Tờ Financial Times nhận định, quá trình tăng trưởng vượt bậc kéo dài hàng thập niên của kinh tế Trung Quốc đang có dấu hiệu chậm lại. Giờ đây, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chiếm tỷ trọng nhỏ dần trong GDP toàn cầu.
Công nhân làm việc tại một nhà máy sản xuất động cơ xe điện và hệ thống điều khiển truyền động tại thành phố Ninh Ba (Trung Quốc). Ảnh: Bloomberg |
Sự đảo ngược đáng lo
Theo Financial Times, thị phần của Trung Quốc trong kinh tế toàn cầu tăng gấp 10 lần, từ dưới mức 2% vào năm 1990 lên 18,4% vào năm 2021. Đây là lần đầu tiên và duy nhất thế giới chứng kiến một mức tăng trưởng mạnh mẽ và liên tục đến vậy. Tuy nhiên, năm 2022, thị phần của Trung Quốc trong kinh tế thế giới đã giảm đi một chút. Bất chấp những kỳ vọng về sự phục hồi mạnh mẽ, tốc độ suy giảm này dự kiến lớn hơn nữa vào năm 2023, xuống còn 17%. Dựa trên dự đoán này, Trung Quốc phải đối mặt với mức giảm 1,4 điểm phần trăm trong hai năm qua, đánh dấu mức giảm thị phần lớn nhất của nước này kể từ thập niên 1960.
Nhận định về những nguyên nhân khiến quy mô kinh tế Trung Quốc trong tỷ trọng kinh tế toàn cầu đang thu hẹp, Chủ tịch Ruchir Sharma của Rockefeller International cho rằng, tính theo đồng USD “danh nghĩa” chưa được điều chỉnh theo lạm phát (thước đo phản ánh chính xác nhất sức mạnh kinh tế tương đối của một quốc gia), tỷ trọng của Trung Quốc trong GDP thế giới bắt đầu giảm vào năm 2022 do các biện pháp kiểm soát Covid-19 nghiêm ngặt được áp dụng trong phần lớn thời gian của năm đó.
Trong khi đó, các chuyên gia khác chỉ ra rằng lực lượng lao động là vấn đề đầu tiên khiến thị phần của Trung Quốc trong kinh tế toàn cầu bị thu hẹp. Tỷ lệ sinh xuống mức thấp của Trung Quốc làm giảm tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động của thế giới từ mức cao nhất là 24% xuống còn 19% và dự kiến sẽ giảm xuống 10% trong 35 năm tới. Bên cạnh đó, trong thập niên qua, tổng số nợ của Trung Quốc đã ở mức cao lịch sử đối với một quốc gia đang phát triển. Hai vấn đề này đã làm chậm lại tốc độ tăng trưởng năng suất, được đo bằng sản lượng trên mỗi công nhân. Ít công nhân hơn và tăng trưởng sản lượng trên mỗi công nhân yếu hơn sẽ khiến Trung Quốc gặp khó khăn trong việc bắt đầu giành lại thị phần trong nền kinh tế toàn cầu.
Kỳ vọng mục tiêu tăng trưởng
Ông Sharma nhận định, sự đảo ngược nói trên của Trung Quốc có thể tạo bước ngoặt mới cho kinh tế toàn cầu, qua đó có thể tái lập trật tự thế giới trong những thập niên mới. “Kể từ những năm 1990, tỷ trọng của Trung Quốc trong GDP toàn cầu tăng chủ yếu do vượt lên ảnh hưởng của châu Âu và Nhật Bản, những khu vực có tỷ trọng ít nhiều ổn định trong hai năm qua. Khoảng trống mà Trung Quốc để lại chủ yếu được lấp đầy bởi Mỹ và các nền kinh tế mới nổi khác trên thế giới”, ông Sharma nói.
Theo dự đoán, kinh tế thế giới dự kiến tăng thêm 8.000 tỷ USD trong các năm 2022 và 2023 lên 105.000 tỷ USD, Trung Quốc sẽ không chiếm một phần đáng kể nào trong khi Mỹ sẽ chiếm 45% và các quốc gia mới nổi khác gồm Ấn Độ, Indonesia, Mexico, Brazil và Ba Lan sẽ chiếm 50%. Trong những năm tới, Trung Quốc chỉ có thể giành lại thị phần toàn cầu với mức tăng đột biến về lạm phát hoặc giá trị của đồng Nhân dân tệ. Song, điều này khó có thể xảy ra bởi trước đó nền kinh tế nước này từng rơi vào tình trạng giảm phát.
Trong khi đó, Chính phủ Trung Quốc cho biết, họ vẫn duy trì mục tiêu tăng trưởng 5% hằng năm và kỳ vọng sẽ đạt mục tiêu này trong năm 2023. Niềm tin này càng được củng cố khi Quỹ Tiền tệ quốc tế cũng kỳ vọng mức tăng trưởng 5,4% vào năm 2023 cho nước này. Tuy nhiên, ông Sharma bác bỏ việc sử dụng tăng trưởng GDP thực tế làm thước đo, khi nói rằng những con số này có thể được điều chỉnh. Chuyên gia này cho rằng, tính theo đồng USD “danh nghĩa”, GDP của Trung Quốc sẽ giảm trong năm 2023, đánh dấu mức giảm lần đầu tiên kể từ năm 1994.
Bất chấp những dự đoán nói trên từ giới chuyên gia phương Tây, Chính phủ Trung Quốc vẫn lạc quan và gần đây đã phần nào phát tín hiệu về chính sách xoay trục sang chính sách kích thích vì không thể mạo hiểm chờ tăng trưởng mạnh mẽ trở lại. Trong cuộc gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden và giám đốc điều hành các doanh nghiệp lớn của Mỹ bên lề hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) gần đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh, quốc gia này vẫn cần hợp tác với các đối tác kinh doanh nước ngoài. Ở thời điểm này, Trung Quốc đang xoay xở để đảo ngược dòng vốn đầu tư “chảy” khỏi đất nước trong bối cảnh phương Tây chủ trương “giảm thiểu rủi ro” với nước này, đặc biệt căng thẳng thương mại với Mỹ còn dai dẳng. Theo Nikkei Asia, nợ tài chính phát sinh từ đầu tư trực tiếp nước ngoài (DIL), thước đo vốn nước ngoài chảy vào Trung Quốc, ở mức âm 11,8 tỷ USD trong quý 3-2023.
THƯ LÊ