Mỹ hạn chế đầu tư vào công nghệ ở nước ngoài

.

Tổng thống Mỹ Joe Biden sắp ban hành sắc lệnh hành pháp nhằm hạn chế nguồn đầu tư của Mỹ vào các lĩnh vực công nghệ tiên tiến ở nước ngoài, qua đó giúp giảm nguy cơ rủi ro an ninh quốc gia.

Kỹ sư làm việc tại nhà máy sản xuất chip Micron Technology tại Manassas, bang Virginia, Mỹ. Ảnh: CNN
Kỹ sư làm việc tại nhà máy sản xuất chip Micron Technology tại Manassas, bang Virginia, Mỹ. Ảnh: CNN

Xem xét cấm đầu tư vào chip cao cấp, AI

Theo AP,  những lĩnh vực giúp nâng cao năng lực quân sự của các đối thủ sẽ là trọng tâm của chương trình hạn chế đầu tư này. Các hạn chế này có thể gồm quy định cấm đầu tư vốn cổ phần tư nhân và vốn mạo hiểm vào chip cao cấp, điện toán lượng tử và một số dạng trí tuệ nhân tạo (AI).

Dù giới chức Mỹ không nêu rõ chương trình sẽ nhắm đến các nước cụ thể nào nhưng các nguồn tin cho biết, quy định mới sẽ hạn chế phần lớn các khoản đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc. Nhiều khả năng, nhà đầu tư Mỹ sẽ không được phép cung cấp vốn và chuyên môn cho các công ty Trung Quốc vốn có thể giúp Bắc Kinh cải thiện tốc độ và độ chính xác trong quyết định quân sự. Sự điều chỉnh đầu tư của Mỹ ra nước ngoài sắp tới sẽ là bước đi mới của Nhà Trắng nhằm cản trở khả năng phát triển các công nghệ của Trung Quốc mà Washington tin rằng có thể gây nguy hại cho an ninh quốc gia. Ngoài ra, Mỹ tiếp tục thực hiện kế hoạch áp thuế đối với hơn 300 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trong những tháng tới.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm thế nào để cân bằng rủi ro an ninh và lợi ích kinh tế khi áp dụng quy tắc trên. Thứ trưởng Bộ trưởng Tài chính Mỹ Wally Adeyemo đề xuất quy tắc của chương trình hạn chế đầu tư nên theo hướng giúp giải quyết các rủi ro an ninh quốc gia nhưng không tạo bất lợi kinh tế cho Mỹ. Tổng thương mại hàng hóa giữa Mỹ và Trung Quốc tăng lên hơn 690 tỷ USD vào năm 2022, vượt qua mức kỷ lục vào năm 2018. Thực tế này cho thấy người tiêu dùng và công ty ở hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn có mối liên hệ sâu sắc bất chấp chính quyền của hai bên tồn tại khác biệt về các vấn đề kinh tế và chính trị.

Washington đang nỗ lực giảm bớt sự phụ thuộc của Mỹ vào Trung Quốc về hàng hóa; đồng thời khuyến khích các công ty phương Tây đầu tư vào các đối tác thương mại khác, chẳng hạn như Ấn Độ. “Một trong những cách tốt nhất để sắp xếp lại quan hệ Mỹ-Trung Quốc là tăng cường đàm phán các hiệp định thương mại thực chất với các đối tác của Mỹ trước khi họ buộc phải quay sang Trung Quốc”, ông Adrian Smith, nghị sĩ đảng Cộng hòa, nói. Trong khi đó, Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai cho rằng, việc nước này muốn tách biệt hoàn toàn nền kinh tế của mình khỏi Trung Quốc sẽ cực kỳ khó khăn. Thay vào đó, Washington cần tìm cách cùng tồn tại và cạnh tranh công bằng với Trung Quốc trong khi bảo vệ nền dân chủ và lợi ích kinh tế của mình.

Thúc đẩy các hiệp định quan trọng

Trong khi đó, Bloomberg dẫn thông báo gần đây của Cơ quan Đại diện thương mại Mỹ cho biết, chính quyền Tổng thống Biden đang làm việc với các nước ở châu Á để thúc đẩy Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF). Vòng đàm phán tiếp theo của IPEF sẽ diễn ra trong tháng này tại Bali (Indonesia).

Trước đó, các nước tham gia đàm phán IPEF, trong đó có Nhật Bản, nhất trí đặt mục tiêu đạt thỏa thuận một phần vào cuối tháng 5-2023, thời điểm các bộ trưởng phụ trách thương mại của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) nhóm họp ở Mỹ và sau đó đạt thỏa thuận trong tất cả lĩnh vực vào giữa tháng 11-2023 khi hội nghị cấp cao APEC diễn ra. Mỹ giữ chức Chủ tịch APEC năm nay. Bộ Thương mại Mỹ cho biết, các đối tác của IPEF đã tái khẳng định cam kết tiếp tục hợp tác để nhanh chóng ký kết các thỏa thuận bao gồm các kết quả tiêu chuẩn cao và mang lại các lợi ích cụ thể nhằm nâng cao tầm nhìn chung về cạnh tranh kinh tế và thịnh vượng trong nền kinh tế tương ứng của các nước này.

Bên cạnh IPEF, Mỹ sẽ thực hiện kế hoạch Ðối tác kinh tế mới với các nước Mỹ Latinh, đồng thời hợp tác với Liên minh châu Âu (EU) để giải quyết các thách thức như hoạt động kinh tế phi thị trường, đồng thời thúc đẩy thỏa thuận thương mại với liên minh này để giải quyết lượng khí thải nhà kính từ các mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu. Đáng chú ý, chính quyền ông Biden đã không thực hiện bất kỳ cuộc đàm phán về các hiệp định với Vương quốc Anh và Kenya vốn được đề xuất dưới thời Tổng thống Donald Trump.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.