021 khi các nhà hoạch định chính sách mở rộng hỗ trợ cho lĩnh vực này. Lượng người đi tàu điện ngầm đã quay trở lại mức trước Covid-19 và chi tiêu tại nhà hàng và trung tâm thương mại cũng tăng. Các chuyên gia nhận định, quá trình mở cửa trở lại của Trung Quốc đang hoạt động tốt và các biện pháp ổn định tăng trưởng nội địa của Trung Quốc bắt đầu có hiệu lực. 

Hiệu ứng lan tỏa

Các thị trường toàn cầu đều vui mừng trước chỉ số PMI tăng bất ngờ của Trung Quốc. Dữ liệu trên cũng làm tăng giá cổ phiếu và thúc đẩy sự phục hồi của chuỗi sản xuất hàng hóa. Ngày 1-3, chứng khoán châu Á và đồng đô la Úc đồng loạt đảo chiều từ mức giảm trước đó trong khi đồng Nhân dân tệ ở nước ngoài tăng giá tăng lên trong bối cảnh các nhà đầu tư có cái nhìn lạc quan hơn về triển vọng kinh tế của Trung Quốc. Chẳng hạn, chỉ số Hang Seng China Enterprises theo dõi các công ty Trung Quốc niêm yết tại Hong Kong (Trung Quốc) tăng 3%. Sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới, cũng là động lực lớn đứng sau đà tăng trưởng của giá dầu.

Theo Bloomberg, sự phục hồi của Trung Quốc cũng thổi luồng sinh khi mới vào lĩnh vực sản xuất ở các khu vực khác ở châu Á, qua đó góp phần tạo động lực cho nền kinh tế toàn cầu vốn đang có dấu hiệu trì trệ. Từ khi Trung Quốc mở cửa trở lại sau ba năm theo đuổi chính sách “Zero Covid”, các nhà máy ở châu Á đã tăng tốc mạnh mẽ. Đáng chú ý, so với các khu vực khác trong châu lục, các nước Đông Nam Á ghi nhận chỉ số PMI đồng loạt tăng trong tháng 2-2023. Chỉ số PMI của Thái Lan đạt mức 54,8 vào tháng 2-2023, mức cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Tương tự, Philippines, Indonesia và Myanmar cũng công bố chỉ số PMI tích cực.

Mỹ, Trung Quốc căng thẳng xung quanh nguồn gốc Covid-19

Trung Quốc bác bỏ kết luận do Bộ Năng lượng Mỹ đưa ra trước đó rằng nCoV rò rỉ từ phòng thí nghiệm Trung Quốc có thể là nguyên nhân gây Covid-19; đồng thời yêu cầu Washington ngừng chính trị hóa vụ việc này. Ngày 28-2, Reuters dẫn lời Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) Christopher Wray cho biết, nguồn gốc của đại dịch rất có thể là sự cố tiềm ẩn trong phòng thí nghiệm ở Vũ Hán (Trung Quốc).

Theo Global Times, Trung Quốc khẳng định, Mỹ không đủ điều kiện để tự một mình thực hiện truy tìm nguồn gốc dịch bệnh. Bắc Kinh khẳng định, truy tìm nguồn gốc Covid-19 là vấn đề khoa học nghiêm túc và phức tạp, chỉ có thể được thực hiện thông qua hợp tác khoa học toàn cầu. Bắc Kinh luôn coi trọng và tích cực tham gia hợp tác quốc tế, tuân thủ nguyên tắc khoa học, công khai và minh bạch, và đã hai lần mời các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đến nước này để phối hợp làm việc.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.